Chuyện tế nhị về người phụ nữ được nhà báo trả lại 175 triệu

Tấm Gương, Theo 15:22 03/07/2014
Chia sẻ

Chủ nhân của <a href="http://kenh14.vn/xa-hoi/cu-dan-mang-ne-phuc-long-tot-cua-chang-trai-muon-tra-lai-hon-170-trieu-dong-nhat-duoc-20140623075329268.chn" target="_blank">số tiền được Bình trả lại</a>, chị Trần Thị Hoài Thu đang trong hoàn cảnh tế nhị nên chủ động đề nghị Bình không cung cấp thêm bất cứ thông tin, hình ảnh nào về chị.

Từ câu chuyện nhặt được 175 triệu đồng và tìm mọi cách trả lại tiền cho người mất, nhà báo trẻ Nguyễn Đào Bình đã tạo nên niềm tin về những điều tốt đẹp, giản dị trong cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, việc tốt thực hiện một cách lặng lẽ của anh đã khiến không ít "anh hùng bàn phím" nghi ngờ, nhục mạ, bôi xấu…

Hình ảnh những món đồ vật trong chiếc túi đánh rơi được anh Đào Bình Nguyễn chia sẻ.

Ngay sau khi mất túi tiền, chị Thu quay lại quãng đường chị vừa đi qua và có được số điện thoại của Bình để lại tại nơi chị đánh rơi.

Chủ nhân của số tiền được Bình trả lại, chị Trần Thị Hoài Thu đang trong hoàn cảnh tế nhị nên chủ động đề nghị Bình không cung cấp thêm bất cứ thông tin, hình ảnh nào về chị. Vì gia đình nhà chồng và chồng không ủng hộ chị giúp đỡ bên nhà ngoại đang khó khăn, nên chị Thu phải bí mật tiết kiệm một số khoản thu nhập cá nhân, thậm chí vay thêm đồng nghiệp, bạn bè để có được 175 triệu đồng gửi về quê giúp bố mẹ xây nhà.

Chị Thu chỉ muốn gửi tới Bình 2 lời cám ơn. Lời thứ nhất là đã nhặt được và trả lại số tiền lớn cho chị; Lời cám ơn thứ 2 còn quan trọng hơn, đó là việc giữ kín thông tin giúp chị giữ được hoà khí trong gia đình và vẫn làm tròn bổn phận, chữ hiếu với bậc sinh thành ra chị.

Hai lời cám ơn lặng lẽ

Lúc 18h ngày 23/6, Nguyễn Đào Bình đăng trên Facebook nội dung: "Chiều nay, vào khoảng 5h, mình có ghé qua nhà mới, mặt đường Lê Đức Thọ kéo dài. Khi chuẩn bị vào cổng thì phía trước nhà có một bọc nilon màu đen của ai đó vứt trước cổng Khu tập thể 53. Mình nhặt lên định mang lại sọt rác gần đó để vứt. Tuy nhiên, có gì đó nằng nặng bên trong nên mình mở ra xem và rất ngỡ ngàng vì đó là cả bọc tiền. Đường thì vẫn đông đúc người đi, mình vẫn đứng đấy một hồi nhưng không thấy ai quay lại nên mình cắt một mẩu giấy dán lên thân cây ghi rõ: "Tôi có nhặt được bọc nilon đen, ai có nhu cầu liên lạc số điện thoại…" rồi vì bận việc nên mình phải về.

Nhà báo Nguyễn Đào Bình.

Về đến nhà mở ra thì có 3 cọc tiền 500 ngàn, một cọc 200 ngàn và 1 cọc 50 ngàn, mình không đếm nhưng tầm khoảng 175 triệu. Bên cạnh đó còn có 1 cuốn sổ chi tiêu mang tên: Trần Thị Hoài Thu - thôn Phú Diễn cùng một cây bút bi màu đen... Với những dữ liệu hiện có thì rất có thể bạn gái này ra ngân hàng rút tiền và trên đường đi bị rơi. Thú thật là lúc này mình đang rất cần tiền và đây là một số tiền lớn. Tuy nhiên, mình không hề muốn lấy số tiền này để giải quyết một số việc gấp gáp, mình muốn gửi lại người bị mất, bởi vì bản thân mình cũng từng đãng trí bị mất 100 triệu đồng trên taxi khi ra ngân hàng rút tiền nên mình hiểu cảm giác này. Giờ đây chắc bạn gái kia đang rất hoảng loạn.

Hy vọng bạn ấy quay lại chỗ cũ và nhìn thấy mẩu giấy mình dán trên cây (hoặc hỏi các bà bán nước, vì mình đã dặn họ) hoặc anh chị em nào có thông tin về bạn này thì thông báo giúp mình. À, trong túi còn 2 vật nữa nhưng để tránh trả nhầm người, mình giữ lại, không đưa ra đây. Mong cho bạn ấy sớm liên lạc lại với mình".

Thông tin trên nhanh chóng lan toả cộng đồng mạng, nhận được 18.000 lượt chia sẻ, hàng chục nghìn lượt bình luận, cổ vũ, tỏ lòng khâm phục chủ nhân. Chỉ sau 3 giờ đồng hồ đăng tải trên facebook, Bình đã tìm được chủ nhân và trả lại số tiền cùng giấy tờ cho họ ngay trong đêm 23/6.

"Ôi chàng nhà báo mê cầu lông của tôi, chàng là một trong những người mà tôi yêu nhất quả đất này! Cầu mong nhiều người trong chúng ta có tấm lòng trên cả tuyệt vời như thế", Facebooker Hoa Thom Csrc viết.

Trước những lời ca ngợi, khâm phục của bạn bè trên Facebook, Bình chia sẻ mộc mạc: "Thật sự ngại quá, mọi người đừng khen mình, thật ra ai cũng hành xử vậy thôi, đồng tiền không phải do mồ hôi công sức mình làm ra thì sao có thể chiếm được! Hơn nữa, người ta mất của cũng đau khổ. Mình hưởng thụ trên nỗi đau người khác thì nhẫn tâm quá! Mình không làm được, chỉ đơn giản vậy thôi! Thế nên, việc đầu tiên và duy nhất mà mình cố gắng làm là nhanh chóng trả lại cho chủ nhân bị đánh rơi. Hẳn trong quãng thời gian mất của, chị ấy đau lòng lắm".

Khi lòng tốt bị các "anh hùng bàn phím" ném đá

Nhưng mọi rắc rối khiến Bình trở thành nạn nhân của thế giới mạng bắt đầu ngay sau ngày nghĩa cử cao đẹp của nhà báo được thực hiện. Số lượng người kết bạn, gửi tin nhắn đến Facebook của Bình tăng chóng mặt, con số hàng nghìn lượt mỗi ngày ngay sau thông tin tìm người trả lại tiền rơi.

Đúng thời điểm này, cơ quan Bình chuyển trụ sở mới, việc kinh doanh của gia đình có nhiều biến động phải giải quyết nên Bình không truy cập thông tin Facebook nói riêng và những bài viết lan trên các trang thông tin, diễn đàn mạng. Với khoảng 300-400 tin nhắn trên không được trả lời, hàng nghìn lời kết bạn chưa được chấp nhận đã thổi bùng lên cuộc "ném đá" của không ít "anh hùng bàn phím".

"Đức tính của em thật thà, trong sáng và cao cả. Anh mà là thủ trưởng của em anh sẽ tuyên dương em để tất cả mọi người học tập", Facebooker Thi Ngo nhận xét.

Cứ ngỡ trả lại tiền cho người đánh rơi là kết thúc có hậu, nhưng ngay sau đó, Bình nhận được cơn mưa lời buộc tội, xúc phạm không chỉ trên diễn đàn mạng mà trực tiếp tới số điện thoại cá nhân. Tôi gặp Bình đúng ngày anh chịu áp lực cao nhất, căng thẳng tới mức phải tắt điện thoại vì những lời thoá mạ khiến anh bị tổn thương. Bình từ chối gặp và trả lời báo chí nhưng sau những lời tâm sự, chia sẻ, Bình cho tôi đọc một số tin nhắn trong điện thoại và quả thực chúng khiến tôi sửng sốt. Hàng trăm người lên án, chửi mắng Bình được chia theo 2 dạng: Một cho rằng Bình trả lại tiền là ngu ngốc; dạng thứ 2 là công kích Bình vì muốn nổi danh hoặc là kẻ lừa đảo, tự dựng chuyện để "đánh bóng tên tuổi".

"Làm báo cả chục năm với bản lĩnh được rèn luyện cũng không cho mình sự bình tâm như thể không có chuyện gì được. Nhưng mình thà im lặng chịu uất ức, mong cho mọi việc qua mau còn hơn là làm ảnh hưởng tới chị Thu, người phụ nữ đã vất vả để sống trọn nghĩa, vẹn tình", Bình tâm sự.

Bình đã lựa chọn đúng. Những ai từng biết Bình đều tin và ủng hộ anh bởi không phải vô tình mà Bình hành động như vậy. Cuộc đời Bình ngay từ nhỏ đã đầy đau khổ, sóng gió và để miêu tả phẩm chất của nhà báo này sẽ là cụm từ "nghị lực phi thường". Năm Bình 4 tuổi, bố mẹ đột ngột qua đời, Bình sống với chị gái khi đó đang là sinh viên ở Khánh Hòa. Ngày đó, 2 chị em Bình được nhà nước nuôi theo chế độ bao cấp. Chị gái Bình đi học và ở luôn tại ký túc xá, hằng ngày có cấp dưỡng, nhận cơm cho 2 chị em cho đến lúc chị Bình tốt nghiệp, đi dạy học vẫn có chế độ này.

Sau đó, chị gái Bình lấy chồng ở Huế. Về Huế làm dâu nên chị dẫn theo Bình ra cùng. Trong thời gian học cấp 2, với kết quả học xuất sắc, Bình được tuyển thẳng vào Quốc học Huế. Bình sống tự lập từ đó. Bình chọn thi và học tại Học viện Báo chí tuyên truyền (Hà Nội). "Những tháng ngày đi học mình tự lập bằng cách đi dạy và viết bài! Trời thương nên mọi khó khăn cũng qua nhanh. Cuộc đời mình cũng nhiều nỗi đau bạn à. Vì vậy mình hiểu và biết cảm nhận về những người kém may mắn! Nếu ai đã hiểu mình thì chẳng có gì lạ hay thắc mắc về việc vừa rồi, việc mình làm người ngoài không hiểu cũng là điều bình thường", Bình nói.

Ông Nguyễn Ngọc Niên, Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận cho biết, tốt nghiệp đại học, Bình là một trong 2 phóng viên được tuyển vào báo Nhà báo và Công luận. Sau chục năm phấn đấu, rèn luyện, hiện Bình giữ chức trưởng phòng phóng viên của báo này.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày