Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc?

Linh Linh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 22/10/2013

Cầu vượt nhẹ Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt thông xe, khiến các phương tiện giao thông đi qua nút này vèo vèo. Nhưng ngay sau đó, thì họ lại méo mặt vì ùn tắc tại nút giao thông kế tiếp: Hầm Kim Liên - Xã Đàn.

Ngày 5/10 vừa qua, cầu vượt bằng thép lớn nhất Việt Nam tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã đã thông xe và đưa vào sử dụng, chào mừng sự kiện Giải phóng Thủ đô.

Trước đó, ngày 30/8, cây cầu vượt khung thép tại ngã tư nút giao đường Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt đã chính thức thông xe.

Như vậy, 7 cây cầu vượt lắp ghép dành cho xe cơ giới trên địa bàn Hà Nội đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012 đến nay nhằm mục tiêu giảm ùn tắc tại các "điểm nóng giao thông" của thành phố. Các cây cầu vượt trước đó Hà Nội đưa vào khai thác ở các nút giao Thái Hà - Chùa Bộc - Tây Sơn, Láng - Lê Văn Lương, Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà - Láng Hạ, Nam Hồng - Mai Dịch - Nội Bài.

Hiệu quả thấy rõ là, sau khi các cây cầu vượt nhẹ được đưa vào sử dụng, ùn tắc tại một số tuyến phố nơi cầu bắc qua đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thời gian gần đây những cây cầu vượt này đã bộc lộ một số khiếm khuyết cần được khắc phục.
 
Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 1
Cầu vượt nhẹ tại nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt

Nhược điểm dễ nhận thấy nhất đầu tiên tại các cây cầu vượt này là dù có tác dụng chống ùn tắc thật sự nhưng hiệu quả dường như không được triệt để, vì chỉ giúp thông thoáng cho những tuyến đường có lối lên - xuống cầu, trong khi đó, hướng còn lại vẫn xảy ra ùn tắc.

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 2
Phố Xã Đàn giờ cao điểm

Theo ghi nhận của chúng tôi tại điểm giao thông hầm Kim Liên – Xã Đàn, vào giờ cao điểm buổi chiều thường xuyên xảy ra ùn tắc, thời gian ùn tắc kéo dài lâu hơn từ khi cầu vượt Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt thông tuyến và đưa vào sử dụng. Trước đó, tại điểm nút này đã thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, tuy nhiên không ùn tắc nghiêm trọng và kéo dài như hiện nay. Thậm chí, các phương tiện lưu thông hướng Đại Cồ Việt – Xã Đàn còn bị ùn tắc dưới hầm Kim Liên. Trong khi đó, hướng ngược lại thì hoàn toàn thông thoáng.

Chị Hoàng Minh Huyền (ở Hoàng Cầu - Hà Nội) cho biết: "Ngày nào tôi cũng đi làm qua tuyến đường Xã Đàn - Đại Cồ Việt. Từ khi xây cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, buổi sáng tôi đi làm thì không sao, nhưng buổi chiều về thì khu vực dưới hầm chui Kim Liên nhiều hôm tắc cứng, xe chen kín từ đầu này sang đầu kia của hầm".

Cũng qua lại tuyến đường này hàng ngày, anh Vũ Công Sơn (ở Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: "Từ khi có cầu vượt lắp ghép trên đường Đại Cồ Việt, buổi chiều tôi đi làm về mất thêm khoảng 10 phút so với trước đó. Nguyên nhân là thường xuyên bị tắc ở chỗ hầm chui Kim Liên. Hầm này xây dựng để xe cộ qua nhanh hơn, nhưng nay lại thành điểm ùn tắc. Có hôm tôi không đi dưới hầm mà đi ở đường phía trên nhưng "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", đoạn đường phía trên cũng tắc tương tự. Trong khi đó, tôi thấy chiều đường ngược lại đi từ Xã Đàn sang Đại Cồ Việt vẫn thoáng, xe cộ đi lại bình thường".

Nhiều người dân thường xuyên di chuyển, đi làm qua khu vực Xã Đàn - Đại Cồ Việt khi trả lời chúng tôi cũng đều phản ánh hiện tượng khu vực hầm chui Kim Liên thời gian gần đây thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ tan tầm, điều rất hiếm xảy ra trước đây, mặc dù số lượng phương tiện đi qua khu vực này không có thay đổi đột biến nào.

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 3
Hình ảnh hầm Kim Liên giờ cao điểm

Trả lời chúng tôi, nhiều chuyên gia cầu đường, kiến trúc đã đưa ra lý giải về hiện tượng này. Các tuyến đường có cầu vượt bắc qua đã thông thoáng hơn nhiều, nhưng các điểm nút kế tiếp lại xảy ra ùn tắc nghiêm trọng hơn. Hay nói cách khác, khi dòng phương tiện qua các điểm nút có cầu vượt được lưu thông nhanh, thì những điểm kế tiếp sẽ rơi vào tình trạng ùn tắc.

Tiến sĩ Hồ Tuấn Sỹ, chuyên gia cầu đường, cho rằng: "Theo nguyên tắc, khi đặt một cây cầu vượt tại một ngã tư, dòng phương tiện theo một chiều sẽ không bị xung đột, do đó tốc độ lưu thông qua nút giao sẽ tăng lên, số điểm xung đột giảm xuống, nên bài toán ùn tắc giao thông tại nút đó coi như được giải quyết. Tuy vậy, dòng xe này sẽ chạy nhanh hơn đến một ngã ba, hoặc một ngã tư kế tiếp, và khi đó, nút giao kế tiếp sẽ chịu áp lực giao thông lớn hơn thường lệ, và ùn tắc giao thông tại nút giao đó sẽ trở nên quá tải. Điều này đã thể hiện rõ tại các nút giao thông kế tiếp nút có xây dựng cầu vượt lắp ghép đã đưa vào sử dụng ở Hà Nội".

Cùng chung quan điểm như trên, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch kiến trúc Hà Nội, phân tích: "Vừa qua, tại một số ngã tư, điểm giao cắt có cầu vượt nhẹ, tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể. Nhưng tình trạng ùn tắc lại xuất hiện ở những điểm giao cắt, nút giao thông khác, thường là điểm kế tiếp với ngã tư có cầu vượt nhẹ. Điều này hoàn toàn không tránh được và có thể giải thích một cách logic: Khi lưu lượng giao thông thoát qua ngã tư có cầu vượt nhẹ nhanh hơn bình thường thì sẽ làm gia tăng lưu lượng, mật độ và cường độ phương tiện tại điểm giao cắt kế tiếp, dẫn tới ùn tắc".

Một số hình ảnh giao thông ùn tắc tại khu vực hầm Kim Liên - đường Xã Đàn sau khi cầu vượt lắp ghép nút Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt đưa vào sử dụng:

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 4

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 5
Phương tiện đông đúc tại phố Xã Đàn vào giờ cao điểm

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 6

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 7
Nhiều người phải đi lên vỉa hè để thoát ùn tắc

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 8
Từ khi cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân đưa vào sử dung, điểm nút Kim Liên - Xã Đàn ùn tắc giao thông nghiêm trọng và kéo dài hơn vào giờ cao điểm

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 9

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 10
Giao thông hỗn loạn trên phố Xã Đàn

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 11
Phương tiện dồn ứ, nguyên nhân được cho là do điểm nút Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Phố Huế các phương tiện được lưu thông nhanh hơn.

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 12

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 13

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 14
Dưới hầm Kim Liên đông đúc các phương tiện lưu thông theo hướng Đại Cồ Việt - Xã Đàn

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 15
Các phương tiện chôn chân dưới hầm Kim Liên

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 16
Dòng xe cộ nhích từng centimet vào giờ cao điểm

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 17

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 18
Tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng và kéo dài hơn tại phố Xã Đàn

Cầu vượt nhẹ giúp thông nhanh, nhưng càng thông lại càng tắc? 19
Dưới hầm Kim Liên, hướng từ Đại Cồ Việt đi Xã Đàn thường xuyên ùn tắc, trong khi đó hướng ngược lại rất thông thoáng.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày