“Bình cứu hỏa không thể bị cháy, trường hợp nổ rất hãn hữu”

, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 09/01/2016
Chia sẻ

Liên quan đến việc dư luận lo ngại về tính chất an toàn của bình chữa cháy trên xe ô tô, dễ phát nổ, Đại tá Đào Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC khẳng định: “Các bình chữa cháy đặt trên xe ôtô không thể bị cháy, trường hợp nổ chỉ là hạn hữu”.

Bình cứu hỏa không thể cháy

Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 57 quy định về việc ô tô từ 4 chỗ trở lên, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ phải trang bị bình cứu hỏa. Quy định này có hiệu lực từ ngày 6/1/2016.

Trước những bày tỏ của người dân lo ngại về rủi ro cháy nổ xuất phát từ điều kiện khí hậu, ngày 8/1, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đào Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho biết, những bình cứu hỏa trang bị trên xe ôtô không bao giờ có thể cháy. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu phân tích về khoa học, những chiếc bình này có thể xảy ra nổ, tuy nhiên nổ chỉ là rất hạn hữu.

“Nổ có 2 dạng nổ, nổ hóa học và nổ lý học, đối với bình chữa cháy, không thể xảy ra trường hợp các loại hóa chất tác động với nhau gây ra nổ hóa học. Tuy nhiên có trường hợp áp suất bên trong bình tăng cao, vỏ bình không chịu được, sẽ gây ra nổ lý học. Dù có loại bình có van an toàn hay bình không van an toàn, áp xuất thấp, các nhà sản xuất đều đã tính đến các trường hợp để không xảy ra sự cố trên”, Đại tá Thắng cho hay.

Theo Đại tá Thắng, việc nổ bình chữa cháy rất hạn hữu, nguyên nhân gây nổ rất có thể do chất lượng bình hoặc sai sót trong việc sử dụng.

“Bình cứu hỏa không thể bị cháy, trường hợp nổ rất hãn hữu” - Ảnh 1.

 Đại tá Thắng khẳng định bình cứu hỏa rất khó phát nổ.

Có ý kiến cho rằng việc thời tiết nắng, nóng cùng giới hạn chịu nhiệt của bình có hạn (-7 độ C đến 55 độ C), nếu xe ôtô đặt ở trời nắng nóng, khúc xạ ánh sáng, có khi trong xe nhiệt độ có thể lên đến 60 độ C thậm chí hơn dẫn đến xì khí, hỏng bình, Đại tá Thắng cũng thừa nhận lo ngại trên.

“Tuy nhiên, đó là tiêu chuẩn kỹ thuật của bình, chúng ta nên áp dụng cho đúng, sử dụng phương tiện nào cũng vậy thôi. Người đang ngồi trong xe không thể có nhiệt độ lên đến 50 độ, nếu nhiệt độ lên đến 70, 80 độ C thì không chỉ bình chữa cháy mà các trang thiết bị khác cũng không thể chịu được và bị hủy hoại do tác động nhiệt”, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho hay.

Đại tá Đào Hữu Thắng cũng khuyến cáo người dân nên lựa chọn các loại bình chữa cháy đã có kiểm định chất lượng.

“Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bình chữa cháy với đầy đủ kích cỡ, chủng loại từ nhiều quốc gia nhập khẩu về Việt Nam. Các trang thiết bị bảo hộ, phòng cháy chữa cháy khi được đưa vào sử dụng, bán trên thị trường đều phải được kiểm định thông qua cơ quan cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Trung ương, địa phương, các sản phẩm đạt chất lượng đều phải có tem kiểm định. Người dân khi mua sắm, lựa chọn sản phẩm bình đặt trong xe ôtô nên tới các cửa hàng uy tín, kiểm tra kỹ các sản phẩm và mua các bình đã được kiểm định và dán tem”, Đại tá Thắng khuyến cáo.

Về việc người dân đổ xô đi mua bình chữa cháy, ông Thắng cho hay: “Chúng tôi cũng đã ghi nhận phản ánh về việc không đủ bình để bán, tình trạng này làm tôi liên tưởng tới thời gian đầu thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm, khi cung không đủ cầu, tuy nhiên, với sự vận động của thị trường, vấn đề này sẽ sớm được giải quyết”.

Hiện Cục cùng các đơn vị liên quan đang phối hợp tích cực để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như kiến thức về việc trang bị phương tiện này, cũng như cách sử dụng cùng kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố.

“Trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy không chỉ là chấp hành quy định pháp luật, mà mục tiêu chính là bảo vệ an toàn cho chính chúng ta, những người ngồi trên xe”, ông Thắng nói thêm.

Nên tập luyện cách chữa cháy cho người dân

Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải cũng bày tỏ nên có bình cứu hỏa trong xe ô tô và bình cứu hỏa lớn hay nhỏ tùy thuộc vào từng loại xe.

“Bình cứu hỏa không thể bị cháy, trường hợp nổ rất hãn hữu” - Ảnh 2.

 Ông Khải cho rằng, nên tập luyện cách chữa cháy cho người dân

“Tuy nhiên việc vừa ra lệnh cấm là không nên tại vì tất cả mọi người không thể đổ xô đi mua bình cứu hỏa trong vòng một ngày và nguồn cung cũng không đủ nhu cầu của người dân. Ngoài ra nên tập luyện cách chữa cháy cho người dân, trong khi đa phần mọi người đi xe ô tô đều không biết phòng cháy chữa cháy”, ông Khải cho hay.

Theo ông Khải, về nguyên tắc bình cứu hỏa không thể nổ. Tuy nhiên trong trường hợp ô tô bị cháy nếu bình cứu hỏa nằm gần vị trí bình xăng, nhiệt độ lớn có thể phát nổ như bom.

“Bình cứu hỏa không thể bị cháy, trường hợp nổ rất hãn hữu” - Ảnh 3.

 Theo ông Khải nên đặt bình cứu hỏa gần lái xe nhất

“Nhiều người dân và đặc biệt là lái xe nên học cách chữa cháy. Cơ quan chức năng cũng nên hướng dẫn cho người dân cách đặt bình cứu hỏa ở vị trí nào quan trọng. Nhiều tài xế thường đặt bình cứu hỏa không đúng vị trí, thậm chí cho lăn lóc trên sàn xe. Theo tôi thì bình cứu hỏa nên đặt gần nhất ở khu vực lái xe bởi người lái xe thường tập trung quan sát, khi có sự cố bất trắc họ sẽ xử lý nhanh nhất ”, ông Khải chia sẻ.

Qua đây, ông Khải cũng bày tỏ quan điểm các cơ quan chức năng cần chỉ rõ cho người dân nơi mua bình cứu hỏa đảm bảo chất lượng, thông số kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh gây thiệt hại về người và tài sản.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày