"Cấm thầy yêu trò" - có phải là cách hay?

Hồng Minh (Tổng hợp), Theo Trí Thức Trẻ 01:11 11/04/2015

Mới đây, trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ (TP. HCM) đã đưa ra quy định "cấm giáo viên yêu sinh viên". Ngay lập tức, quy định này đã được đưa ra tranh luận gay gắt trên các diễn đàn mạng và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo quy định, giáo viên trong trường hạn chế không ăn trưa, ăn tối, hẹn hò với một sinh viên. Khi cán bộ tiếp sinh viên tại phòng làm việc không được phép đóng cửa. Nếu thầy cô nào có chuyện “yêu” với sinh viên, dù tình yêu đẹp hay chuyện đổi tình lấy điểm đều buộc phải nghỉ việc.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều người cho rằng, quy định "cấm thầy yêu trò" có phần cứng nhắc và vô lý.

Kiên quyết chấm dứt tình trạng “gạ tình lấy điểm”

Những người đưa ra quyết định này cho rằng, cấm thầy yêu trò sẽ giúp người làm giáo dục ngăn chặn những hành vi vô đạo đức, đồng thời đảm bảo an toàn cho nhiều bạn trẻ trên giảng đường đại học. Nếu xuất hiện tình cảm, khó tránh khỏi trường hợp giảng viên ưu ái người mình yêu. Như vậy, giảng đường không còn công bằng.

Có thể thấy, trước nay, tình trạng một số vụ sinh viên tố thầy gạ "đổi tình lấy điểm", thầy yêu trò dẫn đến hậu quả hoặc những bức ảnh được cho rằng là hình ảnh thân mật của thầy giáo với học sinh, sinh viên được đăng tải trên mạng khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Không chỉ thế, dư luận xã hội cũng không đồng tình nếu con em mình phải học tập trong một môi trường thiếu công bằng, những sinh viên không học hành gì lại nhận được điểm số và kết quả tương đương, thậm chí cao hơn so với những sinh viên nỗ lực học tập bằng chính sức mình.

Ông Trần Vinh Dự - Chủ tịch Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ cho biết: "Tình trạng quan hệ yêu đương phức tạp giữa thầy và trò, gạ tình tồn tại ở nhiều trường học hiện nay. Tuy chưa có trường hợp nào đáng tiếc bị phát hiện tại Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ nhưng chúng tôi đưa ra quy định nhằm tạo lập môi trường an toàn cho học sinh, giúp các thầy cô ý thức, trách nhiệm hơn... Đó là nền giáo dục bình đẳng, công bằng, an toàn cho các em, đảm bảo uy tín nhà trường".

Trường hợp khác, nhiều sinh viên có thể yêu một thầy, cô. Điều này có thể dẫn tới các em rơi vào tình trạng "trái tim tan nát" khi giáo viên yêu bạn mình. Dù đã trưởng thành hơn so với lứa tuổi học sinh, nhưng sinh viên vẫn được cho là giai đoạn cầu nối, chưa thực sự chín chắn.


Tình trạng "gạ tình lấy điểm" là vấn nạn đáng phải dẹp bỏ.

Cấm thầy, cô giáo yêu sinh viên: Không hợp lý

Việc trường CĐ nghề Việt Mỹ lo lắng cho những toan tính điểm số sẽ làm cho môi trường học tập thiếu công bằng là đúng nhưng ngăn cấm tình cảm thầy trò vẫn được nhiều người đánh giá là không hợp lý. 

"Ngăn cấm tình cảm thầy trò chưa chắc đã hay, thậm chí có khi lại thành dở. Khi tình yêu đã bị coi như một hình thức phạm luật, nó sẽ bị biến thành thứ xấu xa. Chúng ta cần phải phân biệt rất rõ: tình yêu và tình dục, tình cảm và những toan tính", một chuyên gia lo ngại.


Rất nhiều chuyện tình thầy giáo và sinh viên được mọi người biết đến và ngưỡng mộ.

Hầu hết các ý kiến cho rằng chỉ nên cấm và xử lý nghiêm những trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và luân thường đạo lý, còn việc có tình cảm trong sáng, đúng chữ "duyên" thì không nên. Thay vì cấm đoán, nên đề xuất nhà trường có các hình thức phạt nghiêm khắc nếu giảng viên để xảy ra tình trạng mất công bằng với sinh viên, hoàn toàn không nên cấm đoán chuyện tình cảm.

Cùng quan điểm đó, một sinh viên chia sẻ: "Em thấy quy định "cấm giáo viên yêu sinh viên" mà một trường CĐ ở TP. HCM vừa đưa ra có thể áp dụng ở các trường trung học chứ không nên áp dụng cứng nhắc với sinh viên bởi sự chênh lệch tuổi tác của một số giáo viên và học trò ở các trường CĐ - ĐH không quá lớn và họ cũng đã nhận thức được hành động của mình. Tuy nhiên, để tránh những trường hợp tiêu cực, nhà trường nên quản lý chặt và xử lý nghiêm những trường hợp có biểu hiện "đổi tình lấy điểm" và có thể cấm giáo viên, sinh viên có những biểu hiện tình cảm thái quá ở trong trường".

Một sinh viên khác cho rằng, nếu nói về chuyện ưu ái trong cho điểm thì đối tượng "thầy yêu trò" chỉ chiếm số lượng nhỏ mà do quen biết, nhờ vả mới nhiều, không nên vì thế mà cấm đoán tình yêu giữa giảng viên với sinh viên. Bởi xét cho cùng, thầy yêu trò cũng không vi phạm thuần phong mỹ tục nếu tình yêu đó trong sáng và không bị ép buộc.

Hơn nữa, "Hiện nay pháp luật Việt Nam không có bất kỳ quy định nào về việc cấm giảng viên và sinh viên yêu nhau. Hơn nữa, Luật hôn nhân và Gia đình chỉ quy định điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn. Như vậy, quyền tự do yêu đương là quyền của mỗi người về quan hệ tình cảm. Pháp luật không điều chỉnh mối quan hệ xã hội này. Do đó việc nhà trường quy định như trên là không phù hợp, vi phạm quyền tự do yêu đương của mỗi cá nhân" -  Luật sư Nguyễn Sen (Công ty Cương Lĩnh - Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định.

Nhà trường có quyền ra quy định cấm giáo viên và sinh viên vi phạm các chuẩn mực đạo đức như ăn mặc hở hang, có những hành động biểu lộ tình cảm quá mức... trong khuôn viên nhà trường, vì đó là điều khó chấp nhận cả về đạo đức và pháp luật. Song, nhà trường không có quyền cấm một giáo viên có tình cảm với sinh viên.

Khi giáo viên và sinh viên đủ tuổi kết hôn, được gia đình hai bên chấp nhận, thì Nhà trường không thể vượt trên pháp luật của Nhà nước để cấm một giáo viên không được yêu và cưới sinh viên.

Nếu nói rằng, vì yêu một sinh viên mà giảng viên sẽ có những ưu ái cho người mình yêu, gây ra những bất công trong việc học tập, thì đâu cần đến yêu, chỉ cần có cảm tình (hay bị mua chuộc) là cũng đủ rồi. Nhưng đó cũng là hành vi sai trái và sẽ bị xét xử theo luật chứ đâu phải tình cảm sẽ gây ra sai trái.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về tình yêu giữa thầy và trò? Theo bạn, có nên cấm tình yêu thầy trò trên giảng đường đại học hay không?...

Hãy thể hiện quan điểm của bạn với chúng tôi qua nút Gửi bài viết trên Kenh14.vn, để ý kiến của bạn được chia sẻ nhanh nhất với độc giả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày