Chuyên gia tâm lý học tội phạm nói gì về vụ thảm sát tại Bình Phước?

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:29 09/07/2015

Trước thông tin về vụ thảm sát 6 mạng người ở Bình Phước, nhiều người dân vô cùng hoang mang và đặt câu hỏi, nếu gia đình mình cũng bị trộm ghé thăm thì họ phải làm gì? Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý học, TS. Chu Văn Đức để tìm hiểu một số biện pháp đối phó.

Mới đây, nhiều người không khỏi bàng hoàng trước thông tin về vụ việc một gia đình giàu có nổi tiếng ở huyện Chơn Thành, Bình Phước bị sát hại dã man. Những tình tiết trong vụ thảm sát khiến nhiều người cảm thấy "lạnh sống lưng" vì độ tàn ác của kẻ sát nhân. Toàn bộ 6 người trong gia đình gồm: Ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi, chủ nhà), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (45 tuổi, vợ ông Mỹ) cùng hai con của họ là Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi) và Lê Quốc Anh (15 tuổi), hai cháu ông Mỹ là Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi) và Dư Minh Vỹ (14 tuổi) đều chết trong tư thế bị trói chặt chân tay, miệng bịt khăn và cổ bị cắt.

Kẻ sát nhân nhẫn tâm đến nỗi, bé Dư Minh Vỹ (14 tuổi) dù đã cố gắng chạy đến rào sắt cũng bị sát hại, không buông tha. Gia đình hiện chỉ còn bé Na (khoảng 18 tháng tuổi) may mắn thoát nạn.

Theo kết luận điều tra ban đầu, vụ trọng án có dấu hiệu của một vụ giết người, cướp của. Đặc biệt, tại hiện trường, cơ quan công an phát hiện nạn nhân có dấu hiệu phản kháng từ trong nhà ra đến ngoài sân. 

Trước những thông tin đó, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu có nên phản kháng hay không khi có kẻ đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản? Phải làm sao để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và người thân trong gia đình khi rơi vào hoàn cảnh đó? Nên im lặng, tuân theo mệnh lệnh của kẻ trộm hay tìm cách chống trả đến cùng?

Trao đổi về vấn đề này,  TS. Chu Văn Đức - chuyên gia tâm lý học tội phạm, công tác tại Đại học Luật Hà Nội khẳng định, thông thường, mọi người ít khi được giáo dục, rèn luyện cách xử lý tình huống khi bất ngờ phát hiện có trộm đột nhập trong nhà, từ đó dẫn đến những phản ứng không đúng, tự đẩy mình vào thế bất lợi, có thể dẫn đến việc bị thương tích hoặc vong mạng.

Nắm bắt tâm lý tội phạm

"Tội phạm trộm cắp ngày càng liều lĩnh và nguy hiểm. Vì thế, cách đối phó với chúng cũng ngày càng khó khăn, phức tạp hơn" - TS. Đức nói. Theo ông Đức, để đảm bảo an toàn, trước hết, mọi người cần nắm rõ tâm lý tội phạm trộm cắp để biết cách xử lý cho đúng và hiệu quả.

Ông Đức phân tích, thông thường, trộm cướp tài sản thường không có chủ đích sẽ gây ra án mạng nhưng chúng luôn mang sẵn theo hung khí để phòng thân. Trong trường hợp bị phát giác, để đảm bảo an toàn, từ mục đích ban đầu chỉ là cướp của, các tay trộm thường thực hiện luôn mục đích phát sinh là giết người. 

"Các gia đình bị trộm "viếng" thăm bất ngờ thường rơi vào tình thế bị động, không có sẵn vũ khí để tự vệ. Vì thế, họ thường gặp bất lợi khi ứng phó với kẻ trộm. Bên cạnh đó, tội phạm trộm cắp thường rất tàn độc, sẵn sàng vì tiền và sự an toàn của bản thân mà ra tay thảm sát tất cả những người có mặt trong nhà" - ông Đức nói.


Kẻ trộm nếu chỉ xuất phát vì động cơ cướp của sẽ không có sẵn chủ đích giết người. Tuy nhiên, chúng vẫn thường mang theo hung khí phòng thân, sẵn sàng gây án mạng khi nhận thấy mình đang gặp nguy hiểm - (Ảnh: Internet).

Điều đáng sợ là tâm lý tội phạm trộm cắp thường vượt quá khả năng kiểm soát của bản thân. Nhiều trường hợp các tay trộm thường sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá. Khi đó, mọi hành động của chúng đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ý thức con người. Vì những cơn thèm thuốc hay do ảo giác kích thích, chúng sẵn sàng giết người không ghê tay.

Ngoài ra, khi tội phạm trộm cắp tổ chức thành băng đảng, chúng thường manh động và tàn ác hơn. "Khi đi theo nhóm, tâm lý tội phạm trộm cắp phụ thuộc vào kẻ cầm đầu. Tuy nhiên, do hiệu ứng đám đông nên chúng thường cảm thấy mình an toàn và chiếm nhiều ưu thế hơn. Từ đó, nhóm tội phạm sẵn sàng làm những chuyện vô cùng nhẫn tâm. Chúng trở nên manh động và man rợ  hơn bất cứ khi nào" - TS. Đức khẳng định.

Trong nhiều trường hợp, các tội phạm trộm cắp đã sắp đặt sẵn kế hoạch giết người, cướp của. "Ví dụ như khi cướp tài sản trong một gia đình mà kẻ trộm từng có mối quen biết, chúng sẵn sàng lập kế hoạch giết người để đảm bảo an toàn cho bản thân. Cũng có nhiều vụ án, kẻ sát nhân đã khai nhận rằng chỉ vì từng bị sơ xuất trong quá khứ nên những vụ án sau đó, đi cùng với mục tiêu giành lấy của cải, chúng luôn chuẩn bị sẵn một kế hoạch thảm sát ngày càng hoàn hảo hơn".


Băng cướp chặt tay cướp SH do Hồ Duy Hải cầm đầu từng gây chấn động dư luận hồi năm 2014. Đây là một ví dụ cho thấy, khi tội phạm câu kết với nhau thành một nhóm có tổ chức, chúng thường rất manh động, liều lĩnh và tàn nhẫn.

Áp dụng những lý thuyết đó vào vụ thảm sát chấn động tỉnh Bình Phước, ông Đức cho rằng, vụ án này có nhiều dấu hiệu là tội phạm đã có sẵn chủ đích giết người. "Qua đọc báo, tôi nhận thấy vụ án này có thể do một băng đảng gồm nhiều người thực hiện. Trong khi đó, nạn nhân hoàn toàn rơi vào thế bị động, có khi trộm ở trong nhà rồi mới biết. Các tình tiết của vụ án cho thấy, chắc chắn trước khi đột nhập vào nhà ông Mỹ, các tay trộm đã sắp đặt sẵn một kế hoạch sát hại mạng người bài bản" - ông Đức nói thêm.

Ông Đức cũng đưa ra nghi vấn vụ án này không đơn thuần chỉ là vụ việc giết người cướp của . "Xét theo mức độ nghiêm trọng của vụ án, tôi cho rằng nếu có thực sự xuất hiện mục tiêu trộm tài sản thì có lẽ đó cũng là mục tiêu phụ bên cạnh chủ đích trả thù cá nhân". 

Theo ông Đức, điều này cũng thường xảy ra trong các vụ trọng án khác khi các tay trộm vừa có động cơ giết người, vừa có động cơ cướp đoạt tài sản. "Thông thường, nếu xuất hiện thêm cả mục tiêu trả thù, kẻ trộm thường rất tàn nhẫn, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để gây ra những án mạng thảm thương nhất" - ông Đức chia sẻ.


Theo ông Đức, vụ thảm sát xảy ra ở Bình Phước vừa qua, ngoài mục đích cướp của, kẻ sát nhân chắc chắn đã có sẵn chủ đích giết người. 

Bí kíp sống sót khi bất ngờ gặp trộm

Ông Đức phân tích: "Trong trường hợp thảm sát xảy ở Bình Phước, tôi không rõ mức độ kháng cự của các nạn nhân mạnh mẽ đến đâu vì vẫn chưa có kết luận cuối cùng, nhưng có lẽ là họ cũng không có nhiều cơ hội làm việc này".

TS. Đức lý giải, các dấu vết ban đầu cho thấy kẻ giết người đã chuẩn bị rất kỹ kế hoạch gây án ở nhà ông Mỹ, ví dụ như chọn đúng thời điểm camera không thể ghi hình, chọn đúng hướng tấn công vào đúng thời gian tảng sáng ít người chú ý để gây án.... "Nếu chỉ là giết người, cướp của thì vụ án sẽ không nghiêm trọng như vậy. Các chi tiết như giết hại cả trẻ em, không buông tha bất cứ ai ngoại trừ em bé 18 tháng tuổi hoặc giết người theo cách cắt cổ, trói tay giống binh lính IS đã khẳng định vụ việc này có dấu hiệu là trả thù cá nhân".

Trong trường hợp này, gia đình ông Mỹ có rất ít cơ hội thoát thân. "Trước hết là họ hoàn toàn bị động, sau nữa là kẻ thù có thể đông người, có tổ chức, có kế hoạch và mục tiêu chính của chúng là sát hại mạng người. Vì thế, tôi e là họ đã có rất ít cơ hội sống sót và cho dù ông Mỹ và người nhà có quỳ gối cầu xin, chúng cũng không dễ gì buông tha".

Từ vụ trọng án này, TS. Chu Văn Đức tiếp tục phân tích: "Trong những tình huống gấp gáp, chúng ta thường hành động theo kinh nghiệm và bản năng. Hành động ấy phụ thuộc vào sức khỏe, nhân phẩm, sự đánh giá tình thế, kinh nghiệm tích lũy trong các vụ va vấp tương tự. Điều này giải thích tại sao những người có nhiều kinh nghiệm sống hơn thường phản ứng một cách đúng đắn hơn".

