Khoảng 21 giờ ngày 29-11, bão số 4 tiến sát vào đất liền 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ vĩ Bắc; 109,6 độ kinh Đông; trên vùng biển gần bờ Bình Định - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-10.
Phú Yên đã có thiệt hại
Trước đó, từ tối 29-11, tỉnh Bình Định bắt đầu có mưa to, có nơi mưa rất to, nhất là những vùng ven biển. Trong đó, khu vực TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước xuất hiện gió cấp 6-7. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào lúc 21 giờ cùng ngày, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định, cho biết: “Đến thời điểm này, toàn tỉnh vẫn chưa có thiệt hại gì về người và tài sản”.
Ở Phú Yên, sau trận mưa lớn vào buổi chiều làm một số vùng trũng thấp như Phú Lễ, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa bị ngập nặng; đến 20 giờ ngày 29-11, lượng mưa giảm nhưng gió bắt đầu thổi mạnh làm cây xanh trên nhiều tuyến đường ở TP Tuy Hòa bị ngã. Lúc 20 giờ 40 phút, cả TP Tuy Hòa bị cúp điện do nổ bình biến thế tại khu vực Nhà máy Bia Tuy Hòa.
Tại khu vực xóm Rớ thuộc phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, sóng lớn đã bắt đầu tràn vào nhà dân. Đường Đinh Tiên Hoàng bị sóng dâng phủ kín. Ông Trần Văn Rê (76 tuổi) cho biết nhiều hộ dân đã đóng cửa, đi vào sâu bên trong xóm để tránh nguy hiểm.
Hoàn thành công tác chống bão
Trong ngày 29-11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương (PCLBTƯ), đã trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 tại các tỉnh Bình Định và Phú Yên. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo 2 tỉnh và các ngành chức năng lưu tâm đến việc thông báo, giữ liên lạc với ngư dân đang hoạt động trên biển, đặc biệt là những vùng nguy hiểm để họ tìm nơi tránh bão an toàn; trong mưa bão, cần đề phòng lốc tố cục bộ; kiểm tra các lồng bè, khuyến cáo và vận động bà con ngư dân lên bờ; theo dõi sát sao các hồ chứa. “Phòng chống thiên tai phải dứt khoát, không được chần chừ. Phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện tại chỗ để ứng cứu. Không để xảy ra như trận lụt bão năm 2009” - bộ trưởng chỉ đạo tại buổi làm việc ở Phú Yên.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định và Phú Yên, đến chiều tối 29-11, mọi công tác phòng chống bão ở địa phương đã hoàn tất. Ở Bình Định, gần 700 tàu thuyền đã thoát khỏi khu vực có bão hoặc vào nơi tránh trú bão an toàn; tất cả ngư dân đã ra khỏi tàu thuyền đang neo đậu để tránh thiệt hại tính mạng; bà con tại các vùng bão sắp đổ bộ đã được thông báo chằng chống nhà cửa và chuẩn bị phương án chống bão.
Cũng như vậy, Phú Yên đã di dời hơn 10.000 người dân đang gặp nguy hiểm khi sống ở những vùng trũng thấp, vùng triều cường thường xuyên xâm thực, vùng gần sông suối thường bị sạt lở đến nơi an toàn. Xóm Rớ với hơn 180 hộ dân là nơi thường xuyên bị triều cường xâm thực nên hàng trăm người dân ở đây đã đổ ra đường dồn cát vào các bao xếp thành hàng làm đê tạm để chắn sóng. Chiều 29-11, tỉnh Phú Yên bắt đầu có mưa. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT tỉnh này, tất cả hồ chứa nước, đặc biệt là hồ thủy điện, đều dưới mực nước phòng lũ nên các nhà máy thủy điện chưa xả lũ dự phòng.
Thưởng nóng ngư dân cứu người gặp nạn Sáng 29-11, anh Lê Văn Tâm (49 tuổi; ngụ xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã đưa cha con ngư dân Nguyễn Điểm (78 tuổi) và Nguyễn Binh (36 tuổi, cùng ngụ tỉnh Quảng Ngãi) vào đất liền an toàn. Rạng sáng cùng ngày, anh Tâm đi thuyền ra biển đánh lưới thì phát hiện cha con ông Điểm đang cố giữ chiếc tàu cá đã chết máy không bị sóng đánh lật. Dù thuyền nhỏ nhưng anh Tâm vẫn cố kéo chiếc tàu cá cùng cha con ông Điểm vào bờ. Theo anh Binh, cha con anh mua chiếc tàu với giá 12 triệu đồng, đưa vào Khánh Hòa để khai thác hải sản. Lúc 15 giờ ngày 28-11, khi chạy qua vùng biển Phú Yên thì tàu bị gãy trục, trôi tự do trong điều kiện sóng lớn. Sau khi được anh Tâm đưa vào bờ, chăm sóc y tế, hiện cha con anh Binh đã hồi phục sức khỏe. UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ tạm thời 1 triệu đồng cho cha con anh Binh và thưởng nóng anh Tâm 500.000 đồng vì hành vi cứu người. |