WHO lo ngại tình hình Covid-19 ở Campuchia, thông tin thêm về biến thể Ấn Độ B.1.617

Văn Đỗ - Tâm Hiếu, Theo VOV 14:29 26/05/2021

Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình hình dịch Covid-19 tại Campuchia do sự xuất hiện của loại virus đột biến mới, không gây ra triệu chứng ở một số bệnh nhân nên rất khó kiểm soát.

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia bà Li Ailan tuyên bố, tình hình dịch Covid-19 tại Campuchia vẫn rất lo ngại do sự xuất hiện của loại virus đột biến mới không gây ra các triệu chứng cho bệnh nhân, cùng với đó là một số cá nhân bắt đầu lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bà Li Ailan cho biết điều này trong buổi kiểm tra quy trình tiêm chủng Covid-19, tại sân vận động Borey Peng Huoth Boeung Snor ở quận Chbar Ampov, thủ đô Phnom Penh vào ngày hôm qua (25/5), cùng với Bộ Y tế Campuchia và tổ chức UNICEF.

Bà cho biết, mặc dù hiện nay người dân Campuchia đã bắt đầu có xu hướng gia tăng đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tiêm vaccine phòng Covid-19, nhưng vẫn còn xuất hiện nhiều cuộc tụ tập đông người, một số người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng dịch của chính phủ và bộ y tế.

Cùng với đó, Đại diện tổ chức Y tế Thế giới tại Campuchia cũng kêu gọi mọi người dân Campuchia cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch Covid-19 để tránh trường hợp phải phong tỏa một lần nữa. Bà khẳng định, nếu như người dân không tham gia tích cực vào quá trình phòng chống dịch Covid-19 thì chỉ khoảng 2 tuần đến một tháng nữa, số người bị Covid-19 và số ca tử vong vì dịch bệnh này sẽ tăng lên nhanh chóng.

Tổ chức Y tế Thế giới hôm nay (26/5) chính thức xác nhận biến thể mang đột biến kép của virus SARS-CoV-2 mang ký hiệu B.1.617 đã xuất hiện tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Biến thể xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ này được biết tới với khả năng lây truyền rất cao, và được cho là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai ở Ấn Độ.

Trong bản Cập nhật Dịch tễ học hàng tuần của WHO, cơ quan giám sát y tế toàn cầu này cũng cho biết các nguồn tin không chính thức khẳng định biến thể B.1.617 đã có mặt thêm ở 7 vùng lãnh thổ nữa, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có sự xuất hiện của loại biến thể chết người này lên con số 60. Trước đó, hôm 12/5, WHO cho biết B1.617 đã có trong các mẫu bệnh phẩm ở 44 quốc gia trên thế giới và xếp loại biến thể này vào danh mục "đáng lo ngại ở mức độ toàn cầu".

Liên quan tới tên gọi của biến thể B.1.617 được sử dụng trên các phương tiện truyền thông thế giới, Chính phủ Ấn Độ từng lên tiếng bác bỏ các tuyên bố là "vô căn cứ và không có cơ sở", và làm rõ rằng WHO chưa từng liên kết thuật ngữ "biến thể Ấn Độ" với "chủng B.1.617". WHO sau đó đề nghị sử dụng tên khoa học của biến thể được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ này. Ấn Độ cũng đã đề nghị các mạng xã hội toàn cầu gỡ bỏ các nội dung thông tin có đề cập tới thuật ngữ "biến thể Ấn Độ" của virus SARS-CoV-2, do quan ngại điều này có thể phát tán thông tin không chính xác.