Khi xác định mình đang gặp nguy hiểm, mọi người cần hết sức bình tĩnh, vận dụng mọi khả năng, kinh nghiệm mình có được để tìm ra cách xử lý hiệu quả nhất. "Bản năng sinh tồn của con người rất lớn, lớn nhất so với các loài động vật khác. Vì thế nếu xác định mình bị nguy ngập, chỉ cần bình tĩnh, chúng ta sẽ nghĩ ra được rất nhiều cách ứng phó".

Gặp nguy hiểm, bản năng của con người là tìm mọi cách ứng phó, chống trả. Tuy nhiên, sự chống trả khi gặp kẻ trộm cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Nếu trộm chỉ có mục đích cướp của thì hắn sẽ không chủ ý giết người. Vì vậy, trong nhiều trường hợp bất ngờ nhận thấy kẻ trộm đột nhập vào nhà cướp tài sản nhưng lại nhận ra mình không có đủ khả năng chống trả, chúng ta có thể phải giữ im lặng và tuân theo mệnh lệnh của kẻ trộm.

"Lưu ý là kẻ trộm rất nguy hiểm, cùng một lúc, chúng sẵn sàng ra tay giết nhiều mạng người. Vì thế, khi biết mình ở thế yếu, nạn nhân cần ghi nhớ rằng, tính mạng mới là thứ quan trọng, không nên tiếc của mà mang họa sát nhân. Thậm chí, cho dù phải quỳ lạy để van xin chúng, nạn nhân cũng hãy cố gắng nhẫn nhục" - ông Đức nói thêm.

Chuyên gia tâm lý học tội phạm Chu văn Đức cho rằng, khi gặp trộm, điều đầu tiên quyết định đến vận mệnh của bản thân chính là sự bình tĩnh, tự chủ.

Theo TS Đức, chúng ta chỉ nên kháng cự trộm khi rơi vào các tình huống sau:

- Thứ nhất là chỉ nên kháng cự lại kẻ trộm khi đã nắm rõ tình hình và nhận thấy khả năng chiến thắng nhiều hơn. Ví dụ như khi nhận thấy kẻ trộm chỉ đi một mình hoặc hai người nhưng mang theo ít hung khí, trong khi ở nhà đã có sẵn bình xịt hơi cay, gậy gộc và gia đình lại có nam giới sức khỏe tốt, chúng ta hoàn toàn có thể tính toán để chống lại, thậm chí có thể "bắt sống".

- Thứ hai là khi bị dồn vào đường cùng, không còn cách tẩu thoát. Trong trường hợp bất ngờ phát hiện trộm, nhận thấy mình bị rơi vào thế bị động nhưng kẻ trộm lại đi theo băng đảng hoặc có sẵn động cơ giết người, khi đó, không còn cách nào khác, nạn nhân phải tìm đủ cách tẩu thoát hoặc chống trả. Trong trường hợp này, dù có cầu xin chúng tha mạng cũng vô ích vì động cơ giết người đã được kẻ sát nhân lập kế hoạch bài bản và chúng sẽ không dễ gì buông tha nạn nhân.

"Giống như trường hợp ở Bình Phước, tôi cho là nếu có xảy ra kháng cự thì đó cũng là điều hết sức bình thường vì có thể họ đã không còn sự lựa chọn nào khác" - ông Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng đưa ra lời khuyên, khi đã bị tấn công, hãy kêu to lên để người trong nhà gọi công an hoặc trợ giúp của hàng xóm và tìm lối gần nhất và thoát ra. Tuy nhiên, việc hô hoán với hàng xóm không được khuyến khích bởi việc này chỉ làm chúng manh động thêm. 

Để phòng chống trộm, tốt nhất các gia đình nên xây dựng hệ thống an ninh vững chắc như nhà có tường bao, chốt cài cẩn thận, có hệ thống camera bí mật giám sát, có vũ khí phòng thân... Để đề phòng tình huống nguy ngập, khi xây nhà nên thiết kế nhiều lối ra vào tiện lợi, các cánh cửa có đánh mã số, dễ dàng mở khi bị bấn loạn. Luôn lưu số công an địa phương để ứng cứu khi cần... "Đây là những bí kíp mà nhiều trang mạng đã chia sẻ, tôi cho rằng mọi người nên đọc để tự biết cách trang bị cho bản thân" - ông Đức nói thêm.

Ông Đức cũng khuyến cáo: "Các giải pháp, kinh nghiệm chia sẻ chỉ mang tính chất tham khảo, nó có thể đúng với trường hợp này nhưng không đúng với các trường hợp còn lại. Vì thế, khi bất ngờ gặp trộm, mọi người cần hết sức bình tĩnh, phân tích tình huống một cách nhanh nhất và đưa ra cách xử lý đúng đắn, hiệu quả nhất có thể".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày