Lượng người càng đông hơn khi chiều 10/12, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam cùng các chuyên gia khảo Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Nội tiến hành mở nắp chiếc quan tài cổ.
Trước đó, ngày 7/12, trong lúc thi công công trình thủy lợi, một chiếc máy xúc đã gạt trúng ngôi mộ mất nấm dưới một gò ruộng, lộ ra chiếc quan tài khá kiên cố. Lớp ngoài chiếc quan tài được trám bắng một loại hợp chất dày khoảng 3 - 5 cm, tiếp đó là các tấm gỗ dày loại tốt; tấm ván thiên được cố định bằng 4 chốt gỗ khá chắc chắn.
Đúng 15h30 ngày 10/12, TS Nguyễn Lân Cường và các chuyên gia bắt đầu cho mở nắp áo quan. Lớp hợp chất bên ngoài được những phu mộ dùng thuổng đẽo dần cho đến lớp gỗ, thì tỏa ra mùi hương thơm (giống như trầm). Khi tấm ván thiên được bật ra, mặt trên quan tài còn có thêm một tấm ván mỏng hơn nằm dưới ván thiên. Bật nốt tấm ván này, mùi hương càng nhiều; phía trong quan tài được sơn màu đỏ, vẫn tươi mới, hầu như khô ráo.
Thi hài được chèn, kê bằng nhiều cuộn giấy bản còn nguyên vẹn và gối bông. Các chuyên gia phải mất khá nhiều thời gian để tháo những nút thắt của nhiều lớp vải buộc thi hài. Sau khoảng 10 lớp vải (có thể là đũi, gấm vẫn còn rất chắc chắn), là hình hài một cụ bà, thân hình chỉ bị teo lại như một xác khô “da bọc xương”, bộ tóc dài còn nguyên vẹn; khuôn mặt còn rõ hình, miệng mở; hàm răng dưới vẫn còn đủ, hàm trên còn một số răng đều được nhuộm đen… Chiều dài của thi thể từ đầu đến chân đo được 165 cm. Không thấy đồ tùy táng có giá trị.
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: “Nhiều khả năng đây là ngôi mộ thuộc thời Hậu Lê, có niên đại trên dưới 300 năm. Người quá cố là một phụ nữ, khoảng 60 tuổi. Trong quan tài không thấy dung dịch, có thể đã bị chảy ra ngoài qua kẽ hở. Trước đây, một số ngôi mộ cổ đã được phát hiện, đều có dung dịch (chưa rõ là chất gì) để bảo quản, giữ nguyên xác trong hàng trăm năm… Trong miệng của cụ bà này, chúng tôi tìm được một đồng tiền cổ”.