Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Như vậy khoảng tối nay bão số 5 sẽ vượt qua phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) đi vào vịnh Bắc Bộ.
Đến 1 giờ sáng ngày 3/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 240 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 13 giờ ngày 03/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Để chủ động đối phó với bão và mưa, lũ do bão gây ra, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình hồ chưa và vùng hạ du, đặc biệt với các hồ chưa bị sự cố hoặc có nguy cơ mất an toàn như Từ Hiếu (Yên Bái), Hoàng Tân, Ngòi Là, Tam Tinh (Tuyên Quang), Bản Bang (Điện Biên), Trai Lốc 2, Khe Chè, Đồng Đò 2 (Quảng Ninh), Xạ Hương, Thanh Lanh, Suối Sải, Bò Lạc (Vĩnh Phúc), Trại Muối, Hố Cao (Bắc Giang), Khuổi Chủ, Bản Cưởm, Khuôn Pinh, Cao Lan (Lạng Sơn), Tông Lệnh, Sài Lương, Vựng (Hòa Bình).
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh nói trên chỉ đạo các chủ hồ chưa tổ chức trực ban, theo dõi mực nước và lưu lượng về hồ, tuần tra, canh gác, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý giờ đầu khi có tình huống xảy ra, đồng thời rà soát phương án phòng chống lũ, lụt đảm bảo an toàn hạ du sát thực tế, đặc biệt là phương án sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp. Các địa phương cũng cần tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Các địa phương khẩn trương chống bão
Theo Chánh Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương Vũ Kiên Trung, sáng ngày 2/8, Ban Chỉ đạo PCLBTW - Ủy ban QGTKCN đã tổ chức hai đoàn công tác đi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đôn đốc kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với bão.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh BĐBP kiểm đếm, thông báo diễn biến của bão cho tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động di chuyển tránh, trú. Bộ Ngoại giao đãlàm việc với phía Trung Quốc để các tàu ở khu vực đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam lên đảo trú tránh.
Ban chỉ huy PCLB và TKCN Hải Phòng đã tổ chức đoàn công tác của lãnh đạo thành phố đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại các địa bàn trọng điểm: Cát Hải, Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, khu vực nội thành và cảng biển; đã thông báo cấm biển bắt đầu từ 17h ngày 2/8/2013; điều tàu cứu nạn CN09 của Bộ đội Biên phòng, tàu SAR411, SAR273 ra ứng trực tại vùng biển Cát Bà.
Trước 21 giờ ngày 2/8, huyện Cát Hải và các địa phương sẽ cơ bản hoàn tất công tác sơ tán dân, di chuyển, neo đậu tàu thuyền, lồng bè và kiểm tra gia cố hệ thống đê. Thành phố cũng dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thủy nội địa bắt đầu từ 17 giờ ngày 2/8.
Tại huyện Bạch Long Vỹ, đã huy động lực lượng thanh niên xung phong, nhân dân sẵn sàng tham gia phòng chống bão trên đảo và âu cảng; kêu gọi, vận động tàu thuyền đang hoạt động di chuyển về đất liền; thực hiện di dời 12 hộ dân từ khu 32 gian làng cá về nơi an toàn. Huyện Kiến Thụy, toàn bộ 281 phương tiện với 908 người hoạt động trên sông, biển đã về nơi tránh trú bão; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, lên phương án sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp.
Huyện Tiên Lãng đã kiểm tra hệ thống đê, hoành triệt cống xung yếu; chủ động vận hành hệ thống các cống tiêu và các trạm bơm tiêu úng, các chủ đầm nuôi trồng thủy sản chuẩn bị phương tiện, vật tư bảo vệ ao đầm hồ, lồng bè. Huyện An Lão đã xử lý mạch rò lớn tại K8+870 đê Tả Văn Úc. Quận Hải An có 168 phương tiện với 233 người đã về bến an toàn. Quận Dương Kinh triển khai phương án phòng chống bão, phương án di dân, bảo vệ trọng điểm trên tuyến đê biển I, phòng chống úng lụt; thông báo, vận động các chủ đầm nuôi trồng thủy sản phòng chống ngập úng.
Trong khi đó, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thái Bình đã tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu thuyền vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn và hoàn thành trước 9h ngày 3/8/2013; Từ sáng ngày 1/8, tỉnh đã tổ chức các Đoàn đi kiểm tra các tuyến đê cửa sông và đê biển.
Sáng 1/8, các đơn vị trong tỉnh Nam Định đã triển khai kiểm tra công tác phòng chống bão số 5 trên địa bàn; đã xuất rọ thép, đá hộc, bạt chống sóng để xử lý sạt Kè 16 đê tả Đáy khắc phục hậu quả bão số 2.
Tỉnh Quảng Ninh đã cấm biển đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ từ 10h ngày 1/8/2013; tổ chức sơ tán dân trên các lồng bè hoàn thành trước 8h ngày 3/8; cấm các tàu thuyền du lịch không ngủ đêm trên vịnh từ tối ngày 2/8, di chuyển vào nơi trú tránh an toàn trước 14h chiều 2/8; các địa phương ven biển kiểm tra và gia cố những đoạn đê xung yếu bị tràn nước trong cơn bão số 2 vừa qua.
Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã huy động lực lượng, chủ động triển khai các biện pháp để ứng phó với tình hình mưa lũ và thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến của mưa lũ và tình hình thiệt hại do mưa, lũ gây ra về Văn phòng Thường trực BCĐ PCLBTW.
Thời tiết các khu vực ngày 3/8:
Phía Tây Bắc Bộ: Nhiều mây, đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió nhẹ. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Nhiệt độ thấp nhất từ 23 - 26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 26 - 29 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ: Nhiều mây, từ gần sáng ngày mai có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió tây bắc cấp 2 - 3, ngày mai có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật trên cấp 6, riêng các tỉnh ven biển từ gần sáng ngày mai gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng núi cần đề phòng có lũ quét và sạt lở đất. Nhiệt độ thấp nhất từ 23 - 26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 25 - 28 độ C.
Hà Nội: Nhiều mây, gần sáng và ngày mai có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Gió tây bắc cấp 2 - 3, ngày mai có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật trên cấp 6. Nhiệt độ thấp nhất từ 23 - 26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 25 - 28 độ C.
Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế: Nhiều mây, phía Bắc có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông; phía Nam đêm có mưa rào và dông rải rác, ngày có mưa rào và dông vài nơi . Gió tây đến tây nam cấp 3, riêng vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa ngày mai có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật trên cấp 6. Vùng núi cần đề phòng có lũ quét và sạt lở đât. Nhiệt độ thấp nhất từ 24 - 27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 30 - 33 độ, riêng phía bắc 26 - 29 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận: Nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng phía Bắc đêm nay còn có mưa rào và dông rải rác. Gió tây nam cấp 2 - 3. Nhiệt độ thấp nhất từ 24 - 27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 31 - 34 độ C.
Tây Nguyên: Nhiều mây, đêm có mưa rào và rải rác có dông, ngày có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió tây nam cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất từ 20 - 23 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 27 - 30 độ C.
Nam Bộ: Nhiều mây, đêm có mưa rào và rải rác có dông, ngày có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió tây nam cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất từ 24 - 27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 29 - 32 độ C.