Xyza Cruz Bacani đã sống ở Hồng Kông 9 năm thế nhưng sau nhiều năm gắn bó, cô vẫn cảm thấy mình không thuộc về nơi này. Chỉ mãi tới khi được cầm máy ảnh lên và ghi lại cuộc sống chân thực nơi đây, cô mới dần cảm nhận và thấu hiểu được những mảnh đời, số phận khác nhau.
Bacani (27 tuổi) đã bỏ học ở Philippines để làm người giúp việc từ khi cô mới lên 19 tuổi. Cô quyết định kiếm tiền để các em cô được cắp sách tới trường. Cô đã bắt đầu công việc chụp ảnh từ 4 năm trước, sau khi mua được chiếc máy ảnh DSLR Nikon từ số tiền vay của ông chủ.
Đặt chân đến Hồng Kông, ngoài 6 ngày làm người giúp việc cho 1 gia đình giàu có Trung Quốc, ngày còn lại trong tuần, Bacani thường lang thang khắp phố phường để ghi lại cuộc sống của những người dân ở Hồng Kông.
"Khi tôi cầm chiếc máy ảnh lên, tôi không còn là 1 người giúp việc nữa. Lúc đó, tôi là 1 cô gái bình thường. Đó cũng là 1 cách để bảo vệ chính bản thân mình bởi nếu xuất hiện với thân phận 1 người giúp việc, sẽ có những định kiến khác nhau dành cho tôi", Bacani chia sẻ.
Sau mỗi lần chụp ảnh, cô thường đăng tải những bức ảnh đó lên Facebook hoặc blog. Từ đó, những tác phẩm của cô đã gây chú ý với nhiếp ảnh gia tài liệu người Philippines, ông Rick Rocamora. Và từ đó, những tác phẩm của cô đã được trưng bày khá nhiều trên các tờ báo danh tiếng như New York Times hay tại cuộc trưng bày triển lãm tại Tổng lãnh sự quán Philippines ở Hồng Kông...
Và mới đây, loạt ảnh về những người phụ nữ lao động nhập cư khốn khổ của Bacani lại gây chú ý cho người dân thế giới khi nó lột tả chân thực cuộc sống của những mảnh đời éo le, vất vả. "Khi tôi gặp và nói chuyện với họ, tôi có thể cảm nhận và thấu hiểu được mọi cảm xúc mà họ đã và đang phải trải qua. Tôi không thể tin rằng trên đời lại có những người có thể làm điều đó với người khác. Chúng tôi giống nhau, đều là người lao động nhập cư. Nhưng tôi có 1 người chủ đối xử với tôi một cách tôn trọng như con người, còn với những người phụ nữ đó, họ bị đối xử quá tệ bạc", Bacani chia sẻ.
Bacani đã ghé thăm và ghi lại hình ảnh của 1 nhóm phụ nữ trong căn nhà trú ẩn của người phụ nữ lao động nhập cư bị lạm dụng. Trong ảnh: 2 người phụ nữ động viên nhau trong 1 buổi gặp gỡ ở căn nhà dành cho những người lao động nhập cư.
Hàng nghìn người lao động nhập cư phải làm việc âm thầm, lặng lẽ trong nhiều ngôi nhà ở Hồng Kông. Trong ảnh: Kuryati, 1 người lao động nhập cư đến từ Indonesia, bị buộc tội ăn trộm. Cô nằm nghỉ sau phiên xét xử căng thẳng.
Shirley bị bỏng cấp độ 3 sau khi 1 bát súp nóng đổ tràn lên vai và tay cô. Cô đã chuyển vào ngôi nhà chung dành cho những người lao động nhập cư bị lạm dụng sau khi người chủ của cô không cho cô nghỉ ốm và đột ngột chấm dứt hợp đồng. Cô đã không có việc làm suốt 6 tháng và đang đâm đơn kiện với sự trợ giúp của tổ chức Legal Aid.Vết sẹo của Shirley. Ngôi nhà chung dành cho những người lao động nhập cư bị lạm dụng vô cùng đơn sơ, thiếu thốn. Ngoài những bức ảnh về người lao động khốn khổ, Bacani còn ghi lại những hình ảnh đời thường khác tại Hồng Kông. Trong ảnh: 1 người biểu tình nằm ngủ trên đường trong cuộc biểu tình kéo dài 11 tuần liên tiếp. Một người biểu tình ghi lại hình ảnh lực lượng cảnh sát với hơi cay.
Bacani chụp lại hình ảnh phản chiếu của mình trên chiếc xe buýt ở Causeway Bay, 1 trong những khu phố đông đúc nhất Hồng Kông. Những cô gái đứng chờ phía ngoài câu lạc bộ Wild Cat ở đường Lockhart, Wan Chai, khu đèn đỏ của Hồng Kông. Bacani cho biết chính ống kính máy ảnh đã bảo vệ cô khỏi những định kiến tại thành phố, nơi những người lao động nhập cư không được coi trọng. Bacani đã từ bỏ ước mơ làm y tá của mình để 2 em có thể đi học. Cô hy vọng với niềm đam mê của mình, cô sẽ trở thành 1 phóng viên ảnh trong tương lai.