5h chiều nắng nhạt ngả về phía Tây. Cô gái lặng lẽ bước vào nghĩa trang Đồi Cốc (Thanh Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội) trùm bằng chiếc khăn trắng trùm kín mặt. Chưa kịp đặt bó hoa trắng trên nấm mộ nhỏ xíu cô gái đã run lên đổ gục trong tiếng khóc nức nở: “Tha lỗi cho mẹ con ơi!”. Nén hương chưa kịp tàn, cô gái bước vội đi, thân hình liêu xiêu như một cái bóng.
“Ở Đồi Cốc này, hơn 50.000 sinh linh chưa kịp khóc cười đã lìa bỏ cuộc sống thì ngày nào chả có người đến rồi đi như cô gái kia”, ông trưởng xóm Đồi Cốc cũng là quản trang, Nguyễn Văn Thạo cười như mếu phân trần.
Cô gái đi được chưa lâu, một cặp nam nữ lại tiến vào nghĩa trang Đồi Cốc xin phép thắp hương. Nấm mộ nhỏ xíu nghi ngút khói nhang với một giỏ đồ chơi búp bê, gấu bông. Cô gái run run quỳ xuống lầm rầm với đứa con dưới mộ: “Con ơi, nếu còn sống giờ con đã lên 4 rồi. Đồ chơi cha mẹ mua cho con đấy, con thích không?”. Chỉ nói được có thế, cô gái đổ gục xuống. Người chồng bên cạnh khẽ nâng vợ dậy an ủi mà nước cũng nhòe hai mắt. Lần này, hai vợ chồng nọ đợi hết hẳn hương rồi đem giỏ đồ chơi đi đốt. “Chắc con cũng nhận được anh nhỉ?”, cô gái hỏi chồng rồi nhận được cái gật đầu đồng ý.
Ông Nguyễn Văn Thạo nhận những sinh linh bị bỏ rơi chuẩn bị đem chôn cất.
“Khi đứa bé được mang đến đây đã đủ hình hài da trắng, môi hồng xinh như một thiên thần. Đã tám tháng rồi còn gì. Người vợ đi làm về muộn bị tai nạn khiến thai ra sớm đành phải bỏ khi sắp đến ngày sinh. Đưa đứa con đến đây mà người mẹ ngất lên ngất xuống đến mấy bận. Ai trông thấy chẳng thương tâm”, ông quản trang kể lại.
Ông Thạo bảo hơn 50.000 sinh linh xấu số này hầu hết là những hình hài bị bỏ rơi nhưng cũng có một số ít là vì nhiều lý do phải bỏ giữa chừng. “Có cháu đã được 7 tháng, 8 tháng thậm chí sinh đủ ngày đủ tháng nhưng không sống được cũng đem đến đây. Những cháu này thường xuyên được cha mẹ đến thăm viếng, thắp hương. Linh hồn các bé cũng được an ủi phần nào. Nếu có biết thì các bé vẫn nở nụ cười vì bố mẹ các bé đã rất thương tâm và đau xót khi mất con.
Đau đớn là số còn lại kia. “Cũng là khóc con nhưng hai khóc khác nhau hoàn toàn. Một bà mẹ khóc vì không được “đẻ đau” đứa con mình “mang nặng” còn bà mẹ kia đến khóc hối lỗi vì mình cố tình không cho máu mủ của mình được sinh ra”, ông Thạo nói. Theo lời ông, “số còn lại” toàn là những thai nhi bị bố mẹ “cố tình bỏ” khi mang thai. Những thai nhi ở đây được một số người từ tâm đem từ khắp cả nước về chôn cất.
Cô Nguyễn Thị Lập, một trong những người từ tâm ấy nói các hình hài ấy hầu hết là kết quả của các cuộc tình vụng trộm, vụng dại đến tàn nhẫn. “Các em 4-5 tháng là thành hình, có tay, có chân đầy đủ, thậm chí phân biệt được trai hay gái rồi. Có em bị tiêm thuốc, người tím đen lại. Có em khi ra phải làm thủ thuật, không còn lành lặn nữa. Thậm chí có trường hợp em lớn, hôm trước mang về một nửa, hôm sau nửa kia mới được mang nốt về, chúng tôi lại phải ngồi ghép lại đầy đủ rồi mới đem khâm liệm, chôn cất”, cô Lập nói.
Cô Lập vẫn nhớ như in một trường hợp khiến những người như cô cảm thấy như dao đâm vào tim: “Có lần người ta bế đến đây một hình hài đã tám tháng, khi về đây vẫn còn nóng hổi, bế trên tay vẫn còn thoi thóp thở, vẫn còn nấc nấc. Nhưng bệnh viện họ đã tiêm thuốc rồi, không cứu được nữa. Hỏi ra mới biết người mẹ nọ nói chỉ còn cách phải phá thai mặc dù bác sĩ đã hết lời can ngăn”.
Theo lời ông Thạo và cô Lập nghĩa trang hài nhi này được người dân Đổi Cộc lập ra bắt đầu từ năm 2000 đến nay đã có hơn 50.000 sinh linh được chôn cất . Mỗi ngày số lượng hài nhi được người ta đem về chôn tại nghĩa địa này lên tới 20 đến 30 hài nhi. “Có ngày lên tới gần 50 hài nhi được đem đến. Có hài nhi được bọc cẩn thận trong vải trắng cũng có hai nhi bị người đem đến bỏ không trong một bịch nilon màu đen để người ta đỡ nhận ra. Nhìn thấy cảnh ấy mà đau dứt ruột”, ông Thạo chua xót.
Nói chưa dứt lời thì ông Thạo và cô Lập được một người lớn tuổi, bà Nguyễn Thị Nhiệm cùng trong ban quản lý nghĩa trang đem đến 3 bọc vải nhỏ. Bà Nhiệm nói của người ta đem đến bỏ ở cổng nghĩa trang mà không dám vào.
Nghĩa trang hài nhi này được người dân Đổi Cộc lập ra bắt đầu từ năm 2000, đến nay đã có hơn 50.000 sinh linh được chôn cất.
Trên một bọc để trong một chiếc túi nilon của một nhãn hiệu nổi tiếng, bà Nhiệm còn tìm thấy một mảnh giấy nhỏ với những nét run run: “Mong các bác chôn cất cho đứa con tội nghiệp của cháu. Cháu xin tạ ơn!”. Trên mảnh giấy còn vẽ một cái Icon (hình) mặt khóc có vẻ thương tâm. Đối với những người như ông Thạo, cô Lập và bà Nhiệm thì kiểu như thế này đã thành quen. “Mẹ của mấy sinh linh này chắc chắn là người dại dột. Dại dột đến đủ đường”, bà Nhiệm nói.
Ba hài nhi xấu số được bà Nhiệm đem vào khuôn viên nghĩa trang để chuẩn bị chôn cất. Khuôn viên nghĩa trang chỉ rộng chừng 300 m vuông, được chia làm hai khu: một bên là những nấm mộ vô danh, mới được xây cất lại khang trang, một bên là những nấm mộ có ghi tên tuổi cụ thể và dãy “huyệt chờ”, những ngôi mộ tập thể đợi mai táng các hài nhi mới.
“Phải cố lắm người làng Đồi Cố mới góp đủ tiền để có 24 ngôi mộ đã được xây cất hoàn chỉnh. Nhưng mỗi ngôi mộ đều phải xếp đến hàng trăm hài nhi. Nếu hài nhi lớn sẽ khâm liệm mỗi hài nhi một tiểu, với những hài nhi nhỏ (từ 2-3 tháng) thì sẽ khâm liệm nhiều hài nhi trong một tiểu”, cô Lập nói. Cô cũng cho hay, lúc nào ở đây cũng phải sẵn các huyệt chờ như vậy. Khi nào huyệt đầy các tiểu để hài nhi thì dân làng mới lấp đất, xây cất một thể. Lướt qua những ngôi mộ thì thấy tất cả đều vô danh.
Ông Thạo bảo: “Có tên làm sao được khi các bé chưa chào đời, mà ai dám đặt tên không phải cha mẹ của các bé. Có khi ngay cả người cha, người mẹ của những hài nhi này cũng không biết con họ được an nghỉ ở đây. Chỉ có một vài trường hợp các em sinh non, hoặc trẻ chết lưu được chính bố mẹ đưa về đây chôn cất là có tên, có bia mộ riêng mà thôi”. Chỉ nói thế rồi ông Lập lặng lẽ tìm đồ để chôn cất và đào tiếp những ngôi mộ chờ. Ông Thạo nói những ngôi mộ chờ chắc chắn cứ tiếp tục dài ra.