Vào ngày Rằm, ông Cửu quăng miếng thịt bò, chú chó chạy đến ngửi ngửi rồi bỏ đi. Nhưng khi ông để chén cơm trắng xuống đất, nó lại quay lại ăn một mạch ngon lành. Theo dõi tiếp vài tháng sau, ông Cửu không khỏi ngạc nhiên khi chú chó cưng luôn ăn chay vào đúng ngày Rằm.
Duyên kỳ ngộ với chú chó trôi sông
Ấp Thông Lưu nằm cuối cù lao Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long), người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề “trải đáy” (dùng lưới bắt cá), hầu như mọi nhà đều có một dàn đáy để bắt cá mưu sinh hằng ngày. Gia đình của ông Lê Văn Cửu (48 tuổi) cũng vậy, nghiệp đáy gần như gắn bó trọn cuộc đời người đàn ông này. Ông xây được nhà, cho các con đi học đến nơi đến chốn đều là nhờ những con cá dưới sông. Nhưng cũng trên dòng sông, ông Cửu đã có duyên kỳ ngộ với chú chó lạc, để rồi giờ đây nó trở thành một thành viên trong gia đình ông.
Ông Cửu nhớ lại: “Cách đây 5 năm, như thường lệ tôi cùng một số anh em đi thăm lưới, chạy ghe vào bờ gần 12h đêm. Lúc này trời tối đen như mực, tôi nghe được tiếng chó sủa rất nhỏ. Tôi lập tức cho ghe tiến lại gần soi đèn thì phát hiện thấy chú chó nhỏ đang nằm trên bè rau mác đang trôi. Trông nó tội nghiệp lắm, lông ướt sũng, run cầm cập vì lạnh”. Ông Cửu vốn không thích nuôi chó, nhưng ông cho rằng chú chó ấy có duyên với mình nên không ngần ngại cứu sống nó mang về. Lúc đầu, chú chó yếu ớt lắm, mọi người trong nhà ông Cửu thấy nó đáng thương, tội nghiệp nên cho ăn đầy đủ và đặt tên là “Lượm” để nhớ cơ duyên chủ và chó gặp nhau trên khúc sông.
Theo ông Cửu, từ ngày có Lượm, ông bắt đầu có tình yêu với vật nuôi trong nhà. Ông dành rất nhiều tình cảm cho chú chó mồ côi. Có lẽ vì thế, chú chó đã cảm nhận được và đáp lại tình cảm với “ân nhân” của mình. Nói về sự khôn lanh của Lượm, ông Huỳnh Văn Đèo (40 tuổi, người đi cùng ông Cửu đêm hôm đó – PV) cho biết: “Hình như nó nhớ tôi đã cùng ông Cửu cứu mình nên cũng quý tôi như ông Cửu vậy”. Ông Đèo còn chia sẻ thêm, mỗi khi ông Cửu làm rớt thức ăn xuống đất, Lượm không chạy đến “xử” liền như những con khác mà quay đầu nhìn chủ. Khi ông gật đầu, nó mới chạy đến nhẹ nhàng cắn miếng thức ăn rồi bỏ đi ra ngoài “thưởng thức” một cách từ tốn.
Được biết, nhiều người dân ở xã cù lao Thanh Bình phần lớn theo đạo Phật nên mọi người có tục “kiêng thịt” (còn gọi là ăn chay) trong ngày Rằm Âm lịch. Duy chỉ có ấp Thông Lưu với nghề trải đáy gia truyền, quanh năm bắt cá, mò tôm nên họ thường quên đi ngày giờ ăn chay, kiêng tịnh. Gia đình ông Cửu cũng vậy. Ngày ba bữa, mâm cơm của gia đình ông luôn đầy ắp cá, trước giờ ông chẳng hề ăn chay. “Gia đình tôi không theo tôn giáo nào cả, sống theo “chủ nghĩa tự nhiên”, chỉ biết thờ cúng ông bà. Do nhà tôi xa chợ nên vợ tôi ít khi mua thức ăn, cá mắm bắt được từ việc làm lưới, tôi cứ bảo bà xã lấy mà dùng. Tôi luôn quan niệm, mình sống ngay thẳng, không gian tham thì cũng là một cách tu hành. Có người ăn chay đều đặn mà về nhà chửi cha, mắng mẹ thì việc kiêng thịt, cá cũng trở nên vô nghĩa. Nhưng rồi con Lượm đã thay đổi quan niệm, hành vi của tôi”, ông Cửu bộc bạch.
Chú chó biết ăn chay vào ngày rằm.
Ngồi kề bên, ông Lê Văn Trường (51 tuổi, anh ruột ông Cửu) cho biết: “Giống như bà con ở xóm lưới này, gia đình tôi trước giờ cũng chưa từng biết ăn chay. Nhưng mọi suy nghĩ của tôi và chú Cửu đã thay đổi hoàn toàn sau cái ngày Rằm Âm lịch lạ lùng ấy. Cách đây chừng một năm, thấy Lượm sang chơi lúc cả nhà đang ăn cơm, tôi quẳng cho nó cái đầu tôm, nó ngửi ngửi rồi không ăn, tôi quẳng tiếp con cá kho, nó lẳng lặng bỏ đi. Thấy lạ, tôi lấy cho nó ít bánh gạo thì nó ăn một cách ngon lành. Ngồi ngẫm lại, tôi nhớ hôm nay là ngày Rằm, không lẽ con chó này lại biết ăn chay? Tôi vội chạy đến nhà chú Cửu để hỏi xem chú chó này có gì bất thường hay không thì chú ấy cho biết là trước giờ nó vẫn bình thường, không hề có biểu hiện gì lạ cả. Kể với chú Cửu chuyện lạ ở nhà mình, chú ấy liền quẳng cho Lượm miếng đậu hũ thì nó vẫn ăn rất ngon lành. Thấy Lượm biểu hiện không giống với chó bình thường nên chúng tôi đâm ra lo sợ trong lòng. Không dám nói với ai, anh em tôi chờ đến ngày Rằm tháng sau thử lại một lần nữa để chắc chắn thì nó lặp lại y như vậy. Chúng tôi thầm nghĩ, Lượm có thể có nhân duyên với Phật”.
Nhiều người ăn chay theo
Tiếp lời người anh trai, ông Cửu đưa mắt về chú chó thân yêu đang nằm sưởi nắng kế bên, chậm rãi nói: “Sau cái hôm anh Trường phát hiện những điều lạ lùng về con Lượm, cả tháng trời tôi ăn ngủ không yên. Nhiều khi tôi nghĩ, không lẽ trước giờ gia đình tôi không có ăn chay nên có duyên gặp chú chó lạ lùng này để thay đổi cách sống, cách nghĩ của gia đình tôi. Rồi ngày Rằm tháng sau cũng đến, tôi sai vợ tôi đi chợ mua ít thịt bò về xào, đến bữa cơm, thấy Lượm chạy đến tôi quẳng thịt xuống đất, nó đến gần ngửi ngửi rồi lẳng lặng bỏ đi. Tôi bới chút cơm trắng vào chén thì nó ăn ngấu nghiến phần cơm và chừa thịt lại. Tôi và vợ con vô cùng sửng sốt, vội chạy đến bàn thờ để đốt nhang cúng vái ông bà. Lúc ấy tôi chắc chắn rằng, chú chó của tôi biết kiêng thịt và chính nó đã làm thay đổi cách nghĩ, cách sống của tôi và của cả gia đình”.
Sau khi thông tin về chú chó nhà ông Cửu biết ăn chay lan ra, nhiều người hiếu kì trong xã đã tìm về nhà ông đúng ngày Rằm để được tận mắt xác thực. Và rất nhiều người công nhận, ngày hôm đó Lượm nhất định không hề đụng đến thịt, cá, chỉ ăn đồ chay mà thôi. Cũng chính nhờ chú chó mà gia đình ông Cửu cũng tập ăn chay, tương trong các ngày Rằm, kiểu ăn chay tịnh khác hẳn với dân chài lưới. “Chó của tôi ăn tạp lắm. Nó rất thích ăn cá do tôi trải lưới mang về. Duy chỉ có ngày Rằm là nó nhất định không ăn thịt, cá. Lâu rồi cũng thành thói quen, cứ đến ngày Rằm, chúng tôi lại mua đồ ăn chay tịnh cả nhà cùng ăn”, ông Cửu chia sẻ.
Một người dân trong xóm còn cho biết thêm rằng, trước kia nhà ông Cửu rất nghèo, quanh năm tần tảo mà không được dư dả, chỉ đủ ăn. Nhưng vài năm trở lại đây, kinh tế gia đình đã khá giả hơn. Ông Cửu đã xây được ngôi nhà khang trang và cho con cái ăn học đàng hoàng. Mọi người cho rằng, chú chó mà ông Cửu nhặt được trên bè rau mác trước đây đã mang lại cho gia đình những điều may mắn. “Quả thực trước đây, gia đình tôi làm ăn không được. Nhưng vài năm nay, tôi làm ăn khấm khá hơn và cũng có của ăn, của để. Tôi cũng nghĩ rằng Lượm đã mang lại may mắn cho gia đình mình. Nhưng đó chỉ là sự may mắn thôi, còn công việc có thành công hay không thì quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu không cố gắng, không chịu khó sớm hôm thì lấy đâu ra tiền bạc”, ông Cửu bộc bạch.
Ngoài gia đình ông Cửu, chú chó Lượm cũng làm thay đổi quan niệm của một số bà con trong xóm. Một số người còn bỏ hẳn khoản ăn thịt chó. Vì họ cho rằng, chó còn không sát hại sinh linh thì cớ gì con người lại đi giết chó mà ăn thịt. “Cũng như gia đình chú Cửu và nhiều bà con trong xóm, gia đình tôi đã thực hiện vào ngày Rằm nhiều tháng nay. Theo tôi tìm hiểu thì ăn chay không những giúp trong lòng thanh tịnh mà còn rất tốt cho sức khỏe. Cũng phải cảm ơn chú chó thông minh vì đã “cảm hóa” được nhiều người”, ông Trường cho hay.
Nói về chú chó của ông Cửu, ông Ngô Văn Những (Trưởng ấp Thông Lưu) cho biết: “Ông Cửu là một người nông dân hiền lành, chất phác. Trước kia gia đình ông ấy túng thiếu, khó khăn nhưng vài năm nay kinh tế đã khấm khá hơn, chúng tôi cũng mừng cho họ. Việc chú chó nhà ông Cửu không ăn cá, thịt vào ngày Rằm hàng tháng là có thực 100% vì chính tôi đã chứng kiến”. |