Cận cảnh những công việc cực nhọc nhất trong trưa nắng Sài Gòn

Phạm An, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 06/09/2015

Trời Sài Gòn những ngày tháng 9 vẫn còn nắng nóng gay gắt, thế nhưng ngoài phố, vẫn có những người chăm chỉ làm việc dưới cái nóng như thiêu như đốt này.

13h, đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TPHCM) đã vắng người đi lại do cái nóng như đổ lửa. Con đường vắng vẻ chỉ nghe tiếng chổi xào xạc từng chập, thỉnh thoảng cô Lê Thị Kim Luyến (48 tuổi, tổ 2, đội vệ sinh dịch vụ công ích Q.5, TPHCM) dừng lại uống ngụm nước rồi tiếp tục quét theo tuyến đường Huỳnh Mẫn Đạt - Trần Hưng Đạo - Triệu Quang Phục - Hải Thượng Lãn Ông, cuối tuyến thì quét quay trở lại. 

Cứ thế cô làm từ 7h30 đến 15h40 mới hết ca trực của mình. Nhưng vì cô mới mổ thoát vị đĩa đệm nên tổ đã ưu ái dành cho cô ca trực nhẹ nhất trong ngày. Tuy nhiên, nhiều lần cô say nắng té ngã giữa đường, nhờ bà con hỗ trợ cô mới dần khỏe và tiếp tục quét đường.

6-358f0-d4c9f
Cô Luyến chia sẻ: “Nắng từ phía trên chiếu thẳng xuống, kèm theo cái nóng từ mặt đường hất lên rất khó chịu. Nhưng điều đó không làm tôi sợ bằng việc hốt rác thải ở các miệng cống, trời nóng nên mùi hực lên rất hãi, nhiều khi làm vội không để ý, hít phải mùi cống là xỉu ngay”.

Tuy có nhiều bình nước uống miễn phí trên lề đường, nhưng cô Luyến sợ người ta ngại mình quét rác nên thường mang theo bình và mua nước đá với giá 5.000 đồng. Nhưng gần đây, nhiều quán cà phê ven đường thương tình cho cô chứ không lấy tiền. Vì cuộc sống mưu sinh, vì đứa con đang ăn học, cô Luyến vẫn cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình, nhờ làm công nhân vệ sinh cô mới có thể nuôi các con ăn học để chúng có cuộc sống hạnh phúc và đỡ cơ cực hơn.

1-358f0-d4c9f
Theo cô Nhạn, ở quê cô luôn làm việc dưới trời nắng nhưng ngoài ruộng luôn có gió nên nắng không gay gắt, oi bức như ở Sài Gòn.

Đối với nhân viên dịch vụ công ích, thì các cô trong đội chăm sóc cỏ ở Phường Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM thì cũng không mát mẻ hơn. Cô Nguyễn Thị Nhạn (quê Tiền Giang) cho biết: “Tuy ở quê cô làm ruộng, thường xuyên làm ngoài nắng nhưng cũng không thể chịu nổi cái nắng ở đây. Cả ngày ngồi ngoài nắng, uống nước liên tục nhưng vẫn cảm thấy oi bức, hai bên đường xe chạy liên tục rất ồn và khói bụi. Nhiều lúc con người mình cũng cau có theo”.

Với những người chạy xe ba gác, chở hàng trong trời nóng là một việc mà ai cũng tránh, họ thường nhận hàng rồi đợi trời mát đi giao cho đỡ mệt. Tuy nhiên, các chú xích lô thì không, vì đạp xe tốn nhiều thời gian, nên nếu ngồi đợi thì có ngày họ chỉ được vài ngàn không đủ mưu sinh. Thế nên, khi có hàng phải đạp giao ngay để kịp chuyến tiếp theo. 

5-358f0-d4c9f
Tuy nóng nhưng những người chạy xích lô không thích đội nón, vì như vậy càng nóng hơn.

Chú Hồ Văn Phúc (65 tuổi, ngụ Q.10) tiếc rẻ: “Nắng quá buổi trưa không ăn nổi  cơm, chỉ uống nước nên nhiều khi mình mất sức không hay. Có lần tôi đang đạp xe giao hàng, vừa nắng vừa đói tôi kiệt sức té xe, hàng của người ta hư nặng, người chủ thương tình không bắt đền, nhưng từ đó người chủ cửa hàng ít gọi tôi hơn. Phải chi tôi đừng làm hư cái tử kính đó…” 

Còn với cô Vui  (52 tuổi, Q.3) vì sức khỏe yếu, phải làm việc dưới cái nóng gay gắt, cô xỉu không biết bao nhiêu lần. Lúc trước cô phải chống nạng đi bán từng tấm vé số, bán chẳng được bao nhiêu. 

Gần đây, cô được nhà hảo tâm hỗ trợ chiếc xe lăn để tiện việc đi lại. Mỗi ngày, cô lăn xe đi từ CMT8 ra Bảy Hiền, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thông,… để bán. Cô liên tục di chuyển trong cái nóng như  đổ lửa. “Một ngày tôi bán được khoảng 70 – 100 tờ, nhưng phải đi liên tục, đường nào  có bóng cây thì đỡ, nhưng có đường nắng nóng hừng hực tôi xỉu luôn trên xe, mọi người cứ nghĩ tôi đang ngủ nên không ai đến giúp. Khi tự tỉnh lại, tôi buồn tủi ngồi khóc một mình, nhưng rồi phải đi tiếp. Giờ trưa nắng rất gắt sẽ ít người đi bán hơn, vì vậy tôi tranh thủ lúc họ nghỉ ngơi để bán”, cô Vui chia sẻ.

4-358f0-d4c9f
Cô Vui thường nhiều lần ngất xỉu rồi tự tỉnh dậy tiếp tục bán vé số mưu sinh.

Với những người đạp xe rong ruổi ngoài đường thì nắng nóng chỉ mới làm họ kiệt sức. Còn những người làm xây dựng, vừa phải chịu nắng nóng, vừa mang vác nặng, xung quanh lại rền vang tiếng máy móc khiến công việc của họ như cực hình. Chú Nguyễn Thanh Tùng (65 tuổi, quê Quảng Nam) đang miệt mài xúc đất, và bê những chiếc thùng vào trong để trộn xi măng, những giọt mồ hôi thi nhau rơi trên gương mặt già mua cháy nắng. 

3-358f0-d4c9f
Chú Tùng bị gãy gần cổ tay trái nhưng chú vẫn phải làm công việc nặng nề này dưới cái nắng nóng như lò nung, nhất là khi máy trộn, máy cắt sắt chạy rầm rập liên tục, vừa ồn, vừa nắng khiến đầu ai cũng muốn nổ tung. 

Là đàn ông làm “cu li” đã thấy cực khổ, thế nhưng cô Lại Thị Lê (48 tuổi, quê Thanh Hóa, ngụ Tân phú, TPHCM) lại chọn cho mình công việc này 15 năm trời. 15 năm cháy nắng, cô vẫn chưa thể thích nghi với những đợt nắng nóng: “Sợ nhất là từ 10h-14h, đây là thời gian nóng như thiêu như đốt, đất, đá chạm vào như vừa mới nung xong. Tôi phải trang bị kín hết, uống nước  liên tục để giải nhiệt nhưng không ăn thua gì. Về nhà thì phòng trọ nhỏ hẹp, nóng hừng hực khiến đầu đau kinh khủng, đêm ngủ còn nghe tiếng máy chạy ào ào của sắt và đá”.


2-358f0-d4c9f
Vì làm việc dưới trời nóng thường xuyên, nên giờ cô Lê bị nhiều bệnh, tuy nhiên thấy nơi nào đang xây nhà cô cũng đến xin làm "cu li".

Với những anh làm thợ điện, nhân viên gắn cáp thì mệt nhọc hơn khi phải leo lên các trụ điện với cái nóng ghê người mà hoàn toàn không có chút bóng mát. Mỗi ngày các anh leo ít nhất là 30 cột điện, ngày cao điểm phải hơn thì 50, thế nhưng đã xác định đây là công  việc nên ai cũng hăng say làm.

Anh Định, nhân viên hạ tầng mạng (Thuộc một công ty mạng viễn thông Q.10) chia sẻ: “Tôi mới vào nghề được vài tháng, tôi thấy cái nóng của Sài Gòn rất dai dẳng, và nắng rất sớm, 9h sáng leo trụ điện nắng đã nóng như bỏng hết tay. Dưới mặt đất nóng, leo lên cao càng nóng hơn, có hôm nắng quá gắt vừa lên lắp đặt cáp xong, leo xuống thì xây xẩm hết mặt mày. Thế nhưng vì đây là công việc nên tôi và anh em vẫn cố gắng làm”.

Ngày làm việc đã chịu cái nóng kinh khủng của mặt trời, đêm về họ lại phải đối mặt  với cái oi bức của căn nhà trọ nhỏ, không ai có thể yên giấc. Nhưng vì mưu sinh, vì cuộc sống họ vẫn cần mẫn làm tốt công  việc của mình, mặc cái nắng cháy da, mặc cho bao lần ngất xỉu vì mệt mỏi.