Cận cảnh bê tông bị trồi nhựa, lún sâu tại cầu vượt thép gần 300 tỷ đồng ở Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 11/08/2015

Cầu vượt thép Thủ Đức (TP. HCM) thông xe đến nay được 2 năm và qua 2 lần sửa chữa, song đã xảy ra tình trạng mặt bê tông bị trồi nhựa 1-3 cm, lún sâu, xuống cấp trầm trọng gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.

Cầu vượt thép tại ngã tư Thủ Đức (trên xa lộ Hà Nội) giáp giữa quận 9 và Thủ Đức được thông xe vào ngày 27/1/2013, đã giải quyết được phần lớn tình trạng ùn tắc tại nút giao thông cửa ngõ TP. HCM - Biên Hòa (Đồng Nai). Cầu vượt thép này được xây dựng đầu tiên trong thành phố, có chiều dài 570m, trong đó phần cầu là 278m, còn lại là đường dẫn, mặt cầu rộng 16m với 4 làn xe với tổng số vốn 277 tỉ đồng. 

14-d191e
Cầu vượt thép Thủ Đức là nút giao thông quan trọng ở phía Đông thành phố.

13-d191e
Hàng ngày mật độ phương tiện lưu thông rất dày đặc.

Mặc dù đã được duy tu, sửa chữa vào tháng 8 và tháng 12/2014 nhưng hiện nay tình trạng cầu vượt thép Thủ Đức đang tiếp tục xuống cấp trầm trọng khiến các phương tiện, đặc biệt xe container khi lưu thông trên cầu đều phải dè chừng nếu không muốn bị trượt bánh do phần mặt đường bị trồi lên, tạo thành rãnh. 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Vinh (Quận 9, lái xe container) cho biết: "Trong thời gian qua mỗi lần từ Sài Gòn về Đồng Nai, đi trên cầu vượt thép này tôi lại sợ vì nếu sơ sẩy một chút là trượt bánh xe ngay, do phần nhựa đường trồi lên quá cao. Tôi có cảm giác mỗi ngày chạy qua đây là mặt đường lại sụt lún thêm một chút, rãnh mà làn xe thường chạy ngày càng sâu hơn. Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao".

15-963ea
Các tài xế đều toát mồ hôi mỗi khi đi trên làn đường bị xuống cấp trên cầu vượt thép.

4-d191e
Mỗi ngày tình trạng mặt đường lún ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải hạng nặng và xe container với đầy hàng hóa đi qua cầu khiến tình trạng mặt đường trên cầu ngày càng xuống cấp nhanh chóng. Tại làn xe hướng lưu thông từ TP. HCM về Đồng Nai, mặt đường bê tông phía trên cầu vượt bị lún sâu, nhựa trồi lên hai bên tạo thành rãnh, phía sát thành cầu mặt đường bị cày nát, lởm chởm đất đá.

Khu vực hư hỏng nặng nhất là phần đường giữa làn xe tải, mặt đường bị trũng khá sâu, hai bên trồi nhựa từ 1 - 3cm. Nhiều xe container thường xuyên bị "nhỏng" bánh xe có thể nghiêng ngả bất cứ lúc nào nên tài xế phải tập trung điều khiển lưu thông qua đây.

7-d191e
Thành cầu một số đoạn cũng bị hư hại, ốc rơi ra ngoài rất nguy hiểm cho các phương tiện dưới cầu.

Liên quan đến vụ việc, chúng tôi liên hệ với Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP. HCM) và biết đơn vị đã nắm được tình trạng xuống cấp, hư hỏng mặt đường cầu vượt thép Thủ Đức. Theo đó, đơn vị này sẽ khẩn trương khắc phục những tình trạng xuống cấp kể trên.

"Trước mắt, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 tiếp tục cho cào bằng phần bêtông nhựa bị trồi tạm thời đảm bảo an toàn lưu thông của các phương tiện trên cầu vượt thép Thủ Đức. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu đưa ra phương án xử lý triệt để tình trạng này vào khoảng tháng 10/2015"
, đại diện Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 cho biết.

3-d191e
Lớp nhựa đường đã xuất hiện vết nứt.

Cũng theo đơn vị này, cầu vượt thép có 4 làn xe ô tô, chỉ cho xe tải nặng đi vào 2 làn giữa. Khi các phương tiện lưu thông hướng từ TP. HCM đi Đồng Nai chạy gần lên cầu chỉ còn 3 làn (2 làn xe lên cầu và 1 làn xe di chuyển dưới chân cầu). Do đó, xe tải nặng rất ít di chuyển qua làn bên trái để lên cầu. Việc này đã khiến mặt cầu bên phải bị quá tải phương tiện, kết cấu bê tông nhựa bị trồi. Được biết, trong thời gian tới, chủ đầu tư kiến nghị Sở GTVT TP. HCM cho xây thêm cầu vượt song song.