Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 nhưng đến cuối năm 2013, đầu năm 2014, Ebola mới lây lan nhanh chóng và trở thành đại dịch cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân vô tội. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 12/2013 tới 31/7/2014, thế giới đã ghi nhận 1.201 trường hợp nhiễm virus Ebola tại 3 nước vùng Tây Phi gồm Guinea, Liberia và Sierra Leone, trong đó có 672 trường hợp tử vong.
Số người tử vong do nhiễm Ebola tăng theo cấp số nhân với 2.000 ca nhiễm, 1.000 ca tử vong vào ngày 14/8 và 4.542 ca nhiễm với hơn 2.105 ca tử vong vào ngày 5/9.
Theo số liệu mới nhất do Tổ chức Y tế thế giới công bố vào ngày 23/10, thế giới đã ghi nhận khoảng 10.000 trường hợp nhiễm Ebola, trong đó 4.877 trường hợp đã tử vong.
Người nhiễm Ebola bị bỏ mặc ngoài đường. Với tốc độ lây lan nhanh chóng cùng tỷ lệ tử vong cao, Ebola đẩy nhiều gia đình rơi vào tình cảnh ly tan; đẩy những đứa trẻ đáng thương vào tình cảnh mồ côi, không nơi nương tựa; thi thể người chết bị bỏ mặc, nằm la liệt khắp các tuyến phố; nhiều người đau xót, nước mắt tuôn trào khi phải nhìn thi thể người thân bị nhân viên y tế đưa đi xa...
Không ai dám tới gần để giúp đỡ cậu bé đáng thương này.
Không chỉ dừng lại ở các nước Tây Phi, Ebola hiện đã vượt ra khỏi khu vực Tây Phi và gây khiếp sợ cho người dân tại nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Đức, Tây Ban Nha. Đáng lo ngại khi Mỹ đã ghi nhận tới 4 trường hợp nhiễm Ebola, trong đó có nữ y tá gốc Việt Nina Phạm.
Vì bị nghi nhiễm Ebola nên cậu bé này bị lột trần, bỏ mặc giữa đường. Với tốc độ lây lan nhanh chóng và tỷ lệ tử vong luôn ở trên mức 50%, dịch bệnh Ebola được đánh giá là "ngoài tầm kiểm soát" và "nguy hiểm hơn căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS".
Liên Hợp Quốc cảnh báo, thế giới đang đối mặt với nguy cơ bị thất bại trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola, khi các nỗ lực quốc tế hiện không đáp ứng đủ công cuộc phòng chống đại dịch này.