Phải cơ cấu lại mô hình tổ chức!
Trả lời chấn vấn về nạn cướp giật trên địa bàn TP.HCM vào chiều 6/12 trước HĐND thành phố, Thiếu tướng Phan Anh Minh, PGĐ Công an TP.HCM cho rằng, TP.HCM đã nghiên cứu, kế thừa và tiếp thu mô hình 141 của TP. Hà Nội.
“Hà Nội có quá nhiều “đầu gấu” sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ cho nên mới cần "ông" cơ động, hình sự đặc nhiệm đi theo bảo vệ.
TP.HCM chưa tới mức đó, hình sự đặc nhiệm phát hiện cái gì trên bộ đàm báo cho CSGT kiểm tra cái xe đó, chứ không cần một ông làm mà hai ông thợ vịn như vậy. Chúng ta đang thiếu lực lượng, không nên lãng phí”, ông Minh khẳng định.
Số vũ khí mà lực lượng 141, công an Hà Nội thu giữ được. Ảnh: VietNamNet
Nói về nạn cướp giật tại TP.HCM, trả lời câu hỏi của báo chí, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho hay: “Chúng tôi đã vào làm việc trực tiếp với TP.HCM. Các Tổng cục cũng đã vào tăng cường để hỗ trợ công an TP.HCM.
Thế nhưng, cách đánh của mỗi một địa phương khác nhau. Tới đây, có lẽ Công an TP. HCM cũng phải rút kinh nghiệm. Chúng ta phải tập trung vào các phòng nghiệp vụ trên này để hỗ trợ cho nhau. Không thể phân về cho các quận huyện để giải quyết từng địa bàn.
Vấn đề này cần rút kinh nghiệm từ Hà Nội. CSHS, CSGT, CSCĐ phải có sự phối hợp rất chặt chẽ, nhuần nhuyễn với nhau thì mới chống lại được bọn cướp giật càn quấy trên địa bàn hiện nay".
Trả lời câu hỏi: Tại sao TP.HCM chưa áp dụng mô hình 141 như Hà Nội, trong khi ở Hà Nội, mô hình này đã phát huy hiệu quả, ông Phạm Qúy Ngọ cho biết: “Mỗi một địa bàn, một địa phương có đặc thù khác nhau. TP.HCM phân cấp cho các quận, huyện, chúng tôi thấy có hiệu quả nhưng còn thấp.
Thời gian tới, chúng tôi yêu cầu phải cơ cấu lại về mô hình tổ chức. Ngoài CSHS thì lực lượng CSGT, CSCĐ phải được tung vào cùng tham gia. Nếu 3 lực lượng này phối hợp với nhau, cộng với tới đây có sự chỉ đạo sát sao của Bộ, các Tổng cục thì tôi tin là Công an TP.HCM có thể ngăn chặn, đẩy lùi được tội phạm cướp giật".
Hiệu quả của mô hình 141
Trước tình hình tội phạm gia tăng, Công an TP Hà Nội đã thành lập 5 tổ công tác đặc biệt với tên gọi 141 gồm 3 lực lượng: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự và Cảnh sát Cơ động. Kể từ khi ra đời cho đến nay, lực lượng 141 đã tỏ rõ sức mạnh với việc liên tiếp lập hàng loạt các thành tích về bắt giữ tội phạm bắt nguồn từ việc vi phạm giao thông.
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ kiểm tra 'kho' vũ khí lực lượng 141 thu được -( Ảnh VTCNews).
Trong 1 năm qua, lực lượng 141 đã kiểm tra, xử lý và thu giữ 1.723 tang vật gồm: 8 khẩu súng quân dụng, 48 súng công cụ hỗ trợ và gần 200 viên đạn; 503 dao, kiếm các loại và 1 nỏ, 1 rìu sắt, 116 bình xịt hơi cay, 161 dùi cui các loại, 17 còng số 8, 2 bình khò cùng 1047,397 g ma túy các loại, 34,432g chất nổ, 35 bộ vam phá khóa…
Trên cơ sở đó, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố 201 vụ án, 253 bị can điển hình và bắt giữ 2 đối tượng đang có lệnh truy nã đặc biệt, 1 đối tượng Quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Duy Hùng, Phó trưởng Công an quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Hiệu quả của Tổ công tác 141 đã làm là rất tốt, hỗ trợ tình hình an ninh trật tự cho công an cấp quận chúng tôi. Những thanh niên càn quấy, thanh niên có biểu hiện mang theo dao, vũ khí nóng, công cụ hỗ trợ phần lớn bị lực lượng 141 kiểm soát và bắt giữ”.
Theo ông Hùng, sau khi có lực lượng 141, nhiều đối tượng không dám mang theo vũ khí vì sợ gặp phải lực lượng này.
Sau hơn một năm thực hiện Kế hoạch chuyên đề số 141/KH – CAHN về thành lập các tổ công tác đặc biệt và tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Ban chỉ đạo 197/TP, Tổng cục VI – Bộ Công an và Giám đốc CATP đã khen thưởng 20 lượt tập thể và 114 lượt cá nhân (Công an TP. Hà Nội) về việc triển khai Kế hoạch 141/KH.