Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội

Bài và ảnh: Ngọc Phương, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 03/04/2013
Chia sẻ

Từ khi chiến tranh kết thúc, trung bình mỗi ngày có 4 người chết vì bom mìn còn sót lại. Hơn 1/5 diện tích đất nước vẫn còn bom mìn. Người dân Việt Nam sẽ còn bị ám ảnh và sống chung với chúng hàng trăm năm nữa.

Nỗi ám ảnh đau thương tại bảo tàng bom mìn

Hơn 1.200 hiện vật về các chủng loại bom, mìn, đạn, rốc-két, ngòi nổ các loại từ chiến tranh cùng một số phương tiện, thiết bị rà, phá bom mìn đang được trưng bày tại triển lãm “Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vì cuộc sống bình yên” ở Bảo tàng Công binh (Hà Nội). Triển lãm được tổ chức nhân dịp ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4/4).

Những hiện vật trên chỉ là con số rất nhỏ so với số lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên khắp đất nước Việt Nam. Chúng đã phần nào khắc họa được sự tàn khốc của chiến tranh, sự tàn phá khủng khiếp của bom mìn do kẻ thù thả xuống nước ta.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng lượng bom đạn mà quân đội Mỹ đã trút xuống Việt Nam đến nay vẫn còn sót lại hơn 800.000 tấn; từ sau chiến tranh đến năm 2000, cả nước đã có hơn 100.000 người bị chết và bị thương do bom, mìn sót lại sau chiến tranh. Những con số đau thương khiến không ít người bị ám ảnh mỗi khi nhắc tới.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 1
Hình ảnh máy bay B-52 của Mỹ được xếp bằng bom. Ở giữa là quả bom nặng 7 tấn, lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Ngọc Phương.

Triển lãm trưng bày một số quả bom, mìn làm người xem phải sững sờ như quả bom nặng 7 tấn lớn nhất Việt Nam hay quả mìn khổng lồ đường kính lên tới 2,5 m được xem là “vũ khí tối mật” của đế quốc Mỹ dành riêng để phá cầu Hàm Rồng của Việt Nam…

Bên cạnh các hiện vật là bom, mìn, một góc triển lãm trưng bày những bức ảnh về hậu quả bom mìn chiến tranh gây ra với người dân Việt Nam và các mô hình mô tả lại sự tàn phá ghê gớm của các loại vũ khí hủy diệt quân thù ném xuống. Những hình ảnh tang thương này khiến nhiều khách tham quan triển lãm xúc động, rớt nước mắt.

“Xem các bức ảnh em bé Việt Nam bị chết, thương tật vì bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, tôi không cầm được nước mắt. Ngay trong thời bình, nhiều người dân nước ta vẫn đang phải sống cùng những bãi bom mìn, cận kề nguy hiểm”, ông Vũ Hùng (65 tuổi, ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.

Mỗi ngày, 4 người Việt Nam chết vì bom đạn sau chiến tranh

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hậu quả mà nó để lại, trong đó tình trạng ô nhiễm bom mìn, vẫn đang cướp đi mạng sống, làm thương tật nhiều người dân Việt Nam.

Mới đây, phát biểu trong buổi giao lưu “Khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống” tối 31/3 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau năm 1975, 9.000 trong tổng số 10.700 xã của Việt Nam (tương đương 80% diện tích) được xác định bị ô nhiễm bom mìn. Dù lực lượng công binh đã nỗ lực rà phá nhưng vẫn còn tới trên 20% diện tích ô nhiễm chưa được dọn sạch.

“Trên 40.000 người đã chết, 60.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Trong suốt 37 năm qua, trung bình mỗi ngày có tới 4 người chết và 6 người bị thương do hậu quả này”, Phó thủ tướng nói.

Theo đánh giá của Chính phủ, để dọn sạch khoảng 800.000 tấn bom mìn còn sót lại, Việt Nam cần một nguồn lực khổng lồ lên tới 10 tỷ USD, bên cạnh đó là hàng tỷ USD khác cho tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm. Trong khi đó, với nguồn lực và tốc độ rà phá như hiện nay, phải mất 300 năm nữa thì toàn bộ diện tích ô nhiễm bom mìn trên đất nước ta mới được dọn sạch.

Tháng 4/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, đẩy nhanh tốc độ rà phá bom mìn.

Cả nước ta hiện nay còn trên 6 triệu ha đất (trên 20% diện tích đất nước) bị ô nhiễm bởi bom mìn các loại, chưa kể số bom mìn còn sót lại trên biển. Ban chỉ đạo 504 đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ giải phóng diện tích có bom mìn này trong khoảng thời gian dưới 100 năm.

Việc rà phá, làm sạch trong một vài năm tới sẽ tập trung ở 6 tỉnh có mật độ bom mìn còn sót lại nhiều nhất là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Một số hình ảnh khiến nhiều người rớt nước mắt tại triển lãm bom mìn:

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 2
Bản đồ Dữ liệu bom mìn không quân Mỹ đánh phá Việt Nam, giai đoạn 1964 - 1972. Ảnh: Ngọc Phương.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 3
Miền Trung là khu vực bị ném bom dày đặc nhất, có nơi kín đặc bom mìn. Ảnh: Ngọc Phương.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 4
Mô hình sự đau thương, tàn phá ghê gớm của bom đạn. Trong mô hình có bức ảnh nổi tiếng “Em bé bom napalm” của phóng viên ảnh Nick Út. Ảnh: Ngọc Phương.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 5
Mô hình tái hiện cảnh Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tan hoang vì trúng bom. Ảnh: Ngọc Phương.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 6
Tái hiện cảnh đổ nát của phố Khâm Thiên (Hà Nội) sau khi bị bom Mỹ san phẳng. Ảnh: Ngọc Phương.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 7
Sau chiến tranh, bom mìn còn sót lại vẫn tiếp tục khiến nhiều người Việt Nam thương vong. Ảnh: Ngọc Phương.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 8
Hình ảnh đau lòng khiến nhiều người bật khóc khi xem. Ảnh: Ngọc Phương.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 9
Một em bé mất tay, chân vì bom mìn. Ảnh: Ngọc Phương.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 10
Một trường hợp khác bị thương do bom mìn. Ảnh: Ngọc Phương.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 11
Những nỗi đau do bom mìn để lại. Ảnh: Ngọc Phương.

Cảm nhận nỗi ám ảnh bom mìn giữa lòng Hà Nội 12
Ánh mắt đầy ám ảnh của một em bé trước nỗi đau do bom mìn gây ra. Ảnh: Ngọc Phương.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày