Theo đơn kêu cứu khẩn cấp của anh Tống Văn Đạt (phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô), tối ngày 18/6, anh bị nhóm công an Phường Văn Quán hành hung khi đang tác nghiệp quay lại cảnh công an phường lập chốt xử lý người vi phạm giao thông.
Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này, nhóm phóng viên Infonet đã tìm đến Công an phường Văn Quán (quận Hà Đông, TP. Hà Nội).
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Tại đây, Thiếu tá Trương Ngọc Chinh - Phó trưởng Công an phường Văn Quán cho biết: “Vụ việc xảy ra vào tối18/6, cơ quan công an phường đã báo cáo Công an quận Hà Đông và Công an TP Hà Nội rồi. Thời điểm đó, tổ công tác công an phường có dừng xe kiểm tra những người vi phạm giao thông không đội mũ bảo hiểm”.
Khi được hỏi cụ thể về vụ việc thì Thiếu tá Trương Ngọc Chinh cho biết, theo quy chế phát ngôn của ngành thì công an phường không được phát ngôn cụ thể về sự việc, đồng thời giới thiệu chúng tôi lên Công an quận Hà Đông.
Đến tại Công an quận Hà Đông, nhóm phóng viên Infonet được Đại tá Vương Tiến Dũng – Trưởng Công an quận cho biết: “Vụ việc xảy ra vào 21h tối 18/6 và cơ quan công an quận có nắm được tình hình. Vào thời gian đó, tổ tuần tra trấn áp tội phạm của Công an phường Văn Quán do đồng chí Thiếu tá Trương Ngọc Chinh làm tổ trưởng cùng 4 chiến sĩ và các trật tự viên đang tiến hành xử lý người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm.
Lúc này, có một người mặc quần đùi, cởi trần từ một chiếc xe ô tô 4 chỗ, không xuất trình giấy tờ báo chí gì cả và có mùi rượu tiến lại tổ công tác chụp ảnh, ghi hình, nên tổ công tác yêu cầu mời người này ra ngoài. Trong quá trình mời ra ngoài đã xảy ra giằng co giữa các chiến sĩ công an với người này”.
Phóng viên Đạt đang điều trị tại BV Xanh -Pôn.
Khi phóng viên Infonet đặt câu hỏi có hay không việc các chiến sĩ Công an phường Văn Quán khống chế phóng viên Đạt đưa lên xe ô tô? Trả lời câu hỏi này Đại tá Tiến Dũng nói: “Các chiến sĩ Công an phường Văn Quán có đưa phóng viên Đạt lên xe ô tô, để mời về làm việc. Tuy nhiên, phóng viên Đạt không đồng ý, nên xảy ra giằng co, các chiến sĩ công an không khống chế”.
Vết thương trên cạnh mắt trái của phóng viên Đạt.
Phóng viên Infonet tiếp tục đặt câu hỏi: Trên mặt phóng viên Đạt có vết thương, trong khi ông khẳng định Công an phường Văn Quán không đánh, vậy những vết thương đó từ đâu mà có?
Vị trưởng Công an quận Hà Đông lý giải: “Có thể trong quá trình giằng co giữa phóng viên Đạt và các chiến sĩ công an phường dẫn đến thương tích. Nhưng cũng có thể vết thương đó bị từ trước”.
“Hai người ngồi trong xe ô tô mà phóng viên Đạt bước xuống cũng xác nhận là không thấy các chiến sĩ Công an phường Văn Quán đánh mà chỉ nghe phóng viên Đạt kêu bị đánh và dùng dùi cui điện gí vào đầu. Trong biên bản xác nhận vụ việc, hai người ngồi trong xe ô tô đi cùng phóng viên Đạt có xác nhận điều này”, vị Đại tá trưởng Công an quận Hà Đông khẳng định.
Khi phóng viên Infonet đề nghị được xem biên bản đó, đại tá Vương Tiến Dũng cho biết, các chiến sĩ cảnh sát điều tra công an quận đang giữ, nên chưa thể cung cấp.
Phóng viên Đạt đang kêu đau đầu.
Vị trưởng Công an quận Hà Đông cho biết thêm: “Hôm qua có trận đấu bóng đá giữa các phóng viên các báo ở chỗ Trung Văn, sau đó “các bố” ăn nhậu ở đường Lê Văn Lương, chỗ gần bệnh viện Y học cổ truyền Công an. Ăn nhậu say rồi, tầm khoảng hơn 21h có 3 vị, có liên quan đến báo Tuổi trẻ Thủ đô, đi về. Tổ công tác của công an phường Văn Quán đang xử lý một vụ đi xe ngông nghênh, không đội mũ bảo hiểm. Một ông giữ nguyên quần áo thể thao (dân cung cấp thế) cởi trần lấy máy ảnh chụp lia lịa. Anh em có ý kiến không được chụp. Giữa 2 bên giằng co nhau, không có đánh gì.
Sau đó, ông này (chỉ PV Đạt) về nhà thay quần áo, tắm rửa đến công an phường để trình báo “đánh tôi”, anh em đi làm chỉ có gậy gỗ thôi. Ngay ở đường 6, đông người như vậy, có hiện tượng đánh gì đâu…”.
Phóng viên Infonet cũng đã có trao đổi lại với Đại tá Vương Tiến Dũng rằng, phóng viên có thể tác nghiệp ở bất cứ đâu, kể cả khi mặc quần đùi. Ông Dũng cho rằng phải có thẻ, phóng viên này không xuất trình thẻ và giấy giới thiệu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, kể cả người dân ghi hình, chụp ảnh các lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường cũng không phải là hành vi trái pháp luật, không phải là hành vi bị cấm.