Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 07/12/2014
Chia sẻ

Lên Sài Gòn bán vé số từ những năm 90, ông Vĩnh An cùng vợ nhận thấy đây là nghề có thể giúp những người Phú Yên thoát khổ. Nghĩ vậy, ông thuê một phòng trọ và đón bà con đồng hương lên phố, lo cho họ từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy họ cách bán từng tờ vé số giữa chốn phồn hoa Sài thành...

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 1
Ở ngay Trung tâm thành phố ồn ào náo nhiệt, con hẻm sâu hun hút nằm ở số 214 Nguyễn Trãi (Quận 1, TP. HCM) là nơi hội tụ hàng trăm mảnh đời nghèo khổ từ vùng quê Phú Yên dạt vào. Trong con hẻm này, có khoảng 5-6 ngôi nhà trọ mà những người Phú Yên cùng thuê ở chung với nhau, họ sống nương tựa vào nhau từ ngày này qua ngày khác với một nghề duy nhất: bán vé số dạo.

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 2
Cũng vì người Phú Yên đổ về sống trong con hẻm này ngày một nhiều mà người Sài Gòn gọi đây là hẻm vé số Phú Yên. Sâu bên trong con hẻm, ngôi nhà của ông Lương Vĩnh An (SN 1948) được mệnh danh là "đại lý vé số lâu năm nhất" so với những nhà đại lý khác. Ông An cũng là một trong những người bán vé số lâu năm nhất trên đất Sài Gòn. Hiện nay,  do tuổi cao sức yếu, ông không đi bán nữa mà chịu trách nhiệm lấy vé số về phân phát cho các đồng hương trong nhà đi bán, chính vì thế mà người ta gọi ông là "ông đại lý".

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 3
Ông An đã cùng vợ là bà Đinh Thị Sương vào Sài Gòn mưu sinh từ những năm đầu thập niên 1990. Ngoài việc làm "đại lý" cho bà con đồng hương lấy vé đi bán, ông cũng là người đứng ra thuê trọ, lo từng miếng ăn, chỗ ngủ, hướng dẫn những người mới cách chào mời bán vé số...


Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 4
Mỗi buổi sáng, bà Sương sẽ đi chợ, nấu cơm cho mọi người đi bán về ăn. "Vì mọi người đi bán không lời được bao nhiêu nên bữa cơm của họ chỉ chừng 5.000 đồng. Tôi nấu cơm, canh, rau muống và ít đồ ăn mặn. Buổi trưa ai đi bán về sớm thì ăn trước, người nào về trễ ăn sau. Hết thì tôi lại nấu tiếp", bà Sương nói.

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 5
 Ông An nhớ lại những ngày đầu tiên bôn ba lên thành phố lập nghiệp: "Thời đó, quê tôi nghèo lắm, bà con không có công ăn việc làm. Vợ chồng tôi cùng một nhóm 5,7 người nữa lên Sài Gòn để kiếm sống. Ban đầu, chúng tôi ngủ vạ vật ngoài đường, làm thuê làm mướn đủ nghề, nhưng thấy nghề bán vé số là hợp với mình nhất nên tôi về quê đón vài người đồng hương lên đây cùng đi bán với nhau. Khi đã tập hợp được hơn chục người, chúng tôi thuê một căn phòng trọ và ở chung với nhau. Nhóm người này đề cử tôi là "ông đại lý", với nhiệm vụ bao bọc những người đồng hương của mình từ chỗ ở đến bữa ăn".

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 6
Mỗi ngày, ông An bỏ tiền túi ra để đi lấy vé số về cho từng người bán. Theo tiêu chuẩn, mỗi người sẽ được phát 100 tờ vé số nhưng chỉ được trả lại 5 tờ. Ông An phân tích: "Mỗi tờ vé số bán ra, người bán chỉ lời được 1.000 đồng. Cụ thể, mỗi ngày một người nếu bán hết 100 tờ vé số, họ thu về 1 triệu đồng, tôi sẽ nhận lại của họ 900.000 đồng và đưa 870.000 đồng cho công ty xổ số kiến thiết. Còn 30.000 đồng tôi giữ lại để tích góp cuối tháng trả tiền nhà, điện, nước và tiền đi chợ hàng ngày".

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 7
Căn nhà trọ cũ kỹ của gần 20 người nương vào nhau sinh sống này có giá thuê 8 triệu đồng/tháng. Ông An cho biết, nếu tính luôn tiền điện nước thì một tháng ông phải trả cho chủ nhà khoảng 10 triệu đồng.

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 8
Nơi đây, vợ chồng "ông đại lý" đã đón biết bao người từ Phú Yên lên ở. Có người lên được vài ba tháng, nhớ quê quá lại đón xe về. Có người ở lại cùng ông nhiều năm nay, Tết cũng không muốn về vì sợ tốn tiền xe.

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 9
Những người đi bán vé số mỗi ngày cho biết, họ phải đi bộ hàng chục cây số khắp Sài Gòn mới bán được từng ấy vé số được giao. "Có người có xe đạp thì đạp xuống Tân Phú, người đi bộ thì đi đến quận 7, quận 10... Thậm chí vì không muốn giành "địa bàn" với những người cùng nhà nên một số ông bà thức dậy từ 4 giờ sáng, đón xe buýt đến tận Cần Giờ, Long An để bán cho hết vé rồi 7 giờ tối mới về tới nhà mà ăn bữa cơm đầu tiên", một ông lão tại đây cho biết.

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 10
Bữa cơm trưa của người bán vé số chỉ có cơm trắng với canh rau muống

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 11
Họ tranh thủ ăn lấy sức rồi lại tiếp tục đi bán vé số đến chiều...

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 12
Bà Sương cho biết, không phải ai từ quê lên thành phố cũng có thể trụ lại được với nghề bán vé số. Nhiều người nhận vé xong, ngại ngùng không biết cách mời người khác mua nên đành lủi thủi về nhà. Có người lại bị kẻ xấu lừa gạt giựt hết xấp vé số, trở về căn nhà trọ khóc than với vợ chồng ông An, rồi nản chí bỏ về quê. Ông An còn kể thêm: "Người đi bán vé số cực lắm, lại không may gặp phải cảnh như vậy, không có tiền đưa lại mình, mình cũng không có tiền trả lại cho công ty xổ số. Những hoàn cảnh đó là dạng "con nợ khó đòi", mà mình cũng không nỡ đòi, nên nhiều khi cũng phải trả giúp phần vé số của họ".

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 13
Những ngày Sài Gòn mưa dầm dề, mọi người không đi bán được nên ngồi quây quần tại căn trọ này, tâm sự buồn vui chuyện đi bán vé số của mỗi người. Họ nói về ước mơ bình dị nhất là mong ngày nào cũng bán được hết vé số để có tiền gửi về quê nhà cho con cháu ăn học. Những mảnh đời cơ cực tại xóm vé số này luôn có một niềm tự hào về con cháu của mình, những đứa trẻ đã trưởng thành, tốt nghiệp loại giỏi các trường danh tiếng, có người nhờ vào những đồng tiền kiếm được từ việc đi bán vé số của ông bà cha mẹ mà nay đã thành tài. Như vợ chồng ông An có hai người con trai, một người là thạc sĩ, một người là tiến sĩ, đều có sự nghiệp ổn định. Bà Sương kể: "Tụi nó hồi mấy chục năm trước cũng vừa đi học vừa đi bán vé số với ba mẹ, bán đến hết năm thứ 2 Đại học, rồi tập trung học hành, tốt nghiệp, ra trường có việc làm ngay".


Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 14
Cô Nguyễn Thị Thúy (quê Đông Hòa, Phú Yên) thì luôn tự hào khi con gái lớn của mình là Trần Thị Hồng Diệp đã thi đỗ vào trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Cô tâm sự: "Diệp biết gia đình khó khăn nên xin thi vào ngành Sư phạm để đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Dù có khó khăn thế nào chăng nữa, tôi cũng ráng nuôi con ăn học, sau này, có việc làm ổn định để không khổ như cuộc đời cha mẹ”.

Chuyện con hẻm vé số - nơi cưu mang hàng chục người mưu sinh trên đất Sài Gòn 15
Khác với những người đi bán vé số luôn phải dùng "khổ nhục kế" như giả tàn tật, lê lết xin lòng trắc ẩn từ mọi người, những người trong hẻm vé số Phú Yên lại quan niệm: "Chúng tôi cho rằng kiểu giả bệnh, giả tật như vậy là lừa đảo. Dù khó bán đến đâu, chúng tôi cũng chỉ nói những câu cơ bản mà ông An dạy như: "Còn có mấy tờ mua giùm chú đi con" hoặc "Sáng giờ đi bán chưa được tờ nào, mở hàng giùm đi anh chị", dù thực tế là có bán được rồi. Nhưng ế quá thì phải dùng "chiêu" mới bán được. Hoặc đến bước đường cùng lắm, thì mới phải giả câm, giả mù để bán cho được. Nhưng hôm sau lại thôi, không sử dụng những chiêu thức ấy nữa".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày