Nỗi đau quá lớn như khiến cả ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập, huyện Củ Chi, TP.HCM chìm trong tang thương. Suốt đêm, người dân trong ấp đã thức trắng chờ thi thể chàng trai tội nghiệp, vì phút giây nghĩ quẩn tự hại đời mình, được đưa về. Còn cô dâu, nhận vàng cưới, sính lễ của nhà chồng chỉ biết nức nở khi chiếc váy trắng tinh khôi còn chưa kịp mặc đã phải thay thế bằng chiếc áo tang đẫm nước mắt.
Ngày vu quy đong đầy nước mắt
Chúng tôi trở lại ấp Lào Táo Trung hai ngày sau khi vụ tự thiêu trước ngày cưới gây xôn xao xảy ra. Chàng sinh viên Ngô Vĩnh Quang, thủ phạm và cũng là nạn nhân trong vụ việc, giờ đã vĩnh viễn ra đi trong sự nuối tiếc của bà con chòm xóm. Ở ấp Lào Táo Trung hôm chúng tôi đến, cờ đại tang vẫn treo rủ nơi đầu ngõ. Hỏi đường vào nhà Quang, một người dân nhiệt tình bỏ dở công việc tình nguyện dẫn đường. Vừa đi, người này vừa chép miệng: “Tội nghiệp lắm cô chú ạ. Thằng Quang nó ngoan hiền, học giỏi mà dại dột. Ai ngờ đâu, nó lại tự hại mạng mình chỉ một ngày trước khi cưới vợ”.
Đến sát nhà nạn nhân, bầu không khí tang thương như tăng lên bội phần, khi cách đó chẳng xa, những người thân trong gia đình còn đang phải thay nhau đi bóc mấy chữ “Song Hỷ” dán hôm trước phục vụ cho lễ cưới. Bà Tho (mẹ anh Quang – PV) nghe tin có nhà báo đến hỏi thăm, liền khóc nấc lên kể: “Tôi nào biết sự thể ra sao mà đến nông nỗi này. Chỉ nghe người ta nói lại hôm đó trên đường đi làm về, thằng Quang vào thuê phòng tại khách sạn Mỹ Anh (phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM - PV) rồi đóng cửa tẩm xăng tự thiêu mình”.
Lúc đó, nhân viên khách sạn phát hiện khói đen bèn gõ cửa nhưng Quang đã chốt bên trong. Đến khi cánh cửa được phá ra, nạn nhân mới được đưa đi cấp cứu thì quá muộn. Anh Quang tử vong sau đó không lâu. Tin tức nhanh chóng lan truyền về xóm làng nơi anh sinh sống, khiến cả gia đình, làng xóm bàng hoàng. Không một ai ngờ nổi, anh lại làm điều dại dột đó ngay trước ngày hạnh phúc trọng đại của đời mình.
Có mặt trong tang lễ, bà Thiều (người bạn thân sống bên cạnh nhà bà Tho – PV) tặc lưỡi bảo: “Bình nhật, thằng Quang là đứa ngoan lắm, chẳng mấy khi làm mẹ buồn lòng. Hôm nghe tin nó gặp nạn trên Sài Gòn, tôi cũng có mặt vì bà Tho nhờ sang giúp việc bếp núc chuẩn bị đám cưới. Tôi còn nhớ hôm xảy ra sự việc (27/4), Quang có gọi điện về cho mẹ 3 lần, nhưng bà Tho đều không bắt máy vì bận công việc đằng sau nhà. Mãi đến đầu chiều không thấy con về, bà Tho còn đi lên nhà trên và gọi điện thoại lại thì Quang bảo: “Con về liền mẹ à, mẹ chờ con nha, mẹ đừng có mua cái gì hết, bông (hoa) con mua sẵn hết rồi, còn những món khác thiếu thì con về chở mẹ đi mua sau”. Trước khi cúp máy, bà Tho còn dặn đi dặn lại Quang nhớ tranh thủ về sớm, đừng có đi đâu nữa”.
Lặng người vì thương cảm, bà Thiều khẽ lấy tay quệt nước mắt trước khi kể đến đoạn bi thương: “Gần cuối buổi chiều, thấy trong người mệt mỏi, bà Tho mới vào nhà nằm ngả lưng một chút. Từ ngoài sân, chúng tôi nhìn thấy bà Tho bắt máy gọi lại cho Quang. Nhưng từ đầu dây bên kia, giọng một thanh niên lạ bắt máy. Thấy lạ, bà Tho bèn hỏi: “Anh là ai? Mà sao anh bắt máy của thằng Quang nhà tôi (?)”. Bên kia đầu dây, người đàn ông trả lời: “Tôi là công an hình sự, còn cô là ai?”. Bà Tho nghe vậy thì giật nảy mình: “Tôi là mẹ của thằng Quang, chủ cái máy điện thoại anh đang nghe”. Người cảnh sát nghe vậy thì hối thúc: “Cô lên đây gấp đi, con trai cô đang bị thương nặng lắm”. Bà Tho nghe được tin này thì khuỵu xuống ngay lập tức, lặng tiếng mà bò lết ra chỗ chồng mình đang nằm võng ở ngoài hiên. Rồi bà ấy thảng thốt kêu hết anh chị em trong nhà lên Sài Gòn coi con trai mình ra sao…”.
Đến 2h sáng ngày 28/4, thi thể của Quang mới được đưa về tới nhà. Trong cái đêm đau thương đó, gần như cả ấp Lào Táo Trung thức trắng, chia sẻ nỗi đau thương với gia đình bà Tho. Chứng kiến thi thể con trai đen kịt, co rúm lại như người bị trói, người mẹ tội nghiệp khóc rú lên, rồi ngất lịm. Bà Thiều nghẹn giọng kể: “Lúc ấy, bà Tho thương con quá nên người như mê sảng. Bà ấy gọi Quang về, rồi trách nó sao nói đi chút về liền mà rồi trở lại thế này. Ngày vu quy của một gia đình, thế là biến thành đại tang đau xót thế này, chúng tôi hàng xóm cũng cầm lòng không đặng”.
Không hờn trách nàng dâu
Trong đám tang chàng thanh niên xấu số, một người họ hàng tâm sự với chúng tôi: “Thằng Quang và vợ sắp cưới thương yêu nhau lắm. Mới bữa trước xuống nhà xúm xít, quấn quýt bên nhau đổ bánh xèo ăn, đứa thì nhặt rau đứa thì rửa rau, cười đùa vui lắm kìa. Mà bây giờ, chuyện xảy ra bất ngờ quá, ban đầu, chẳng ai tin đó là sự thật cả. Nghe nói trước ngày cưới, nó còn chở bà Tho đi chọn mua cho vợ sắp cưới rất nhiều thứ chuẩn bị cho cuộc sống sau này”.
Chúng tôi hỏi vậy thì tại sao cận kề ngày hạnh phúc, Quang lại làm điều dại dột, tẩm xăng tự thiêu kết liễu cuộc đời mình (?), người họ hàng nghe xong chậc lưỡi bảo: “Vốn dĩ bà Tho và ông Hai Son (ba của Quang - PV) là gia đình rất hạnh phúc, họ có 4 người con sống rất chan hòa với mọi người. Cha mẹ và con cái cũng hết mực yêu thương nhau. Trong số anh em, Quang là con thứ 3, học giỏi lại ngoan hiền, rất được lòng mẹ nên được cưng chiều hơn anh em khác. Chuẩn bị cho lễ cưới của nó, ông bà Hai Son còn cho tiền đi mua sính lễ như đôi bông, vòng, nhẫn… hết gần 80 triệu lận. Chuyện đau lòng xảy ra ngay trước ngày vu quy thế này, nghe đâu cũng chỉ vì thằng Quang mâu thuẫn với vợ sắp cưới mà nghĩ quẩn”.
Được biết, hôm phát tang cho Quang, người vợ sắp cưới của anh ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) cũng đến nhà chồng tương lai xin chịu tang. Hôm đó, cô vật vã than khóc, luôn miệng nói là do lỗi của mình nên Quang mới tự vẫn. “Nhưng chuyện đã lỡ rồi, gia đình mình có bới lông tìm vết thì cũng chẳng làm Quang sống lại được. Bà Tho chắc nghĩ thế, nên cũng chẳng hờn trách gì nàng dâu tương lai. Không những không gặng hỏi chuyện mâu thuẫn của hai đứa, bà còn mang rất nhiều đồ cưới mà Quang đã mua trước đó cho con dâu, đồng thời đeo vào người cô bông tai, vòng, nhẫn vàng…”, người họ hàng kể lại.
Chứng kiến cảnh tượng đó, nhiều người thắc mắc hỏi bà Tho. Người mẹ tội nghiệp nước mắt ngắn dài đáp lời: “Dù gì thì đáng lẽ ra, nó cũng chính thức làm vợ thằng Quang rồi, chỉ thiếu cái đám cưới thông báo, tiếp đãi với họ hàng, bạn bè thôi. Giờ Quang nó như vậy, ắt hẳn dưới chín suối, nó cũng thầm mong một lần được lấy vợ, nên tôi mang đồ nó sắm ra tặng cho vợ tương lai của nó thì có gì sai, coi như tôi cho nó chan hòa nỗi đau này và hạnh phúc trông chờ đã lâu”.
Những lời nói và cử chỉ bao dung của người mẹ ấy cứ ám ảnh chúng tôi mãi sau khi rời nhà Quang ra về. Chia sẻ với nỗi đau của người mẹ bất hạnh, rồi lại thầm tiếc cho Quang khi anh tự buông rơi cả hạnh phúc lẫn tương lai phía trước. Cái chết của Quang, dù với nguyên nhân gì, cũng là bài học lớn cho các bạn trẻ vừa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.