Clip: Đi tìm sự thật về dây chuyền sản xuất "gạo nhựa" ở Hưng Yên

Hồng Minh, Theo Trí Thức Trẻ 11:58 09/10/2015

Trong thời gian qua, dư luận đang dấy lên nghi ngờ về thông tin gạo giả tại Việt Nam thông qua clip về một dây chuyền sản xuất "gạo nhựa" ở Hưng Yên. Tuy nhiên, qua tìm hiểu PV đã tìm thấy một sự thật bất ngờ.

Trong thời gian qua, dư luận đang dấy lên nghi ngờ về thông tin gạo giả tại Việt Nam. Không chỉ có vậy, trên mạng internet thậm chí còn lan truyền rất nhiều hình ảnh về một dây chuyền sản xuất gạo nhựa thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng.

Tuy nhiên những hình ảnh được đăng tải này liệu có đúng sự thật hay không, PV của Bản tin Tài chính Kinh doanh số phát sóng ngày 8/10 đã tìm hiểu tại một số cơ sở chế biến hạt nhựa ở thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên và tìm thấy một sự thật bất ngờ.

Clip: Xác minh thông tin về dây chuyền làm gạo giả tại thị trường Việt Nam. - (Nguồn: VTV)

Những hình ảnh là hệ thống dây chuyền máy móc được ghi lại tại một cơ sở sản xuất mà theo một chủ trang facebook đó là dây chuyền sản xuất "gạo nhựa". Dù chưa biết thực hư ra sao nhưng ngay lập tức những thông tin này đã dấy lên nỗi hoang mang, lo sợ cho người tiêu dùng về gạo nhựa.

Giống như nhiều người khác tin vào những thông tin chia sẻ trên trang facebook đó, chị Minh (Thái Bình) vẫn chưa hết lo sợ khi mua gạo. "Lúc đầu tôi cũng không tin là thật. Nhưng sau khi xem lại nhiều lần tôi nghĩ là thật", chị Minh chia sẻ.

3-5f303
Thông tin về dây chuyền sản xuất gạo giả được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. - (Ảnh cắt từ clip)

Thế nhưng khi tìm đến ngôi làng chuyên tái chế nhựa phế thải ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên thì sự thật mới phần nào được hé lộ. Là chủ cơ sở sản xuất hạt nhựa, cung cấp ra thị trường hàng nghìn kg hạt nhựa mỗi ngày, anh Phùng Văn Sơn kiên quyết khẳng định hình ảnh trong clip là dây chuyền tái chế nhựa phế thải bởi quy trình sản xuất trong clip tương tự dây chuyền sản xuất tại xưởng của mình. Thậm chí anh còn miêu tả lại chi tiết từng công đoạn trong quy trình sản xuất này.

4-5f303

5-5f303
Anh Sơn khẳng định hình ảnh trong clip là dây chuyền tái chế nhựa phế thải bởi quy trình sản xuất trong clip tương tự dây chuyền sản xuất tại xưởng của mình. - (Ảnh cắt từ clip)

"Về cơ bản tất cả quy trình này giống với quy trình sản xuất tại xưởng nhà tôi", anh Sơn khẳng định.

Đại diện UBND thị trấn Như Quỳnh, nơi có cả trăm dây chuyền tái chế hạt nhựa cũng khẳng định clip đăng tải trên internet có nội dung về dây chuyền sản xuất hạt nhựa là thiếu căn cứ và sai sự thật. 

Mặc dù thông tin không có căn cứ nhưng theo thống kê, trong suốt thời gian qua, nó đã gây “bão” trên mạng xã hội với hơn 6.000 lượt like và gần 30.000 lượt chia sẻ còn sự hoang mang trong dư luận không thể nào đong đếm được!