Chùm ảnh: Những người lao động lặng lẽ góp mật ngọt cho đời

, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 01/05/2014

Dù khó khăn, vất vả và không được nhiều người biết đến nhưng những nghệ sĩ đường phố, người lao công hay ngư dân... hàng ngày vẫn miệt mài với công việc của mình.

Có nhiều người gắn mình với những nghề nghiệp ít khi được người khác nhớ tới, cũng hiếm khi được xã hội tôn vinh nhưng nếu thiếu họ, có lẽ cuộc sống sẽ không còn được trọn vẹn. Ở một góc nào đó của cuộc sống, họ - những người lao động bình dị vẫn đang lặng lẽ góp cho đời những giọt mật ngọt, những khoảnh khắc bình yên vô cùng quý báu.

Để có được không gian vui chơi trong lành, sạch đẹp cho khách du lịch, những người lao công mất không ít thời gian để dọn vệ sinh bờ biển. Họ lao động miệt mài khi các du khách đã về nghỉ ngơi, để khi bình minh lên, bầu không khí bờ biển sẽ trở nên trong lành, mọi người có một điểm đến thực sự chan hòa với thiên nhiên.

Nụ cười hạnh phúc của người họa sĩ vẽ tranh truyền thần bên bờ Hồ Gươm. Cụ cho biết đã vẽ tranh ở đây từ nhiều năm: "Tôi không nhớ mình đã gặp bao nhiêu người và vẽ bao nhiêu bức chân dung nữa. Những vị khách của tôi có cả người già, người trẻ, cả người Việt Nam và cả những vị khách nước ngoài, mỗi người một nét mặt, một câu chuyện thú vị khiến tôi càng thêm yêu cái nghiệp của mình hơn".


Nghệ sĩ ưu tú Đặng Công Hưng, nhạc công của đoàn chèo Việt Nam đang kiểm tra lại nhạc cụ ở phía sau sân khấu. Mấy chục năm gắn bó với nghề, nghệ sĩ Công Hưng đã đi lưu diễn ở nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới. Được cống hiến cho âm nhạc truyền thống với nghệ sĩ là một niềm hạnh phúc không sao đo đếm được.

Nơi làm việc của các công nhân điện lực phần lớn ở trên không trung. Bức hình trên được phóng viên chụp lại ở Hà Nội khi hàng chục công nhân làm việc quên thời gian dưới trời nắng to, gấp rút sửa chữa đường dây cao thế để đảm bảo nguồn điện được cung cấp liên tục tới người dân.

Nụ cười tươi rói của kỹ sư trẻ Quách Anh Tú trên công trường cầu Nhật Tân. Tú vừa mới bước chân vào nghề nhưng qua những gì cậu kể, chúng tôi có thể cảm nhận được chàng thanh niên này rất yêu nghề. "Mình sẽ cố gắng học hỏi thật nhiều để trở thành một kỹ sư giỏi trong tương lai" - Tú nói đầy quyết tâm.

Công việc hàng ngày của chị Huyền (ở Kim Thành, Hải Dương) là đúc những viên gạch ba banh. Ngày nào chị cũng phải tiếp xúc với bùn đất và những dụng cụ làm gạch thô sơ. Công việc này đòi hỏi người lao động vừa phải có sự khéo léo vừa phải dẻo dai để ép khuôn cho gạch thật vuông vắn.


Dưới bàn tay của chị Huyền, hàng nghìn viên gạch đất được ép thành hình vuông vắn. Công việc tưởng như chỉ dành cho nam giới lại được người phụ nữ này làm rất thuần thục.


Những em bé ở phường Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng ngày ngày cặm cụi đi bắt còng còng kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Số tiền kiếm được sau khi bán còng còng tuy không nhiều nhưng vô cùng có ý nghĩa với gia đình các em.

Tuy mới chỉ học cấp 1 nhưng những em bé này cũng được coi như lao động chính trong nhà khi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Anh Lưu Văn Dinh (ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang ngồi đan từng mắt lưới trước khi ra khơi. Anh sinh năm 1980 nhưng đã có 20 năm bám biển mưu sinh.


Anh Dinh tâm sự nghề đi biển vô cùng vất vả, phải đương đầu với nhiều khó khăn nhất là những lúc sóng to, gió lớn nhưng người ngư dân này vô cùng yêu nghề. "Mình sinh ra ở một làng chài, có lẽ cả đời sẽ bám biển để sống. Nghề này tuy vất vả khó khăn nhưng cũng có nhiều cái thú vị lắm. Cảm giác được đương đầu, chinh phục những con sóng cao, được nhìn khoang thuyền ăm ắp cá tôm, có lẽ chỉ những người ngư dân mới được hưởng".

Phút nghỉ ngơi sau một ngày dài mưu sinh mỏi mệt của những người phụ nữ bán hàng rong trên đường phố Hà Nội. Chị Hoa (quê ở Hà Nam) tươi cười nói với chúng tôi: "Mỗi ngày chúng tôi đi bộ hàng chục cây số, đi khắp các ngõ ngách của phố cổ, không biết bao nhiêu chiếc đòn gánh đã cong xuống và bao nhiêu đôi dép đã mòn. Dù phải đi bộ bao nhiêu, mệt mỏi thế nào mà bán hết hàng, kiếm được tiền để nuôi con ăn học ở quê là vui lắm rồi". 

(Nhiếp ảnh: Doãn Tuấn)