Chuyện 6 cô gái trẻ câm điếc nương tựa nhau như chị em một nhà

Thu Hường - Ảnh: Tú Quách, Theo Trí Thức Trẻ 07:01 06/06/2015

Mang trong mình khuyết tật câm điếc bẩm sinh, lớn lên trong sự nghèo khó và trải qua tuổi thơ nhiều đau khổ, thế nhưng 6 cô gái trẻ vẫn không ngừng cố gắng, để có thể tự lực cánh sinh trong cuộc sống.

Trong cuộc sống, có lẽ mỗi người đều có những mong ước riêng. Có người muốn trở thành nhà thám hiểm, khám phá vũ trụ, có người lại muốn trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhiếp ảnh, họa sĩ … hay đơn giản chỉ là một bà nội trợ đảm đang. Nhưng có lẽ, không có ước mơ nào lại bình dị đến nao lòng như nguyện ước của 6 cô gái câm điếc bẩm sinh. Họ ước có thể cất tiếng nói.

6 cô gái kém may mắn bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh.

6 cô gái còn rất trẻ, thông minh, giàu nghị lực nhưng có một điểm yếu chung nhất của họ là không thể nghe, nói bình thường. Cuộc đời họ cho đến lúc này là chuỗi dài những ngày tháng phấn đấu, nỗ lực vươn lên chiến thắng số phận. Sau tất cả, 6 cô gái trẻ đều hy vọng, có thể trải qua kiếp sống này một cách nhẹ nhàng, bình dị và ít nỗi đau hơn.

Những mảnh đời đượm buồn

Trong ngôi nhà nhỏ thuộc công ty Kym Viet ở tổ 6, phường Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội), 6 cô gái trẻ Lê Thị Thúy Hằng, Hà Thị Mai Hòa, Lê Thị Vân, Phùng Linh Chi, Nguyễn Thị Kim Ngân và Phạm Thị Ngọc Ánh đang miệt mài làm ra những con thú nhồi cát xinh xắn. Họ sinh ra và lớn lên ở những miền quê khác nhau nhưng tất cả đều lên Hà Nội kiếm sống từ khi còn rất trẻ. Trong số 6 cô gái, ngoài Hòa (sinh năm 1987) và Ánh (sinh năm 1993) thì tất cả đều chưa đầy 21 tuổi.



Chị Đính (áo kẻ đen) người phụ trách chăm sóc 6 cô gái khuyết tật

Chị Nguyễn Thị Đính (nhân viên công ty Kym Viet chuyên phụ trách chăm sóc 6 cô gái khuyết tật) chia sẻ: “Tất cả các em ở đây đều sinh ra trong những gia đình nghèo khó, anh chị em nhiều người mắc khuyết tật khiếm thính. Trước khi đến công ty làm việc, hầu hết các em đều đã trải qua tuổi thơ buồn tủi”.

Bên cạnh đó, sức khỏe của Hòa rất yếu, cô gầy gò và thường đau ốm liên miên. Mới đây, Hòa vừa phải mổ ruột thừa và nằm viện khá lâu. Rất may là các bác sĩ ở viện 354 đã hết lòng chăm sóc và thu viện phí của em với giá rất rẻ. Điều ấy thực sự là một may mắn lớn giúp em nhanh chóng bình phục.

Không riêng gì Hòa, cả 5 cô gái còn lại đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Hầu hết họ đều sinh ra trong gia đình có nhiều anh, chị em mắc khuyết tật khiếm thính. Riêng trường hợp của Phạm Thị Ngọc Ánh lại có chút khác biệt. Bố mẹ Ánh đều là người Hà Nội và chỉ hạ sinh được một mình cô. Dù hết lòng yêu thương con và chưa một lần buông lời than trách nhưng Ánh hiểu rằng, bố mẹ cô rất buồn và thất vọng trước số phận. 

Chị Đính cho biết: “Ánh vẫn hay nói với tôi là ánh mắt bố mẹ nhìn em bao giờ cũng đượm buồn. Em cảm nhận được điều đó nên dù là con một, em không bao giờ vòi vĩnh, đòi nuông chiều và sớm có ý thức tự lực cánh sinh”.

Trong số 6 người, có lẽ Phùng Linh Chi là người may mắn nhất. Bố mẹ cô phát hiện sớm chứng câm điếc bẩm sinh của con gái và đưa Chi đi phẫu thuật, lắp ốc tai điện tử. Dù thế, khả năng nghe, nói của Chi vẫn rất kém và sớm phải từ bỏ chuyện học hành.


Hằng (áo trắng) được chị Đính nhận xét là cô gái xinh xắn và rất thông minh


Thuở nhỏ, 6 cô gái đều có khao khát cháy bỏng là được đi học giống như bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng nguyện ước ấy của họ được thực hiện rất muộn màng. Họ biết đến trường lớp sớm nhất là lúc lên 8 tuổi và chuyện học hành lâu nhất chỉ kéo dài được 5 năm. Không phải vì họ không cố gắng, đơn giản chỉ vì hoàn cảnh quá khó khăn xô đẩy.

Nhớ lại quãng tuổi thơ đã đi qua, 6 cô gái đều bùi ngùi, xúc động. Hòa chia sẻ: “Thế giới của mình rất nhỏ, trong khi trí tuệ của mình đủ để thấu hiểu rất nhiều điều nhưng lại phải luôn câm lặng, không thể chia sẻ với người khác” – chị Đính phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu của Hòa.

Không chỉ riêng Hòa, những người khác đều trải qua một tuổi thơ buồn bã. Họ hầu như quanh quẩn ở nhà, ít có điều kiện giao lưu với thế giới bên ngoài. Họ sống trong nỗi cô đơn, đi đến đâu cũng lặng lẽ ngồi ra một góc riêng biệt. Thậm chí đã không ít lần, các cô gái phải chịu đựng sự khinh miệt, thương hại của người đời. Dù thế bằng nghị lực và ý chí mạnh mẽ, tất cả họ đều cố gắng vươn lên với mơ ước xây đắp một cuộc sống tự lập cho riêng mình.

Gắn kết những trái tim 

Không thể nghe nói bình thường nhưng 6 cô gái đều sở hữu đôi mắt tinh anh, nhạy cảm với vẻ ngoài dịu dàng và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa hơn người. 

Làm thú bông nhồi cát là công việc hàng ngày của các cô gái tại công ty Kym Viet.

Rời xa gia đình từ khi còn rất trẻ để lên Hà Nội lập nghiệp, trải qua nhiều lần thay đổi chỗ làm như một sự sắp xếp của định mệnh, 6 người gặp nhau tại công ty xã hội dành cho người khuyết tật Kym Viet. Công việc hàng ngày của họ là may vá những con thú nhồi cát.


Những sản phẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của 6 cô gái khuyết tật.

Anh Lê Viết Cường, Giám đốc công ty Kym Viet chia sẻ: “Những con thú ở đây rất đặc biệt, chúng được nhồi bằng cát ấm Quảng Bình, thứ cát mịn, không thể chui lọt khe vải và bao giờ cũng được ướp hương quế hồi thơm nồng”. 

Những con thú này hoàn toàn được làm thủ công nên khá tốn công sức. Tùy vào từng mẫu thiết kế và độ tinh xảo mà thời gian làm ra sản phẩm hoàn chỉnh dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, đối với một con thú đơn giản, kích thước nhỏ, một cô gái lành nghề miệt mài lắm cũng chỉ làm ra được 12 con/ngày. 


Những chiếc túi treo đựng thú bông xinh xắn .

Những sản phẩm các cô gái làm ra, giá dao động trên dưới 100.000 đồng nhưng việc buôn bán diễn ra khá chậm chạp. “Chúng tôi vẫn chưa tìm được nơi để xuất buôn nên mọi người trong công ty phải tự mang hàng hóa đến các hội trợ, triển lãm để bán lẻ” – anh Cường nói.

Dù việc buôn bán gặp khó khăn nhưng công ty luôn cố gắng xây dựng chế độ đãi ngộ tốt với nhân viên. 6 cô gái làm việc ở đây được bao ăn, ở và toàn bộ vật dụng sinh hoạt cộng thêm 2 triệu tiền lương hàng tháng. Hàng tuần, họ làm việc từ thứ 2 đến thứ 7. Riêng chủ nhật họ được nghỉ để tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng các câu lạc bộ người khuyết tật.

“Từ ngày lên đây làm việc, mình thấy rất vui vẻ, cảm giác yêu mến nơi này như một ngôi nhà thứ 2, không bao giờ muốn rời xa” – Vân tâm sự.

Chị Đính khoe sản phẩm mà 6 cô gái khuyết tật làm ra

Chị Đính cho biết, 6 cô gái gắn bó với nhau như chị em ruột, thỉnh thoảng cũng hay hờn dỗi nhưng rồi mọi chuyện đâu lại vào đó. Chị Đính xem 6 cô gái như những người con ruột thịt và ngược lại, 6 cô cũng rất yêu chị, có niềm vui, nỗi buồn nào trong lòng, họ cũng chia sẻ hết với chị.

Nói về nguyện ước lớn nhất trong tương lai, cả 6 cô gái đều hy vọng có thể một lần cất tiếng nói. “Mình không cần giàu có hay xinh đẹp, chỉ ước sao một ngày kia có thể thoát khỏi cảnh câm nín, cuộc đời của người khuyết tật buồn lắm” – Hằng chia sẻ.

Nghe Hằng nói, chị Đính thoáng buồn và vội giải thích:“Các em nói thế thôi chứ họ rất hiểu, việc có thể trị khỏi chứng câm điếc là điều không thể. Tôi đoán chắc nguyện vọng lớn nhất của các em là được sống tự lập. Các em rất yêu gia đình và tôi biết, với số tiền lương ít ỏi 2 triệu/tháng, nhiều em vẫn tiết kiệm để gửi về giúp đỡ người thân. Chính điều đó làm tôi cảm thấy hài lòng và yên tâm vì 6 cô gái - họ đều rất mạnh mẽ, kiên cường”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày