Tích cực điều trị người bị thươngĐến thời điểm 16h chiều ngày 17/1, con số các nạn nhân trong vụ sập mái nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm đã được chính quyền địa phương huyện Đồng Hỷ và lực lượng ứng cứu tại chỗ báo cáo lên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, ba nạn nhân bị tử vong ngay tại hiện trường. 51 lượt nạn nhân được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên.
Đến đầu giờ chiều, tất cả các nạn nhân đã được chuyển về các khoa để cứu chữa, trong đó khoa Chấn thương và Chỉnh hình tiếp nhận số nạn nhân đông nhất.
19 nạn nhân được điều trị tại khoa Chấn thương Chỉnh hình. 10 nạn nhân được đưa đến điều trị ở ở khoa Tim mạch. Một ca vỡ gan đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TƯ Thái Nguyên tiến hành mổ cấp cứu. Một số bệnh nhân còn lại được đưa về điều trị ở các khoa khác của bệnh viện. 3 nạn nhân tử vong đã được gia đình đưa về an táng.
Hiện trường vụ sập mái nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm (thời điểm chiều ngày 17/01/2013)Người dân chứng kiến vụ sập mái nhà thờ vào sáng 17/1 cho biết: kèm theo một tiếng động lớn, toàn bộ bê-tông tươi đổ mái vòm xây dựng nhà thờ giáo xứ Ngọc Lâm đã ụp xuống mặt đất từ độ cao hàng chục mét.
Khi đó, có nhiều công nhân đang trên mái để dàn bê-tông; dưới mặt đất (vị trí mái vòm sập) không có người; rất nhiều người dân và giáo dân từ các giáo phận khác đứng xung quanh chứng kiến sự kiện trọng đại của giáo xứ Ngọc Lâm.
“Khi khối bê-tông đổ mái vòm bị ụp xuống, tất cả các thợ xây đang làm việc bên trên cũng bị ngã xuống theo. Họ bị bê-tông vùi lấp ngay tại chỗ. Một số người đứng xem cũng bị vùi theo” – một người dân kể lại sự việc.
Người dân cho hay: việc đổ mái vòm xây dựng nhà thờ Ngọc Lâm hầu hết được tiến hành theo phương pháp thủ công. Ngoài những máy móc làm nhiệm vụ trộn bê-tông, bê-tông được người dân chuyền tay, xách bằng xô, tời tay, ròng rọc… để đưa lên vị trí đổ mái ở độ cao khoảng chục mét.
Tìm kiếm, cứu trợ người bị nạn.Ba nạn nhân bị tử vong ngay tại hiện trường trước khi được chuyển đến viện cấp cứu. Gia đình người xấu số đã tiến hành tổ chức tang lễ cho người thân.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, các Sở, ban ngành, đoàn thể, Công an tỉnh, Mặt trận Tổ quốc… tỉnh Thái Nguyên đã có mặt ngay sau khi xảy ra sự việc. Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long đã chỉ đạo các ban ngành tập trung nhân lực và trang thiết bị cứu chữa người bị nạn.
Đối với các trưởng hợp tử vong, trước mắt Thái Nguyên hỗ trợ cho gia đình người bị nạn 7 triệu đồng/trường hợp. Các nạn nhân bị thương đang được điều trị, Thái Nguyên hỗ trợ, thăm hỏi động viên 2 triệu đồng/ trường hợp.
Hiện trường ngổn ngangTrong cái lạnh của đợt rét tăng cường, cùng với cơn mưa lây rây trong cả ngày 17/01, hàng ngàn cán bộ công an, y-bác sỹ của bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo các cấp chính quyền Thái Nguyên… vẫn có mặt tại hiện trường vụ sập mái nhà thờ để tích cực tìm kiếm, cứu người bị nạn.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên ngay trong buổi sáng 17/1 đã chỉ đạo tập trung tối đa nhân lực, trang thiết bị… phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ. Đến khoảng hơn 11h, những nạn nhân đầu tiên đã được đưa ra khỏi đống bê-tông vùi lấp. Các bác sỹ có mặt tại hiện trường tiến hành sơ cứu ban đầu, sau đó xe cứu thương đưa nạn nhân về bệnh viện Đa khoa để cấp cứu, khám chữa.
Đến khoảng 15h chiều cùng ngày, nạn nhân cuối cùng đã được tìm kiếm và đưa đi cấp cứu. Hiện trường sau vụ sập tại công trường xây dựng là cảnh hỗn độn bởi đất đá, bê-tông, giàn giáo, cột chống… chồng chất.
Hầu như toàn bộ khối sắt giằng dùng để đổ mái vòm của nhà thờ đã bị sập đổ. Để phục vụ công tác tìm kiếm người bị nạn, giàn giáo, cột chống… cũng đã được di dời ra khỏi công trường.
Nhà thờ Ngọc Lâm được tiến hành xây dựng từ khoảng tháng 10/2012. Công trình được xây dựng chủ yếu từ sự đóng góp của bà con giáo họ cả vật chất, lao động và tinh thần. Lực lượng xây dựng cũng là người trong giáo họ và các giáo dân trong giáo xứ.