Với những bạn thường đi xem chương trình ca nhạc, hoặc tích cực tham gia trong các fans club (FC) mà có dịp đến tận sân khấu cổ vũ, thì chắc chắn sẽ thấy vô cùng quen mặt với nhân vật đặc biệt này.
Anh là người thường xuyên loay hoay và đi loanh quanh ở khu vực khán giả để giải quyết các vấn đề của fan. Đặc biệt trong những dịp có nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam, anh chắc chắn có mặt ở mọi chỗ mà fan và nghệ sĩ có thể tới. Điển hình là tại các sự kiện của Big Bang, JYJ, Super Junior,... trước đó. Hay gần đây nhất là khi nhóm nhạc 2NE1 đến TP.HCM vào tháng 8 vừa rồi, anh là người đã đến sân bay rất sớm để ổn định và điều động fan giữ trật tự, tạo rào chắn và làm mọi thứ để bảo vệ thần tượng của các bạn, cũng như giữ hình ảnh đẹp của fan Việt trong mắt nghệ sĩ quốc tế.
Anh luôn là người đến sớm nhất để điều động fan giữ trật tự mỗi khi chào đón thần tượng của mình.
Anh có mặt ở bất cứ nơi nào mà fan và nghệ sĩ có mặt để đảm bảo an ninh, an toàn cho fans.
Những lần đón sao ngoại tới anh Cường cũng luôn có mặt.
Không chỉ có vậy, hiện nay, hầu hết các trưởng FC tại khu vực miền Nam nói chung và nhiều khu vực khác nói riêng, phần lớn đều biết anh Phạm Quốc Cường như là một người chịu trách nhiệm sắp xếp, tạo cầu nối giữa các FC với nhau mỗi khi tham gia các chương trình của nghệ sĩ tổ chức.
Đặc biệt hơn, với những nhà tổ chức, sản xuất chương trình họ lại biết đến anh như một "ông bầu" tạo ra bầu không khí hào hứng trong các show của họ. Bằng sự có mặt của đông đảo khán giả, cùng những tràng vỗ tay suốt buổi ghi hình.
Nghe thì khá lạ lẫm và khó hình dung, nhưng tất cả những điều trên đã nói lên được toàn bộ tính chất công việc mà hiện anh Phạm Quốc Cường đang đảm nhận. Một công việc rất lạ mà gần như ở Việt Nam hiện nay anh là người sẵn sàng dám thử, dám làm, mà còn có hẳn cho mình một công ty - nơi chuyên cung cấp khán giả đến xem, vỗ tay thuê, bán vé, cùng nhiều dịch vụ sân khấu khác.
Đó chính là anh Phạm Quốc Cường, một người đã khá quen mặt đối với các bạn fan hoạt động sôi nổi ở TP.HCM và vài khu vực khác.
Công ty "vỗ tay thuê"
Con đường dẫn anh Phạm Quốc Cường đến với công việc đầy lạ lẫm đến hơi khó hiểu này là từ gần 10 năm về trước. Khi đó anh chỉ mới 8 tuổi, nhưng đã một mình lăn lộn ở các gánh hát, làm công việc hậu cần, đi bán vé và đủ việc lặt vặt liên quan đến sân khấu. Trong đó, việc chính của anh vẫn là đi xin vé ở các chương trình rồi phân phát cho những người muốn xem, như là việc để hỗ trợ chương trình và giúp những người yêu văn nghệ có cơ hội được xem miễn phí.
Thời gian đầu với anh khá khó khăn, trắc trở và vô cùng vất vả, khi: "một thằng nhóc lôm côm, lạ hoắc, ăn mặc thì nhếch nhác tới xin vé, bạn thử nghĩ coi có ai mà cho!? Nhưng Cường nghĩ chứ giờ không làm thì không được, phải kiếm cơm nữa chứ, nên cứ có chương trình là lại đến xin. Nhiều lần như thế, cộng với việc trước khi lấy vé, Cường thường hứa sẽ đảm bảo với họ việc giữ lượng vé đưa ra sao cho tốt nhất có thể, để tạo niềm tin. Cố gắng hết sức mình, lần nào Cường cũng giữ được uy tín, nên dần dần có mối và bán được nhiều hơn" - anh chia sẻ.
Từ công việc phân phát vé này, anh bắt đầu có nhiều mối quan hệ với khán giả. Thỉnh thoảng một số chương trình cần người đến tham gia hỗ trợ công tác ghi hình, anh đều có ngay một danh sách dài từ vài chục người, đến vài trăm người sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào.
Anh từng làm mọi công việc hậu cần để học hỏi kinh nghiệm
"Có được cái danh sách ấy cũng không phải dễ. Hồi xưa mình đi bán vé không phải sướng như bây giờ, là ngồi một chỗ cho khách tự vác thân tới rồi bán. Mà Cường phải đạp bằng chiếc xe lộc cộc, tới gõ cửa từng nhà. Không có điều kiện mua điện thoại di động Cường phải xin lại số điện thoại bàn, địa chỉ nhà của khán giả để tiện việc giao vé hay cần thì tới gặp" - anh cho biết. Ngày qua ngày, năm qua năm, tự khắc bảng danh sách khán giả ấy của anh càng lúc càng nhiều. Đến lúc chỉ cần có nhà đài hay ông bầu nào yêu cầu cần bao nhiêu khán giả đến hỗ trợ, là anh liền đi thương lượng, dặn trước lịch trình. Ai đi được thì anh đánh dấu lưu lại rồi tập trung mọi người cùng nhau tham gia.
Được một thời gian khá dài chuyên "cung cấp" khán giả như thế, cùng với sự thay đổi, yêu cầu khắt khe và chi tiết hơn của các chương trình truyền hình sau này. Anh Quốc Cường bắt đầu mở rộng dịch vụ của mình, thêm vào đó là những khán giả không chỉ đến xem, mà họ còn biết tạo bầu không khí sôi nổi bằng những tràng vỗ tay cổ động của mình để chương trình khi lên hình sẽ có cảm giác hấp dẫn và rộn ràng hơn.
Hình ảnh một người đàn ông đi loanh quanh khu vực khán giả đã khá quen thuộc với nhiều người mỗi khi đi xem chương trình ở TP.HCM.
Nhưng khi được hỏi, việc làm này liệu có phải là lừa người xem, hay phải chăng các chương trình không đủ cuốn hút nên mới cần dùng chiêu "lôi kéo" khán giả đến cổ vũ không, thì anh Cường chia sẻ: "Cái này không phải là chuyện "chiêu trò" hay chương trình không đủ hấp dẫn. Mà đó chỉ là một mẹo nhỏ để làm tăng hiệu ứng và độ "nóng" của chương trình khi lên sóng. Nó giúp khán giả khi xem tại nhà có thể cảm nhận được không khí ở ngay trường quay, kích thích sự hào hứng hơn. Không chỉ ở Việt Nam, mà hầu hết ở các nước khác từ Âu đến Á cũng dùng cách này khi quay các chương trình truyền hình. Nhưng tất nhiên, chỉ những chương trình nào cần phải ghi hình trước mà không được quảng cáo, truyền vé ra ngoài để mọi người biết cách đến xem thì mới cần đến khán giả "thuê" hay cần đến sự hỗ trợ về mặt âm thanh như thế này.
Ngoài ra, khán giả ở đây Cường phân rõ ra 3 dạng. Một dạng là các bạn fan thật sự của các nghệ sĩ, các bạn sẵn sàng bỏ tiền mua vé để đến ủng hộ chương trình. Với các bạn fan này thì Cường chỉ có trách nghiệm thông báo, sắp xếp chỗ ngồi để các bạn đến một cách trật tự. Còn việc có vỗ tay, cổ vũ hay không thì tùy các bạn cảm thấy chương trình hay hoặc dở, chứ Cường không bắt ép.
Một bản sơ đồ hình dung công việc sắp xếp, điều động fan của anh Cường trong show The Voice mùa đầu tiên.
Dạng thứ 2 là khán giả bình thường muốn đến xem thì cũng giống các bạn fan, Cường phụ thu một ít phí dựa trên số vé, ngoài ra không có yêu cầu gì thêm.
Chỉ có những khán giả muốn được đến xem và "làm việc", tạo bầu không khí thì mới chịu sự sắp xếp và điều động từ Cường mà thôi. Các bạn này sau khi làm xong sẽ được trả một ít phí tùy vào thời gian các bạn đến, và tùy tính chất của chương trình. Trung bình là 20.000 - 30.000/giờ.
Nhưng là ai thì Cường cũng tôn trọng như nhau. Vì các bạn đã bỏ thời gian đến xem chương trình, đã ủng hộ những người nghệ sĩ và đã làm việc cho Cường nên Cường phải luôn đảm bảo mọi quyền lợi tốt nhất cho các bạn. Quan trọng là giữ được hình ảnh đẹp của fan Việt trong mắt các nghệ sĩ trong nước lẫn quốc tế".
Đây là điều mà anh Cường đã tự mình học được sau một khoảng thời gian dài "lăn lộn" ở khắp các sân khấu, phim trường trong lẫn ngoài nước. Nhiều lần anh đã sang Singapore, Thái hoặc thậm chí là Hàn Quốc để học cách họ sắp xếp sân khấu, ghi hình thế nào là tốt nhất để về áp dụng tại nước nhà. Nhưng vì ở Việt Nam ngành này vẫn chưa được phát triển nhiều, toàn phải tự học, nên vẫn còn lắm khó khăn. Điển hình là do khán giả đôi khi không hiểu rõ tính chất công việc của anh, nên thỉnh thoảng dẫn đến tranh chấp, xô xát vì chỗ ngồi, nhưng không quá nghiêm trọng. Đây cũng là một trong những nỗi khổ tâm lớn nhất của anh Cường khi làm công việc này "vì khó để ai hiểu được việc mình làm".
Vài khoảnh khắc thư giãn và vui đùa của anh Cường cùng các nghệ sĩ Việt sau sân khấu.
Dù khó khăn nhưng anh đã không từ bỏ, đến nay anh Cường đã có trong tay hơn 25.000 khán giả với đủ mọi lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, trẻ con đến người lớn từ khi anh chuyển hướng thành lập hẳn một cộng đồng fan Việt. "Công việc này của Cường phải cần rất nhiều người. Nên sẽ tốt hơn nếu mình có hẳn một cộng đồng để mọi người chủ động và sẵn sàng bất cứ lúc nào mình cần" - anh Cường cho biết.
Anh Quốc Cường dành rất nhiều tâm huyết và tình cảm của mình vào cộng đồng fans tại Việt Nam. Nên anh chủ yếu làm việc từ tâm và muốn đóng góp một chút công sức nào đó cho các bạn. Với anh Cường: "Việc kinh doanh và làm cho fans là hai chuyện hoàn toàn khác nhau và được phân chia rõ ràng". Anh chưa bao giờ làm lẫn lộn chuyện kinh doanh, lấy lợi nhuận hay chèn ép các bạn fans từ việc bán vé, mà luôn hỗ trợ hết sức có thể. Ở một số chương trình anh gần như tặng vé miễn phí, một số khác thì anh phụ thu thêm ít phí, để có nguồn tiền duy trì cộng đồng FansViet, "chứ anh không hề muốn bán vé lấy lời từ fans" - anh chia sẻ.
Còn việc kinh doanh anh lấy lợi nhuận chủ yếu từ việc sản xuất các dụng cụ sân khấu, cổ động mà thời gian sau này anh mới cho vào hoạt động.
Một nghị lực lớn
Hiện có trong tay một công ty lớn với mức vốn gần 2 tỷ và một cộng đồng lớn mạnh, là người "gom" hầu hết khán đài của các chương trình lớn ở Việt Nam như: The Voice, X-factor, Cùng nhau tỏa sáng, Vietnam Idol, So you think you can dance,... Nhưng ít ai nghĩ tới việc anh là một đứa trẻ mồ côi, một mình nay đây mai đó học hỏi mọi thứ có thể. "Cường không học nhiều ở trường lớp, nhưng Cường học từ những cái mình tự trải qua trong công việc hay trong cuộc đời. Vì thế Cường có thể học mỗi ngày, mỗi giờ và bất cứ lúc nào". Hiện anh còn đang dành thêm thời gian học tiếng Anh để có thể phát triển thêm công việc của mình. Anh cũng muốn được đi nhiều quốc gia hơn để học được cách mà họ sắp xếp sân khấu, điều động người ra sao.
Anh là người thường hay tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện để chia sẻ với mọi người.
Tính anh Cường vô cùng lạc quan và vui vẻ. Anh chia sẻ mình rất thích chụp ảnh tự sướng và up hết chúng lên Facebook của mình để lưu lại những khoảnh khắc trong công việc mà mình đang làm.
Không chỉ thế, anh còn đang mắc trong người căn bệnh u não mà đôi khi khiến anh cảm thấy vô cùng khó chịu và đau đầu. Nhưng bằng nghị lực sống, không thích sự thương hại hay lấy bệnh tật ra làm cái cớ cho sự thua kém của mình. Anh Cường vẫn cứ luôn lạc quan, lúc nào cũng làm việc hết sức mình dù chỉ là người đứng sau sân khấu. Nhưng ít ai biết được, sự thành công của những chương trình đó, một phần là nhờ vào người đàn ông nhỏ nhắn, cứ chỉ thích "chạy loanh quanh" sau sân khấu và dưới khán đài này.