Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm

Lê Nam, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 12/11/2013
Chia sẻ

Gia cảnh khó khăn, ngôi nhà liêu xiêu của ông Nguyễn Thanh Chấn - người vừa được trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan - tại thôn Me (Việt Yên, Bắc Giang) khiến nhiều người phải rơi nước mắt.

Những ngày này, dư luận đang quan tâm đến vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (sinh năm 1961) quê ở thôn Me, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị ngồi tù oan 10 năm và chuỗi tháng ngày vợ con ông phải oằn lưng viết đơn kêu oan cho chồng, cho cha.

Đằng sau nỗi tủi nhục, mất mát quá lớn mà ông Chấn và gia đình phải chịu đựng trong suốt một thập kỉ qua là câu chuyện đẫm nước mắt về gia cảnh khốn khó của ông mà chúng tôi muốn kể lại: "Căn nhà vách đất quá xiêu vẹo, kinh tế kiệt quệ, vợ đổ bệnh tâm thần, con cái phải bỏ học, bỏ làm để sang nước ngoài kiếm tiền “cứu” bố…".

Chúng tôi tìm đến nhà ông Chấn theo địa chỉ mà nhiều người đã biết. Từ thành phố Bắc Giang dẫn vào nhà ông Chấn có nhiều con đường, tuy nhiên theo chỉ dẫn của một người dân trong tỉnh, chúng tôi đã chọn con đường mà nếu như “không phải người ở đây thì không biết được”. Đây cũng chính là con đường mà bà Nguyễn Thị Chiến (49 tuổi, vợ ông Chấn) đã lặn lội suốt 10 năm qua tìm đến các cơ quan để kêu oan cho chồng. Con đường này cũng gập ghềnh, mấp mô sỏi đá như chính cuộc đời ông Chấn vậy.

Có mặt tại ngôi nhà của gia đình ông Chấn, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi chính là sự xơ xác đến tiêu điều. Ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa hết mệt mỏi sau mấy ngày được thả tự do, trở về gia đình.

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 1
Ông Chấn - người chịu án tù oan sau 10 năm trở về với căn nhà đơn sơ, thân thuộc.

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 2
Chỉ có điều, căn nhà đã trở nên quá cũ nát, xập xệ sau khi người trụ cột gia đình "vắng nhà".

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 3
Bên trong căn nhà của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 4
Tấm bằng "Tổ quốc ghi công" của thân phụ ông Chấn được treo trang trọng tại nhà.

Ông Nguyễn Thanh Chấn và bà Nguyễn Thị Chiến có tất cả 4 người con. Người con cả là anh Nguyễn Chí Quyết (31 tuổi), nghề nghiệp chính là làm ruộng. Từ khi ông Chấn vào tù, anh thay cha trở thành chỗ dựa chính cho mẹ và gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống cũng gặp vô vàn khó khăn. Anh Quyết sinh được 3 đứa con thì đứa đầu tiên bị viêm não Nhật Bản khi mới lên 1 tuổi. Đến nay, tuy con không còn nằm viện nhưng mỗi tháng anh Quyết đều phải lên xã lấy thuốc thuộc dạng hộ nghèo được hỗ trợ cho cháu. Anh tâm sự: "Thằng bé là Nguyễn Trung Kiên (8 tuổi). Sinh cháu năm 2005, đến đầu năm 2006 thì gia đình phát hiện cháu bị viêm não Nhật Bản, phải đi nằm viện từ lúc còn nhỏ tí. Ba năm nay, cháu vẫn học lớp 1 do chậm tiếp thu, năm nay đứa em là Nguyễn Trung Nguyên vào lớp 1 cùng anh nó. Dưới Kiên và Nguyên còn có Nguyễn Trung Nam (sinh năm 2010). Nhà đã nghèo lại đông con, kinh tế càng khó khăn".

Trước khi ông Chấn bị bắt giam 1 năm, anh Quyết vay mượn họ hàng, người thân được hơn 13 triệu đồng đầu tư mua dàn máy xay xát gạo, phục vụ nhu cầu lớn từ người làm nông trong làng, mong trang trải được một phần kinh tế gia đình. Tuy nhiên, khi những mẻ thóc đầu tiên còn chưa kịp nhận thì tai họa ập đến gia đình anh Quyết. Từ lúc bố đi tù, dân trong làng không ai đếm xỉa đến nhà anh, cho anh là "con trai kẻ giết người" nên một hạt thóc cũng không bao giờ mang đến. Suốt từ đó đến nay, toàn bộ dàn máy hơn chục triệu lúc bấy giờ có giá trị như cả một gia tài khổng lồ của người nông dân, bỗng chốc trở thành đống sắt do không được hoạt động. 

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 5

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 6
Toàn bộ dàn máy móc xay xát gạo đầu tư cả chục triệu đồng bỏ không gần 10 năm nay

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 7
Thúng mủng cũng bỏ không từ ngày ấy

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 8
Anh Quyết lặng người bên những chiếc máy mà mình bỏ nhiều tâm huyết, công sức nhưng không thu được kết quả nào.

Mấy ngày nay, khi bố trở về, anh Quyết mới quay trở lại căn phòng đó để dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc. Tất cả chỉ còn như cái vỏ trống, máy móc bên trong đã hỏng hết tất cả, thúng mủng, bao dứa vẫn trơ trọi một góc phòng như thế! Tính sơ sơ, để khôi phục dàn máy móc trên cũng mất thêm khoảng chục triệu nữa để sửa chữa. Còn mua mới thì phải chi khoảng 28 - 30 triệu đồng do giá thành bây giờ đắt hơn rất nhiều với khoảng thời gian gần 10 năm trước đây.

Bà Nguyễn Thị Mùi (hơn 70 tuổi, là chị dâu của ông Chấn) lưng đã còng, đang cõng đứa cháu, than thở với chúng tôi: "Nhà có cái gì đâu chú ơi, nghèo lắm!". Ngoài đứa cháu mà bà đang cõng, từ trong nhà, một đứa trẻ khác tầm 2 tuổi cũng bước ra, tay cầm chiếc bánh mà anh Quyết cho nhìn rất tội. Theo như lời anh Quyết chia sẻ, cháu bé đó là Nguyễn Thu Trang, chính là đứa con mọn của chị Nguyễn Thị Thu (con thứ 3 của ông Chấn). 

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 9
Bà Mùi còng lưng cõng đứa cháu, than thở: "Nhà nghèo lắm, có gì đâu chú ơi!"

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 10
Cháu Nguyễn Thu Trang (2 tuổi) là đứa con duy nhất của chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1987, con gái ông Chấn).

Kể chuyện trong nước mắt, bà Nguyễn Thị Chiến cho biết: "Trong mấy đứa con, đứa nào tôi cũng rất thương. Nhưng có lẽ thương nhất là cái Quyền (con thứ 2 của hai ông bà). Trước nó đi làm may ở công ty nhưng từ ngày bố nó vào tù, người ta dè bỉu không nhận nó làm. Thế là nó sang Đài Loan, quyết tâm kiếm tiền gửi cho gia đình. Sang bên đấy có phải lúc nào cũng gọi về được đâu. Nhưng cứ hễ đêm nào gọi về nó lại giàn giụa nước mắt bảo: "Bố chưa về thì con cũng chưa về. Cả cuộc đời của con phải cứu bố". Năm nay, ông Chấn đã trở về, có lẽ cái Quyền cũng sẽ về thôi. Nó đã 30 tuổi rồi, phải về lấy chồng chứ".

Về phần mình, bà Chiến cho biết cũng đau ốm suốt mấy năm nay. Đang điều trị ở bệnh viên tâm thần tỉnh Bắc Giang, hôm ông Chấn ra tù, bà phải trốn viện để về đón "bố nó". Hơn nữa, mấy ngày qua, gia đình phải đón quá nhiều đoàn khách, nhà báo, phóng viên... đến hỏi thăm. Đã có lần, bà Chiến phải ra tạm ngoài sân bóng hoặc ra nhà họ hàng ở nhờ chứ không về nhà được do quá đông người, bà không đủ sức khỏe tiếp chuyện. Có hôm, phóng viên đến ngồi cả buổi chỉ để gặp được ông Chấn, bà Chiến nhưng rồi cũng lại về mà không gặp được bà. 

Hỏi bà, "trong quãng thời gian 10 năm vừa qua, biết là không lúc nào bà không hết đau khổ. Tuy nhiên, có thời điểm nào bà cảm thấy kiệt quệ nhất không?". Bà Chiến nhớ lại: "Khoảng năm thứ 3, cái Quyền đưa tôi lên thăm trại rồi đêm về bị ngã xe là khoảng thời gian tôi thấy khổ sở nhất. Hôm đó, một bên chân của tôi cứa vào thành cột đèn chùm, chảy nhiều máu do vết thương quá sâu. Còn Quyền thì bất tỉnh, mấy hôm sau hồi phục lại lao vào làm luôn. Tôi thì nằm viện mất mấy tháng, tốn không biết bao nhiêu tiền của, chân cẳng lại không thể di chuyển được. May mà có chú dì luôn ở bên cạnh chăm sóc. Lúc đó mong sớm phục hồi để còn tiếp tục cứu giúp bố nó".

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 11
Bà Chiến với ánh mắt mệt mỏi; hình nhỏ là vết sẹo đùi trong một lần bà ngã xe khi lên thăm ông Chấn tại trại giam.

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 12
Ông Nguyễn Thanh Chấn mừng khi nghe điện thoại của con gái bên Đài Loan gọi về hỏi thăm.

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 13
Anh Quyết và ông Chấn đang xem lại những thứ trở thành kỷ vật

Có lẽ gia cảnh nghèo khó nhà ông Chấn, người dân trong làng không ai là không biết. Từ lúc ông Chấn trở về, bà con làng trên xóm dưới đến hỏi thăm, động viên rất nhiều. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng đến chia sẻ và ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ công việc nếu ông và gia đình có nhu cầu.

Người hạnh phúc nhất, cũng là người chịu nhiều đau khổ nhất để có ngày ông Chấn được trở về hôm nay chính là bà Chiến - người vợ tần tảo, héo mòn thân xác nhưng không phút giây nào từ bỏ ý chí kêu oan cho chồng suốt cuộc "trường chinh" kéo dài 10 năm. Tiếng cười, tiếng nói lại trở về với gia đình nghèo, trong bữa cơm đạm bạc nhưng đã tràn đầy tình yêu thương...

Cảnh sống khốn khó trong mái nhà liêu xiêu của ông Chấn sau án tù oan 10 năm 14
Bữa cơm đoàn viên tuy đạm bạc nhưng tiếng cười, tiếng nói... đã trở lại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày