CEO Đặng Việt Dũng: "Uber giúp giảm ùn tắc chứ đâu có tăng!"

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 29/10/2015
Chia sẻ

"Cung và cầu giao thông được điều tiết khoa học hơn nhờ công nghệ, lượng xe chạy rỗng ít hơn, như vậy là Uber giúp giảm ùn tắc chứ đâu có tăng!", Giám đốc Uber Việt Nam khẳng định.

Vừa qua, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các đơn vị chức năng tạm dừng hoạt động phương tiện taxi không phù hiệu, tem mào của Uber và Grab nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng với taxi truyền thống.

Lý do mà Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra là hiện nay Uber và Grab taxi sử dụng xe không biển hiệu, logo, tem mào. Điều này trái với các quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông. Hiệp hội này cho rằng taxi Uber và Grab tự đặt ra giá vận chuyển và không có sự quản lý của Nhà nước, thậm chí có thể tăng giá tùy từng thời điểm, không phù hợp với Luật giá và không đảm bảo quyền lợi khách hàng.

296b13560f482689e12779d7949c36d1-1443587255913-ce888
Taxi Uber và Grab được cho là đã khiến taxi truyền thống gặp khó khăn.

Theo ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiện nay Uber và Grab tham gia hoạt động vận chuyển hành khách sử dụng xe không biển hiệu, logo, tem mào, điều này là trái với các quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông.

Trước thông tin này, phần lớn người dân cho biết họ vẫn cảm thấy hài lòng với mô hình dịch vụ của Uber và Grab taxi. Chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với anh Đặng Việt Dũng - Giám đốc điều hành Uber Việt Nam để làm rõ các vấn đề này.

1. Thưa anh Dũng, về việc Hiệp hội vận tải cho rằng taxi Uber gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông, cụ thể tại các tuyến phố cấm taxi nhưng Uber vẫn hoạt động tự do gây nên ùn tắc, ông nghĩ gì về điều này?

Nhờ ứng dụng công nghệ, đối tác lái xe Uber có thể biết trước nơi có yêu cầu xe và đi đến thẳng địa điểm đón, thay vì đi lòng vòng tìm khách và đón khách gây ùn tắc giao thông. Hành khách giờ đây có thêm lựa chọn di chuyển an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý. Bằng cách sử dụng Uber, các đối tác vận tải của chúng tôi còn có thể tối đa hóa năng suất sử dụng đội xe của họ, thực hiện được nhiều chuyến đi hơn và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp, đồng thời cho phép hành khách được hưởng mức giá công bằng hơn trong bối cảnh giá nhiên liệu đang có xu hướng hạ nhiệt. Ứng dụng Uber giúp cung đáp ứng cầu một cách hoàn hảo nhằm tối đa hóa các nguồn lực sẵn có, phục vụ cho lợi ích của cả hành khách lẫn tài xế

Hơn nữa, Uber cũng yêu cầu các đối tác lái xe của mình phải tuân thủ luật giao thông một cách nghiêm túc, tránh các trường hợp vi phạm quy định giao thông để đảm bảo an toàn cho cả hành khách và đối tác lái xe. Cung và cầu giao thông được điều tiết khoa học hơn nhờ công nghệ, lượng xe chạy rỗng ít hơn, như vậy là Uber giúp giảm ùn tắc chứ đâu có tăng, như vậy là tiến bộ.

hoi-ceo-dang-viet-dung-tu-az-ve-uber-viet-nam-ce888
Anh Đặng Việt Dũng - Giám đốc điều hành Uber Việt Nam.

2. Vì sao có ý kiến cho rằng Uber đang phá hủy kinh tế, khiến các hãng vận tải rơi vào khó khăn vì sự cạnh tranh không công bằng?

Vì đây là một mô hình kinh doanh còn khá mới mẻ nên chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng cần có thêm thời gian để mọi người có thể nhìn nhận một cách đầy đủ và khách quan hơn những lợi ích mà công nghệ Uber đã và đang mang lại cho xã hội và người tiêu dùng. Uber cũng mong muốn có cơ hội được trình bày về mô hình kinh doanh của chúng tôi và những lợi ích nói trên một cách thấu đáo nhất. Chúng tôi cạnh tranh công bằng, và cạnh tranh là cần thiết cho sự phát triển và tiến bộ của nền kinh tế.

3. Hiện tại khách hàng đang hoang mang với kiến nghị của Hiệp hội vận tải, liệu trong tương lai, giá cước của Uber có bị điều chỉnh không? Người sử dụng dịch vụ Uber có gặp rắc rối nếu cơ quan chức năng đột ngột muốn dừng phương tiện để kiểm tra?


Tại Việt Nam, Uber cam kết tất cả các đối tác đã được cấp phép của chúng tôi phải tuân thủ 100% quy định trong Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT. Liên quan đến yêu cầu hợp đồng vận tải bằng giấy được ký kết giữa hành khách và tài xế cũng như danh sách các hành khách đi xe, Uber đã có cuộc thảo luận với Bộ Giao thông Vận tải về việc sử dụng hợp đồng điện tử thay thế. Tất cả các hợp đồng, hóa đơn và thông tin hành khách đều được lưu trữ điện tử. Việc sử dụng hợp đồng và các văn bản thỏa thuận điện tử tận dụng tối đa tính ưu việt của công nghệ, thân thiện với người dùng, tiết kiệm chi phí theo đúng định hướng của Chính Phủ về việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách thủ tục hành chính. Bộ Giao Thông Vận Tải cũng đã có những phản hồi rất tích cực về kiến nghị này.

Uber sẽ không tiếp tay cho những hành vi phạm pháp, và những đối tác có biểu hiện “lách luật” sẽ bị loại khỏi mạng lưới của Uber.

4. Giá cước Uber đang thấp một cách bất ngờ, điều này có gây thiệt thòi cho các đối tác lái xe không? Chiến lược của Uber có phải là sẽ chiếm thị phần trước, sau đó mới tiến đến chuyện tăng giá dịch vụ?


Mục tiêu của chúng tôi là thông qua công nghệ mang tính đột phá của mình giúp cho cung gặp cầu và tăng hiệu suất sử dụng xe lên đến 80% - 90%. Điều này có nghĩa các đối tác lái xe của Uber thực hiện nhiều chuyến đi hơn, tăng thu nhập và có thể đảm bảo giá cước hợp lý mà vẫn có thể đạt được nguồn thu nhập ổn định.

Về mức chi phí của dịch vụ, nhờ có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm giảm thiểu đáng kể chi phí cho các hoạt động này. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, tại những thành phố trong khối Đông Nam Á có mức thu nhập đầu người tương tự hoặc cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh, mức cước phí taxi rẻ hơn rất nhiều: cước phí trung bình cho 1km đi taxi ở Bangkok là 4.500VNĐ, ở Manila là 5.600VNĐ, ở Jakarta là 7.200VNĐ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mức cước phí taxi cho một km lên đến 17.000đ/km.

Một trong những điểm khác biệt của các dịch vụ vận tải ở các nước này là họ sử dụng triệt để công nghệ trong hoạt động quản lý và vận hành dịch vụ. Công nghệ của Uber cũng vậy, luôn hướng tới giảm thiểu chi phí quản lý và vận hành, trong khi chú trọng vào nâng cao dịch vụ và an toàn để đảm bảo giá trị bền vững cho cộng đồng.

5. Mật độ khách hàng sử dụng taxi Uber tại hai thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội trong thời gian qua có gì thay đổi? Nhu cầu người sử dụng dịch vụ này có đang tăng dần đều?

Từ khi ra mắt vào năm 2014, chúng tôi đã giúp giảm thời gian chờ xe trung bình cho mỗi chuyến đi xuống chỉ còn 4 phút, và nhận được yêu cầu gọi xe cứ mỗi 5 giây. Đó là cách chúng tôi đo lường thành công của mình. Khi người dùng dễ dàng có được những chuyến đi an toàn, đáng tin cậy chỉ với một thao tác chạm và vài phút chờ xe, dù là vào lúc nào hay ở bất cứ đâu trong thành phố. Uber đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt từ cộng đồng hành khách và tài xế ở cả 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM.

chi2-7084-1436169717-ce888

6. Quy trình tuyển chọn tài xế và niên hạn sử dụng phương tiện của tài xế Uber được kiểm soát như thế nào thưa anh?

Chúng tôi luôn yêu cầu đối tác lái xe cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan một cách đầy đủ và chu đáo nhất. Lộ trình tuyển chọn đối tác luôn diễn ra rất nghiêm ngặt, bao gồm phỏng vấn trực tiếp, rà soát lý lịch và kiểm tra hình sự. Mỗi đối tác tham gia Uber cũng sẽ trải qua một chương trình giới thiệu và tập huấn được biết đến tại Uber với tên gọi "On-boarding" để đảm bảo họ có thể đem lại dịch vụ tốt đến hành khách.

Để đem lại dịch vụ tốt nhất, tại Việt Nam, Uber đã hợp tác với các đối tác doanh nghiệp vận tải đạt đầy đủ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và được công nhận bởi chính phủ.

7. Không được nhà chức trách đồng thuận, Uber sẽ có hướng phát triển thế nào ở thị trường Việt Nam để vượt qua những thách thức đó, mang đến một mô hình dịch vụ hoàn hảo cho người dân trong tương lai?


Chúng tôi đã và vẫn tiếp tục nỗ lực hợp tác với các cơ quan chính phủ để có cơ hội được trình bày về mô hình kinh doanh của chúng tôi và những lợi ích mà công nghệ của chúng tôi có thể mang lại cho người dân, du khách và những thành phố mà chúng tôi hiện đang có mặt. Chính phủ cũng có những quan điểm tích cực về sự đổ bộ của công nghệ. Ví dụ như, Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết ông đồng ý với báo cáo và đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, giúp tạo điều kiện cho Uber hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Gần đây, Uber cũng đã chủ động đề xuất đến Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam về chương trình thí điểm nhằm bổ sung khung pháp lý mới cho dịch vụ mạng lưới vận tải tại Việt Nam. Một khi hệ thống giao thông tân tiến được thiết lập và vận hành trong khuôn khổ pháp lý tiến bộ, nhà quản lý sẽ dễ dàng kiểm soát hoạt động của các dịch vụ vận tải, xây dựng phương án vận hành bền vững để tạo cơ hội cho sự phát triển của các công nghệ mới. Và quan trọng hơn hết, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn an toàn hơn, tiện lợi hơn, tài xế và doanh nghiệp vận tải sẽ có thêm nhiều việc làm, và các thành phố sẽ ngày một tốt đẹp hơn.

Cảm ơn anh Đặng Việt Dũng về cuộc trò chuyện.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày