"Đám cưới phải mời nhiều người thì mới có "vốn" cho hôn nhân sau này"

Quỳnh Trân (TH), Theo Trí Thức Trẻ 10:35 06/03/2015

"Nhiều gia đình không có điều kiện, số lượng khách chỉ tầm 100 người hoặc ít hơn, bố mẹ vợ chỉ có một hai chỉ vàng làm hồi môn thì các khoản tiền mừng họ nhận được từ việc tổ chức đám cưới chính là “vốn huy động” dành cho cuộc sống mới của họ sau này"

Đó là quan điểm của một độc giả tên Hạnh Hương chia sẻ, sau khi đọc xong bài viết "Xin đừng mời tôi đi ăn đám cưới"! của siêu mẫu Hà Anh. Bài viết này dường như "gãi đúng chỗ ngứa" của nhiều người, chỉ sau 2 ngày đã thu hút gần 4,000 lượt like và hơn 600 lượt chia sẻ. Nhiều người bắt đầu vào tranh luận sôi nổi về chủ đề này ở khắp các diễn đàn, facebook cá nhân, những ý kiến của bạn đọc được gửi về mỗi ngày...


Bài viết của siêu mẫu Hà Anh nhận được sự đồng tình của nhiều người nhưng cũng xuất hiện một vài ý kiến trái chiều.

Chúng tôi xin được trích đăng những ý kiến do độc giả gửi về:

Mời nhiều khách để... huy động vốn


Có nhiều cách để một số người lý giải về việc tại sao trong đám cưới phải mời nhiều khách, bao gồm người quen, đồng nghiệp của bố mẹ, anh, chị, những người họ hàng, người quen biết lâu ngày không gặp... Những lý do được đưa ra thường thấy là vì "lịch sự", "giữ mối quan hệ", "vì bố mẹ muốn phải có thật nhiều đồng nghiệp, bạn bè đến chung vui", cũng có người thẳng thắn chia sẻ: Phải mời nhiều khách để còn... thu vốn.

"Nhiều gia đình không có điều kiện, số lượng khách chỉ tầm 100 người hoặc ít hơn, bố mẹ vợ chỉ có một hai chỉ vàng làm hồi môn thì các khoản tiền mừng họ nhận được từ việc tổ chức đám cưới chính là “vốn huy động” dành cho cuộc sống mới của họ sau này. Từ một đồng vốn đó họ sẽ xây dựng tổ ấm và biến nó thành vô vàn đồng khác nhau, như thế họ mới có khả năng đi đám cưới con cháu khác, có suy nghĩ đó nên họ sẽ không sợ mỗi khi nhận được thiệp mời cũng là một lẽ ngẫu nhiên" - bạn Hạnh Hương chia sẻ.

Một độc giả có nick Pacman thì cho rằng, hầu như không có nhiều người ở Việt Nam nghĩ rằng đám cưới là chuyện của 2 người. Độc giả này cho biết, ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, chuyện cưới hỏi là chuyện đại sự của hai gia đình, thậm chí hai dòng họ. "Chắc chắn trong nhà ai cũng có những cuốn sổ ghi tên những người đi mừng đám hiếu/hỉ nhà mình và mừng bao nhiêu để sau này còn trả lễ lại. Lý thuyết và thực tiễn hãy còn xa nhau lắm. Mình cũng từng được nhận thiệp cưới của bạn cấp 1 đã 10 năm không gặp nhau, bỗng 1 hôm gặp lại trên đường đi làm, hỏi thăm qua loa vài câu, xin số điện thoại và hôm sau gửi thiệp luôn".

Ở Việt Nam, chuyện cưới hỏi không chỉ là chuyện của 2 người mà là chuyện đại sự của cả hai bên gia đình, dòng họ - (Ảnh minh họa).

Được mời đi ăn đám cưới từ những người lạ là một thảm họa

Một lá thư gửi từ email "hoangphuong_manutd..." cho biết, hầu hết nhà nào đi ăn đám cưới cũng quan tâm xem đám cưới này có to không, có nhiều khách khứa không, cỗ cưới thế nào chứ thực tình chả mấy ai quan tâm xem cô dâu hay chú rể thế nào. "Mấy năm nay khi đã ra trường đi làm, mình gặp phải tình huống dở khóc dở cười là đúng năm được tuổi nên gần như đến mùa cưới thực sự là ác mộng. Bạn bè bằng tuổi thay nhau gửi thiệp. Những người mình thân quen, mình đi thì không sao, nhưng đây lại cả những người từ lâu lắm rồi mình không hề liên lạc và thậm chí đến lúc đi đám cưới họ mình cũng chả nhớ giữa mình và họ đã từng có chung kỉ niệm gì. Mỗi lần đi dự đám cưới mình cứ nghĩ đến đám cưới của mình sau này mà sợ hãi nên chỉ ước nếu sau này cưới hãy để cho mình làm thiệp báo hỉ, hoặc mình sẽ chỉ tổ chức một đám cưới thật nhỏ với sự tham gia của người thân và những người bạn thân nhất với mình mà thôi. Mình muốn ngày cưới của mình là một ngày đáng nhớ chứ không phải là thảm họa cho những người mình mời từ lúc nhận được thiệp cho đến lúc đi ăn đám cưới", độc giả này chia sẻ.

Chị Ngọc Phượng, Quảng Nam thì kể: "Bố mẹ mình chức tước không cao, tiền bạc không nhiều nhưng vào mùa cưới thì tháng nào cũng vài chục triệu tiền cưới, tháng ít cũng dăm bảy triệu (hoàn toàn là sự thật chứ chả bốc phét gì cả đâu). Đôi khi nhận được những cái thiệp trời ơi vô cùng vì chả thân thiết gì cho cam cũng mời mà bực cả mình. Nhà chồng mình có 8 anh em, bố chồng có 7 anh em, mẹ chồng có 5 anh em. 9 năm nay không biết đi bao nhiêu cái đám cưới, từ Cần Thơ, Đồng Nai tới Vũng Tàu. Hai em chồng cưới trong 1 năm, đứa tháng 5 đứa tháng 10. Cô bên chồng có 5 đứa con, mời vợ chồng mình là một lẽ, đây còn mời cả bố mẹ mình dù bố mẹ mình chưa nói chuyện với nhà cô chú ấy lần nào. 3 đứa gửi là 3 thiệp. Mẹ mình gửi cả 3 thiệp, không đi thiệp nào. Thế mà đứa thứ 4 cưới vẫn đưa thiệp lên. Hết biết!".

Cũng còn tùy vào hoàn cảnh và truyền thống của gia đình

Một số ý kiến khách quan cho rằng, việc mời đám cưới nhiều là do truyền thống lâu năm ở gia đình, họ hàng. Không thể làm khác được. Độc giả Nguyen Huynh nói: "Mình cũng từng nghĩ nếu sau này mình có đám cưới cũng chỉ mời những người cần mời. Thế nhưng một mình mình nhận thấy không có nghĩa là ai cũng nhận thấy điều này đúng. Ông bà, chú bác, cha mẹ mình coi đó là truyền thống, là tục lệ. Người thành phố muốn sao cũng được chứ người làng họ nhìn vào mâm cỗ mà đánh giá cả gia đình, và cái chuyện có đi có lại nó đã thành một nghĩa vụ. Mình có thể chỉ muốn mời những người thân thiết, nhưng họ thì không. Họ sinh sống trong môi trường tập thể hoàn toàn khác, khi mà mọi chuyện ra đầu làng cuối ngõ mọi người đều biết. Nếu làm mâm cỗ không bằng người, cả làng sẽ đồn, rồi họ không có mặt mũi nào vác mặt đi đâu, thậm chí ra đến chợ. Phận con thì chỉ biết nghe lời người lớn. Bao giờ cả một tập thể như thế thay đổi suy nghĩ và cách làm, thì may ra".

Bạn có nick Cát Bụi cũng cho hay, việc mời đám cưới phải suy nghĩ cho từng người, từng hoàn cảnh, vì người Việt thường có suy nghĩ: mời thì bảo phiền, tốn tiền; không mời thì bảo coi thường.
"Có những anh chị vì mình cưới ở quê, cách Hà Nội hơn 100km nên không dám mời vì ngại người ta đi lại xa xôi. Kết quả đến khi đi làm, gặp mặt anh chị đó, cảm giác người ta đã có khoảng cách với mình vì mình không mời họ đi đám cưới".

Tôi từng có một đám cưới đầm ấm vì rất ít người đến dự

Đó là chia sẻ của anh H.L, một Việt kiều hiện đang sống ở Canada, anh cho biết, vào 8 năm trước khi tổ chức đám cưới ở Việt Nam, anh chỉ mời gia đình, những người bạn rất rất thân, cũng là những người đã biết chuyện tình cảm của vợ chồng anh. "Họ đã luôn cầu nguyện cho chúng tôi và yêu thương chúng tôi thật lòng. Hàng xóm, đồng nghiệp, sếp đều nhận thiệp báo hỉ kèm theo cái bánh kem ngon, sau tuần trăng mật thì có bữa karaoke tiệc với đồng nghiệp. Bà con thì tôi không mời vì ngại mọi người đi xa và vì tôi không muốn bia, rượu, thuốc lá trong tiệc. Nhiều người sốc và bất bình vì tôi không mời, nhưng hy vọng một ngày nào đó họ phải cám ơn vì không phải tốn kém đi đám cưới tôi. Đám cưới nhỏ gọn ấm cúng với mọi người yêu thương và muốn chúc phúc cho chúng tôi, với bạn bè, anh chị khó khăn tài chính, chúng tôi nói thẳng không muốn họ đi tiền hay quà, chỉ giúp bưng quả, không cần trao quả và quan trọng là sự hiện diện của họ là quà quý nhất cho chúng tôi. Do đó tôi nhận được mấy đồ cài áo, bộ vòng tay, cột tóc đan len tỉ mỉ từ tay các em làm tặng. Thật quý lắm. Đến tận giờ này chúng tôi và khách mời vẫn thấy thật ngày đó rất đáng nhớ và hạnh phúc dù đi xa nửa vòng trái đất, các quà handmade đó vẫn được dùng trong các tiệc quan trọng của tôi bây giờ".

Theo anh L., nếu người tổ chức tiệc không ngại bị "nói" và người không được mời không quá bức xúc tự ái cao thì mọi chuyện giải quyết được hết.

Bạn nghĩ gì về quan điểm của các độc giả trên về chuyện đi đám cưới của người Việt hiện nay? Bạn đã từng gặp những tình huống khó xử trong việc này?

Hãy thể hiện quan điểm của bạn với chúng tôi qua nút Gửi bài viết trên Kenh14.vn, để ý kiến của bạn được chia sẻ nhanh nhất với độc giả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày