"20 năm qua, chỉ mong một lần Sài Gòn mưa mà nhà tôi không bị ngập"

Phạm An, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 17/09/2015
Chia sẻ

Đó là chia sẻ của một người dân sống trong con hẻm nhỏ ở quận Bình Tân, nơi thường xuyên xảy ra cảnh ngập nước từ rất nhiều năm nay. Họ chỉ biết sống chung với "lũ" mà không còn cách nào khác.

Cơn mưa to kéo dài ngày 15/9 khiến cho các tuyến đường Sài Gòn ngập úng, giao thông tắc nghẽn, người người phải dẫn xe dưới dòng nước cao hơn nửa mét. Tuy nhiên, chỉ qua một ngày nắng thì những tuyến đường trung tâm đã rút hết nước và trở nên khô ráo.

Thế nhưng, có rất nhiều hộ gia đình trong các con hẻm nhỏ ở những khu vực quận 2, quận 6,  Bình Tân phải kêu trời khi nước vẫn còn ngập sâu. Dù đã hơn 1 ngày nhưng họ phải chờ đến khi nước rút mới có thể dọn dẹp nhà của mình.

14-2e46f
Những con hẻm nước ngập cao, không khí vắng lặng vì người dân "cố thủ" trong nhà, họ chẳng buồn ra đường.

Tại con hẻm ở KP3, P. An Lạc, Q. Bình Tân, nước tràn khắp nơi với độ cao gần nửa mét, mặc dù các nhà dân tại đây đã xây thêm bờ, "đắp đê",... nhưng vẫn không thể ngăn nước tràn vào nhà. Dù nắng đã lên, thế nhưng nước vẫn chưa có dấu hiệu rút, mọi người lo lắng cho công việc của mình, sinh hoạt hằng ngày cũng đảo lộn. 

Nhiều nhà dân vừa đóng cửa, vừa chắn nước nhưng đành bất lực nhìn nước tràn ào ào vào nhà, học sinh đến trường cũng ướt, về nhà cũng không khá hơn. Nhiều người chọn giải pháp đi bộ, hoặc xe đạp ra ngoài khi cần thiết, vì xe máy vừa dẫn ra đã không thể nổ máy được. Chị Cái Thị Hà Thanh (người dân) cho biết: "Tôi ở đây hơn 20 năm, là ngần ấy thời gian bị... trời hành, tại đây mưa ít cũng ngập, mưa nhiều thì người nhà phải thức trắng đêm dọn đồ đạc, kê bàn ghế. Mỗi năm lại ngập mỗi kiểu, và khi khắc phục được điều này thì lại ngập theo hướng khác, năm nay tôi đã xây một bậc chống ngập khá cao, đắp thêm bao cát, thế nhưng tối hôm qua cả nhà phải thay phiên tát nước, dọn đồ. Hiện giờ nhà tôi nước vẫn ngập lênh láng, đồ đạc hư hỏng nặng, nếu những ngày tới nước không rút thì tôi lo là người nhà sẽ bị lở loét vì ngâm lâu ngày trong nước. 20 năm qua, chỉ mong một lần Sài Gòn mưa mà không gây ngập".

9-2e46f
Mặc dù xây thêm tường, và "đắp đê" ngăn nước ngập, nhưng nhà chị Thanh vẫn đang vất vả chống chọi với nước.

7-2e46f
Hiện chị Thanh cũng như bao ngôi nhà khác, chấp nhận sống chung với nước, đợi khi nào đường hết ngập thì mới dọn dẹp sau.

Phía trước nhà chị Thanh, nước ngập khá cao, những hàng rào sắt rệu rạo chặn nước, thế nhưng cứ mỗi chiếc xe máy đi qua, nhà chị lại lầy lội vì nước ập vào. Quá chán nản, chị Thanh mặc kệ đến khi nào nước trước hẻm rút thì mới dọn nhà sau, vì theo chị, cứ dọn phía sau thì phía trước nước lại chảy vào ào ào.

4-2e46f
Người dân ở con hẻm này chọn lựa giải pháp là đi xe đạp, vì có đi xe máy cũng không chạy được

5-2e46f
Anh Ngọc Ngô cho rằng tuyến đường này là lối đi tắt của ba trường học quanh đây nên học sinh đi lại rất vất vả.

Những hộ dân có điều kiện hơn có thể nâng nền, xây bậc thang cao để ngăn nước. Tuy nhiên, họ cũng phải đóng cửa im ỉm vì sợ nước tràn vào nhà khi có phương tiện qua lại. Vì đây là con hẻm mà ba trường học quanh đây học sinh có thể dùng để đi đường tắt đến trường nên nhiều người chứng kiến không ít trường hợp học sinh té ngã phải quay trở về.

Anh Phạm Ngọc Ngô (SN 1987) cho biết: "Chúng tôi thì cùng lắm không ra đường, chứ học sinh thì rất tội, các em tiểu học không hiểu chuyện cứ thế đùa nghịch giữa dòng nước bẩn, còn những học sinh trung học đi học bằng xe đạp đến con hẻm này té ngã là chuyện thường xuyên. Chúng tôi sống chung với nước ngập, hôi thối rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Nhưng ở đây, mưa kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ là nước ngập khắp nơi, như hôm qua nước cao gần 1 mét, không ai có thể ngủ vì phải thức tát nước".

11-2e46f
Người dân chỉ khi có việc mới đi ra đường, nhưng cũng phải lội nước ướt hết quần áo.

10-2e46f
Hai cha con khá vất vả để vượt qua đường này.

Năm này qua năm khác, cứ đến mùa mưa thì tất cả người dân trong hẻm đều... chuẩn bị tinh thần chiến đấu với nước. Chống chọi thành quen, nhìn cơn mưa họ có thể dự đoán nước ngập bao nhiêu để kê cao đồ, và dự trữ thức ăn đủ đến khi nước rút. Anh Nghiêm Đình Hòa (người dân) cho biết: "Tôi sống ở đây từ năm 2004, thì từ lúc đó đến nay không khi nào mưa mà không ngập. Với lượng nước hiện tại, tôi nghĩ phải đến 4 ngày sau mới rút hết. Nhà tôi từ trưa đã chuẩn bị bao cát, kê sẵn đồ đạc thế nhưng không ngờ cơn mưa hôm qua quá to. Vợ tôi làm nghề may đồ thì vải ướt hết, may mà đồ thành phẩm chuẩn bị may cho người ta không bị ướt, nếu không không biết phải làm sao".

6-2e46f
Nước ngập khiến anh Đình Hòa có luôn kinh nghiệm trong việc... dự đoán lượng mưa, thời gian nước rút và độ cao của "đê" ngăn nước.

Đi qua nhiều con hẻm khác trên Q. Bình Tân, Tân Phú, Quận 12,... cuộc sống của người dân cũng không thể khá hơn. Họ dường như ít nói, sống khép kín trong ngôi nhà ngập đầy nước, họ không buồn dọn dẹp, không buồn tát nước nữa, mà đợi ngoài kia nước rút hẳn mới bắt đầu lau dọn nhà cửa, còn bây giờ... tới đâu thì tới.

Trong khi đó, theo ghi nhận vào chiều ngày 16/9, nước hầu như đã rút hết tại tuyến đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TPHCM). Sau khi nước rút, người đi đường hoảng hốt khi thấy những hố sâu, khe nứt trên đường, thậm chí sỏi đá vương vãi khắp con đường đau khổ này.

Anh Lương Chí Hải (ngụ Bình Tân) cho biết: "Sáng nay khi nước ngập tôi chỉ biết cố gắng tìm đủ chỗ cao, chạy càng nhanh qua đoạn đường này càng tốt. Tuy nhiên chiều nay khi nước rút hết tôi mới giật mình nhận ra con đường loang lổ khắp nơi. May là sáng nay xe tôi không rơi vào những lỗ hổng này, nếu không không biết mọi chuyện sẽ thế nào?".

Khi nước vừa rút, những vết nứt, lỗ hổng lớn hơn bánh xe, hố sâu xuất hiện cả trên tuyến đường ô tô và xe máy. Những biển cảnh báo, rào chắn được ngăn khắp nơi để báo hiệu cho người đi đường rằng có nguy hiểm phía trước.

18-a8aaf
Tuy nhiên, khi nước rút, rào chắn xuất hiện khắp nơi, một đoạn đường mà hai phía đều có cảnh báo nguy hiểm, đi cùng với hố sâu đang được "vá lại" sỏi đá vương vãi khắp nơi, khiến người đi đường không khỏi rùng mình

5-a8aaf
Hố sâu xuất hiện ngay giữa làn đường.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày