Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn

Infonet, Theo 16:08 20/11/2012

Quan sát nhiều ngày tại đường Cống Lở, kênh Tham Lương (Q.Tân Bình); kênh Tân Hóa – Lò Gốm (Q.11), rạch Bằng Đôn (Q.7), dễ nhận thấy chuột cống ở các khu vực này đếm không xuể, và đặc biệt chúng không hề sợ người.

Theo Viện Pasteur TP.HCM, từ 25 con chuột được xét nghiệm thì phát hiện 3 mẫu dương tính với virus Hanta gây bệnh suy thuận cấp. Đáng lo ngại, cả 3 mẫu chuột trên đều là loại chuột cống sống rất nhiều tại hệ thống cống rãnh, kênh mương.

Chuột không ngán... người

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 1

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 2

Những dòng kênh rác là "thiên đường" của loài chuột cống

Đầu tháng 10, N.V.T (55 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) bị chuột cống cắn phải nhập viện với các triệu chứng sốt cao, ho, giảm tiểu cầu và nổi mẩn đỏ qua da được đưa vào bệnh viện Q.Phú Nhuận. Dù được tích cực điều trị nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm nên được chuyển lên BV Nhiệt Đới. Sau các xét nghiệm, ông T. được xác định bị suy thận, suy gan cấp do virus Hanta gây ra.

Từ trường hợp ông T., các bác sĩ thuộc Viện Pasteur đã xuống tận khu vực ông sinh sống để tìm hiểu nguồn gốc bệnh. Có tất cả 25 con chuột nhà lẫn chuột cống được bắt ngẫu nhiên đem đi xét nghiệm bệnh phẩm và cho ra kết quả như đã nói ở trên.

Còn chợ P.2, Q.10 họp từ sáng sớm đến trưa, nước thải thường xuyên chảy lênh láng xuống cống, nhất là tại các gian hàng thịt, thủy hải sản. Nhiều phế phẩm được đổ thẳng xuống cống là nguồn thức ăn “hợp khẩu vị” của chuột nên chúng đua nhau sinh sôi nảy nở.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, một người sinh sống gần chợ Trần Nhân Tôn, P.2, Q.10, vẫn còn sợ sau một lần đạp trúng chuột cống. “Tối hôm qua, đang đi dạo ở khu người ta hay họp chợ buổi sáng, do không quan sát tôi đạp trúng một con chuột to hơn nắm tay người lớn. May là rút chân kịp chứ không thì bị nó cắn rồi. Nhìn lại con chuột lở loét khắp thân mà tôi khiếp đảm”, chị Dung rùng mình nói.

Thực tế cho thấy, nhiều con kênh ngập rác thải là nơi trú ẩn và cũng là nguồn thức ăn lý tưởng của chuột. Tại kênh Tân Hóa – Lò Gốm, rác thải tràn mặt kênh, nên chuột có thể chạy qua chạy lại hai bờ dễ… như qua cầu. Nhiều hộ dân ở đây cho biết, ban đêm không dám đểthức ăn thừatrong nhà vì thế nào chuột cũng mò vào chén sạch.

Anh Kiên Trung, nhà ở một con hẻm trên đường Cống Lở, ngao ngán: “Nhiều đêm, nếu ở thùng rác công cộng cóthức ăn thừalà y như bọn chuột mở “đại tiệc”. Tại thùng không dưới chục con chuột có mặt, chạy tới chạy lui tứ tung dù có con người đi lại. Hôm nào không có thức ăn ở thùng rác thì chúng mò vào nhà, chạy thẳng từ trước ra sau cứ như là đi... hội”.

Con người tạo "đất sống" cho chuột

Thông tin chuột cống mang mầm bệnh suy thận cấp khiến nhiều người dân trên địa bàn lo lắng. Theo quan sát tại các kênh rạch “nổi tiếng” nhiều chuột, có thể dễ dàng nhận thấy các khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải sinh hoạt, sản xuất ngập kênh. Nhiều gia đình sinh hoạt xong là vứt rác,thức ăn thừa xuống thẳng lòng kênh.

Chị Thảo Nguyên, ngụ tại một căn nhà trọ ở Q.10, chia sẻ: “Có đêm tôi dùng keo dính chuột bẫy được 2 – 3 con. Chuột ở đây rất nhiều bởi thùng rác của khu nhà trọ chứa đủ thứ, nhất làthức ăn thừa, nên chuột kéo đến như quân... Nguyên. Có khi vừa bỏ rác vô thùng thì 4 - 5 con chuột cống to đùng chạy loạn xạ làm tôi phải bỏ chạy vì sợ chúng cắn”.

Nhiều hộ dân hay bỏ thức ăn thừa ra các thùng rác công cộng nên vô tình tạo nguồn thức ăn cho chuột. Anh Trọng Hữu, nhà gần rạch Bằng Đôn, Q.7, chia sẻ: “Trước đây, cả xóm thường bỏ thức ăn thừa ở thùng rác để sáng sớm thu gom nên buổi tối chuột phá lung tung, lôi đi xả khắp xóm rất mất vệ sinh. Sau này khi không để thức ăn thừa nữa thì chúng tấn công vào nhà, đục nền nhà chui lên không cách nào ngăn được”.

Theo thông tin vừa công bố thì virus Hanta gây bệnh suy thuận cấp do bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu của chúng, hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng bởi không phải cứ bị chuột cắn là bị nhiễm virus Hanta và cũng không phải chuột cống nào cũng mang mầm bệnh này.

Khó khăn hiện nay là triệu chứng của bệnh suy thận cấp do virus Hanta gây ra rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác như biểu hiện sốt cao kéo dài, giảm tiểu cầu nên các bác sĩ dễ nghĩ đến sốt xuất huyết. Do vậy, khi đến giai đoạn suy thận thì việc điều trị rất khó khăn.

Do vậy, trước khi chờ các cơ quan chức năng có biện pháp diệt chuột thì người dân nên "đối phó" với lũ gặm nhấm ở nhà bằng cách phân loại rác thải ngay từ đầu, không đểthức ăn thừabừa bãi tạo nguồn thức ăn cho chuột và vệ sinh sạch sẽ khu vực sinh sống.

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 3

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 4

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 5

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 6

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 7

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 8

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 9

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 10

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 11

Chuột cống sống chung với người ở Sài Gòn 12

Chuột lộng hành ban ngày tại một con hẻm trên đường Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình