Người thầy quyết định hiệu quả của SGKTheo bà Tú Anh, không có bộ SGK nào là hoàn hảo vì cuộc sống và thực tiễn luôn luôn thay đổi mà một bộ SGK thì không thể thay đổi nhanh như cuộc sống.
TS Vũ Thị Tú Anh (Ảnh: Văn Chung)Những bộ SGK dạy tiếng do các NXB nổi tiếng biên soạn nếu không được biên soạn riêng hoặc điều chỉnh lại cho một nhóm người học, một nước học cụ thể thì cũng không tính hết được những yếu tố văn hóa, đất nước, con người, mục tiêu giáo dục…
Cần phải khẳng định vai trò của người dạy là quyết định đến hiệu quả thành công của một bộ SGK nhất định. Sử dụng SGK hay tài liệu giảng dạy dù lệ thuộc hay dùng một cách sáng tạo đều phải đặt trên cơ sở năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm của giáo viên.
Hiện nay, ở nước ta, từ trước khi có bộ SGK tiếng Anh do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản và đang được sử dụng thí điểm theo kế hoạch của Đề án dạy và học ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, ở một số địa phương, trường học dạy theo hình thức tự chọn, đã và đang sử dụng một số bộ SGK ngoại ngữ do các nhóm tác giả khác trong nước biên soạn và một số bộ SGK ngoại ngữ/tiếng Anh do các nhà xuất bản nước ngoài biên soạn, xuất bản đã được chỉnh lý, biên tập để dùng cho Việt Nam.
Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30-9/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 -2020” đã yêu cầu: “Hoàn thành việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK ở phổ thông theo chương trình 10 năm và chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học cho các trường dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH và giáo dục thường xuyên. Đồng thời triển khai việc lựa chọn, sử dụng một số chương trình, SGK, tài liệu dạy học ngoại ngữ của nuớc ngoài phù hợp với mục tiêu, yêu cầu dạy học ngoại ngữ ở Việt Nam”.
Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ cũng nói rõ: “Các cá nhân, tổ chức được khuyến khích tham gia biên soạn SGK (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc”.
Chủ trương nêu trên của Chính phủ đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực tham gia sâu rộng hơn nữa vào quá trình biên soạn SGK, đồng thời cũng tạo cơ hội cho nhà trường và đội ngũ giáo viên lựa chọn một bộ sách có chất lượng tốt nhất trong số các bộ sách đang được phép lưu hành trên thị trường SGK ở nước ta.
SGK ngoại ngữ cần phù hợp với điều kiện VN
Theo bà Tú Anh: Việc biên soạn mới SGK ngoại ngữ hoặc lựa chọn SGK ngoại ngữ của nước ngoài để chỉnh lý, biên tập dùng cho trường phổ thông Việt Nam đều theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương.
Đồng thời chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; tăng cường giáo dục thể chất, quốc phòng – an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
Hình ảnh SGK tiếng Anh tiểu học của Nepal (ảnh trên) và của VN (ảnh dưới) được Mỹ Linh chia sẻ trên Facebook cá nhân
SGK ngoại ngữ cũng tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của việc biên soạn SGK nói chung và đảm bảo tiếp cận theo đường hướng giao tiếp hay dạy ngôn ngữ giao tiếp (Communicative Language Teaching) nhấn mạnh đến chức năng ngôn ngữ (language functions) chứ không tập trung vào việc dạy hệ thống kiến thức ngôn ngữ.
Nội dung SGK ngoại ngữ hệ 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 THPT, bao gồm hệ thống chủ điểm, chủ đề không chỉ phản ánh đất nước, con người và văn hóa của các nước bản ngữ mà còn phản ánh đất nước, con người và văn hóa của cả Việt Nam nữa.
Học sinh sau khi học xong chương trình ngoại ngữ có khả năng tiếp thu được tri thức, văn hóa của nước ngoài, đồng thời cũng có khả năng làm cho người nước ngoài hiểu được đất nước, con người và văn hóa Việt Nam thông qua ngoại ngữ các em được học. Đây là yếu tố quan trọng và luôn luôn được đội ngũ tác giả Việt Nam quan tâm trong quá trình thiết kế các bài trong SGK Tiếng Anh mới, hệ 10 năm.
Nghiêm túc tiếp thu mọi ý kiến
Phó Vụ trưởng Vũ Thị Tú Anh cho hay: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo triển khai thí điểm chương trình và SGK ngoại ngữ mới, trước mắt là tiếng Anh nhằm xem xét tính khả thi của chúng.
Trong quá trình triển khai thí điểm, tập thể các tác giả SGK đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu xuất phát từ các góc độ, quan điểm đánh giá khác nhau của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Mỹ Linh chụp chung với các em nhỏ ở Nepal. (Ảnh: NVCC)
Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các tác giả và NXB Giáo dục Việt Nam nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp đó và khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung kịp thời nhằm hoàn thiện bộ SGK ngoại ngữ dùng cho học sinh Việt Nam.
Tuy không tránh khỏi một số hạn chế, nhưng SGK mới đã được thầy cô giáo đang trực tiếp đứng lớp ghi nhận sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp biên soạn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay.
Bộ cũng đang khẩn trương hoàn thiện bộ tiêu chí thẩm định để lựa chọn SGK tiếng Anh phổ thông cũng như đặc biệt coi trọng công tác giám sát quy trình này để quản lý chất lượng SGK tiếng Anh nói riêng và SGK nói chung.