Đó là vợ chồng ông Nguyễn Minh Lý (cùng 65 tuổi, ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), người Gành Hòa quen gọi là Tư Lý. Năm 1983, ông bà thôi công chức nhà nước để về Gành Hào sinh sống. Thấy gia đình ông chưa có nơi ở, lại có nghề thuốc nên công ty Thủy sản Gành Hào cho mượn căn nhà, vừa để ở, vừa chăm sóc sức khỏe cho công nhân. Vợ ông Tư Lý làm bà mụ vườn (đỡ đẻ), còn ông thì bắt mạch, hốt thuốc, trị bệnh kết hợp đông - tây y.
Một buổi tối, vợ chồng ông nghe tiếng trẻ khóc oe oe ngoài sân. Mở cửa thì thấy một bé gái gói trong giấy với miếng băng rốn trên người. Ẵm đứa bé lên, nhìn qua màn đêm không thấy bóng người, vợ chồng ông nghĩ bụng đó là duyên số nên đưa đứa bé vào nhà nuôi nấng. Giờ đây bé gái ấy đã 33 tuổi.
Những người con nuôi tiếp theo đến với vợ chồng ông hết sức tình cờ: Một phụ nữ sau 4 ngày nằm sinh tại nhà đã rón rén ra đi lúc trời chưa sáng, bỏ lại đứa con đỏ hỏn.
Một đôi vợ chồng trẻ từ xứ khác về đây làm ăn, giữa đường đứa con nhỏ bị bệnh nặng. Cùng lúc đó, 2 đứa con lớn ở nhà báo cũng lâm trọng bệnh. Giữa thế tiến thoái lưỡng nan ấy, 2 vợ chồng tìm đến nhà ông Tư Lý, thập thò ngoài cửa với đứa con trên tay. Ông Tư Lý gọi vào thăm hỏi thì họ nói gửi lại đứa con, nếu đứa bé được cứu sống thì nhờ vợ chồng ông Tư xem như con, còn nếu nó yểu mạng thì cậy ông bà lo hậu sự giùm. Nói rồi, họ chạy nhanh ra khỏi nhà, nước mắt hòa cùng nước mưa.
Cứ như thế, những đứa trẻ côi cút về trú ngụ dưới mái ấm gia đình ông Tư Lý ngày một nhiều.
14 con nuôi và 4 con ruột sống chung một mái nhà, đều mang họ của ông. Trong 18 người con, trừ con gái đầu, tất cả đều có tên Thảo, dù là trai hay gái, chỉ khác nhau chữ lót. Ông Tư Lý giải thích: "Đặt tên Thảo là để các con sống phải biết chia sẻ những gì mình có cho mọi người, hẹp là trong gia đình, rộng là cộng đồng, xã hội".
Việc lo cái ăn, cái mặc cho các con rất khó khăn, nhưng ông bà quyết không để đứa nào thất học. "Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, nhưng cái chữ phải theo đến cùng", ông cho biết. Vợ chồng ông Tư Lý làm nghề y, thu nhập chẳng là bao bởi họ chủ yếu là làm phước, nên cơm cho con cái không đủ no, nhiều người bị suy dinh dưỡng. Đến bây giờ, con gái út tên Diệu Thảo tốt nghiệp THPT năm trước, người ta gọi là Rí (ngò rí) vì lúc nhỏ Diệu Thảo thiếu ăn, ốm như cọng ngò.
Nói đến Diệu Thảo, bà Tư Lý nói: "Mẹ con Rí ở gần đây thôi. Đi chợ, gặp tôi là bà ấy lấy nón lá che mặt vì ngượng. Tôi không kể cho con Rí nghe, nhưng tôi có hỏi con có muốn tìm về cha mẹ ruột không, nó trả lời không". Khi chúng tôi hỏi Diệu Thảo về điều này, câu trả lời của em là "cha mẹ em là ông bà Tư Lý". Không riêng Diệu Thảo mà nhiều người con nuôi khác cũng coi ông bà Tư Lý là cha mẹ ruột của mình. Công dưỡng bằng công sinh. Còn với ông bà, con nào cũng là con, không phân biệt con ruột hay con nuôi. Khi các con đang học THPT, mỗi tuần ông bà cho 25.000 đồng/người, ai cũng như ai.
Không đủ tiền nuôi con ăn học, vợ chồng ông quyết định bán căn nhà mà công ty Thủy sản Gành Hào đã hóa giá. Cuộc sống ăn nhờ ở đậu bắt đầu từ đó. Mấy chục năm qua, ông Tư Lý sống khổ hạnh như thầy tu. Không một lần ngồi quán cà phê, không ra tiệm cắt tóc (khi tóc dài thì nhờ vợ, con cắt). Bao nhiêu tiền kiếm được ông đều dành cho con cái.
Thấy vợ chồng ông Tư Lý ăn ở có đức nên hàng xóm và người địa phương thương tình, nể trọng. Vợ chồng ông có thể mua chịu (thiếu) gạo bao lâu trả cũng được. Gửi gạo, mắm lên Cần Thơ cho con ăn học, chủ xe không lấy tiền cước. Chủ phòng trọ này lấy lại thì đã có người khác mở lời cho mượn để làm nơi che mưa nắng. Lo không nổi việc nuôi con ăn học, ông Tư Lý nhờ bạn bè ở chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) lo giùm cho vài đứa chứ không để ai bỏ lỡ chuyện học.
Nhờ đó, con cái ông được học đến nơi đến chốn. Đã có 8 người tốt nghiệp từ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng đến đại học. Hiện ông bà Tư Lý lo nhất là ước mơ học ngành thiết kế thời trang của Diệu Thảo. Diệu Thảo khéo may vá, thích theo ngành này, nhưng cha mẹ không đủ tiền, nên sau một năm tốt nghiệp THPT, em vẫn ở nhà phụ mẹ may vá.
Chị Lê Thị Liềm, hàng xóm cũ của vợ chồng ông Tư Lý, cho biết: "Vợ chồng ông Tư toàn nuôi con người ta. Gia đình này ăn ở có đạo đức, đàng hoàng nên dân thương, góp tiền để làm nhà". Gia đình ông vừa dọn vào ở trong căn nhà 2 mái khang trang. Các bệnh nhân, người dưng gần xa, lối xóm đã mua đất, góp gần 200 triệu đồng cất nhà cho vợ chồng ông. Cả đời làm việc thiện không mong được người trả ơn, nhưng về cuối đời lại có căn nhà khang trang, vợ chồng ông cảm động rơi nước mắt. "Có mơ cũng không dám nghĩ đến", đôi vợ chồng già tâm sự.