"Có ai chắc được rằng, khi gộp Tết Ta - Tết Tây, thì những mệt mỏi, rườm rà sẽ chấm dứt?"

D. Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:25 21/02/2016
Chia sẻ

"Chúng ta có chắc rằng, khi gộp Tết Ta - Tết Tây, những mệt mỏi đấy sẽ không còn tồn tại? Những bữa liên hoan triền miên cũng sẽ hết? Cuộc chạy đua vật chất, quà cáp sẽ không còn? Và sự lười biếng khi trở lại sau kỳ nghỉ chẳng tồn tại nữa? Tôi không nghĩ như vậy."

Khi tôi nhớ lại tuổi thơ để tìm một vài kỷ niệm đẹp về Tết, tôi sẽ không nhớ nhiều về những hình ảnh nói cười hạnh phúc giống quảng cáo trên TV. Có lẽ hình ảnh tôi nhớ nhất, sẽ là buổi chiều mùng 1, tôi cùng mấy đứa anh em họ đi khắp các khu phố cổ. Chỉ đi và nói chuyện, trong khi trời rất lạnh và phố phường rất vắng. 

Thỉnh thoảng, vài ba đứa trẻ từ một ngôi nhà nào đó ùa ra, tiếng pháo giấy nổ và những mảnh vụn lấp lánh nhiều màu bay từ từ trong không trung. Đến tận bây giờ, khi phóng xe máy trên những khu phố cổ vào ngày mùng 1, tôi vẫn thoáng như nhìn thấy mình và đám anh em họ ngày nhỏ, đang vừa đi vừa nói cười huyên thuyên khắp một con phố.

Có ai chắc được rằng, khi gộp Tết Ta - Tết Tây, thì những mệt mỏi, rườm rà sẽ chấm dứt? - Ảnh 1.

Tết ngày xưa...

Sẽ thật khó để đưa ra một định nghĩa về Tết với mỗi người. Nhưng tôi nghĩ, chắc chắn khi được hỏi, cảm xúc bạn thích nhất về ngày Tết, hay kỷ niệm đẹp nhất của bạn về Tết là gì, sẽ không phải là những câu chuyện về nhà cửa trang hoàng thật lộng lẫy, hay những bữa cỗ liên miên từ 30 cho đến tận mùng 5, mùng 6, rồi cả rằm, hay những bữa nhậu của bố, của bác. Tết với nhiều người, đơn giản chỉ là cảm giác thích thú khi nhìn hộp mứt Tết với mứt bí, mứt dừa, hay mùi nhang phảng phất vào chiều 30 Tết, thậm chí chỉ đơn giản là cảm giác sum vầy khi cả gia đình cùng ngồi xem Táo Quân.

Ý kiến cho rằng, chúng ta nên bỏ việc ăn Tết âm lịch và dồn vào kỳ nghỉ Tết dương, thật ra không phải là một quan điểm quá tệ. Mỗi người đều có những sự mệt mỏi rất riêng khi nghĩ đến Tết, với những lối mòn chung được áp lên. Cả gia đình quay quắt những ngày trước Tết với nỗi lo một khoản tiền lớn để đủ chi tiêu trong cả tháng sắp tới. Người phụ nữ mệt nhoài trong suốt cả kỳ nghỉ, với những núi bát đĩa phải rửa và những mâm cỗ cứ nối đuôi nhau từ nhà nội sang nhà ngoại. Ở một câu chuyện to hơn, doanh nghiệp ngao ngán vì cả tháng nghỉ Tết, năng suất lao động sẽ giảm mạnh. Vì rằng ở đây không chỉ là câu chuyện hết Tết rồi ta quay lại làm việc, mà còn là câu chuyện chuẩn bị trước Tết và cả nửa tháng sau Tết với dày đặc những tàn dư cỗ bàn, những hội hè, lễ lạt.

Tất cả những ức chế, những sự chạy đua về vật chất hay cả những mệt mỏi liên miên biến Tết không còn là một hình ảnh bình yên và dễ chịu trong mỗi chúng ta nữa, mà trở thành một gánh nặng lơ lửng với nhiều gia đình, thành ác mộng với các công ty. Nó lý giải cho việc tại sao, người ta dễ dàng ủng hộ và nhận ra những điểm cộng khi chúng ta bàn nhau việc bỏ nghỉ Tết âm. Tôi thấy mình đồng cảm khi nhớ đến sự ì ạch trong ngày đầu tiên quay lại công sở, sau 9 ngày nghỉ dài đằng đẵng. Và tôi cũng nhớ đến hình ảnh mẹ tôi khi tôi còn nhỏ, đang trăn trở trước tờ hoá đơn siêu thị chi chít chữ sau một buổi sắm Tết cũng đã cố dè xẻn nhiều nhất có thể.

Có ai chắc được rằng, khi gộp Tết Ta - Tết Tây, thì những mệt mỏi, rườm rà sẽ chấm dứt? - Ảnh 2.

Nhưng câu chuyện ở đây, nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy Tết không hoàn toàn là nguyên nhân dẫn đến những ức chế này. Chúng ta có chắc rằng, khi thay Tết ta bằng Tết tây, hay gộp 2 Tết làm 1, những mệt mỏi đấy sẽ không còn tồn tại? Những bữa liên hoan triền miên cũng sẽ hết? Cuộc chạy đua vật chất, quà cáp sẽ không còn? Và sự lười biếng khi trở lại sau kỳ nghỉ chẳng tồn tại nữa? Tôi không nghĩ như vậy.

Một gánh nặng vô hình luôn chờ đợi chúng ta trong mỗi dịp lễ lạt, và nó không tự dưng biến mất ngay cả khi ta tạm bỏ ngày lễ này để thay bằng ngày lễ khác. Có lẽ mọi thứ sẽ gọn gàng hơn, khi chúng ta không còn cái mốc 4 ngày Tết, rồi lễ hóa vàng, rồi ngày rằm nữa. Nhưng sẽ có đến hàng tỉ lý do khác để những cuộc chạy đua, những bữa cỗ bàn liên miên, những người đàn ông nhậu nhẹt say mèm vẫn tiếp tục tồn tại trong mỗi dịp nghỉ lễ dài.

Và đó không phải là vấn đề của Tết âm hay Tết dương, mà đó là vấn đề của mỗi người trong chúng ta. Nếu bản thân chúng ta thay đổi chính mình, bớt đi những sự sĩ diện, những phô trương vật chất không đáng có, bỏ đi cả những suy nghĩ ăn chơi dầm dề, thì cái Tết - dù là Tết âm hay dương - vẫn sẽ đơn giản là một dịp, để ta đón năm mới, hạnh phúc bên người thân với những khoảnh khắc rất đỗi giản dị mà đáng nhớ.

Có ai chắc được rằng, khi gộp Tết Ta - Tết Tây, thì những mệt mỏi, rườm rà sẽ chấm dứt? - Ảnh 3.

Ngay cả khi bạn sợ mất đi những xúc cảm thân quen của Tết, bạn vẫn có thể lạc quan mà nghĩ rằng, những truyền thống đó chắc chắn sẽ không bao giờ phai nhạt, mà chỉ đơn giản là nó diễn ra ở một mốc thời gian khác, không quá xa so với ngày Tết âm lịch. Truyền thống vẫn ở đó nếu bạn giữ gìn nó, chỉ là mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng và gọn gàng hơn thôi, có nên chăng?

Bởi suy cho cùng, như tôi đã viết ở trên, Tết trong mỗi người không hẳn là những ngày ồn ào, tiệc tùng miên man, mà là những khoảnh khắc rất nhỏ mỗi người cất giữ cho riêng mình. Thậm chí đôi khi, chỉ cần một cành đào hé nụ giữa con phố vắng mùa đông, Tết cũng đã ùa về trong lòng…

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày