WHO cảnh báo sự nguy hiểm của những biến chủng virus Corona mới

Bình Giang, Theo Tiền Phong 09:28 11/09/2021
Chia sẻ

Ngày 10/9, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu bày tỏ hoài nghi về khả năng các loại vắc-xin có thể kết thúc đại dịch COVID-19, vì những biến chủng mới làm mờ hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Trước khả năng virus có thể tồn tại trong nhiều năm, giới chức y tế giờ phải "nghĩ cách dần điều chỉnh chiến lược vắc-xin, nhất là vấn đề về tiêm mũi thứ ba", ông Hans Kluge nói với báo giới.

Hồi tháng 5, giám đốc châu Âu của WHO nói rằng đại dịch sẽ qua đi sau khi chúng ta đạt được độ phủ 70% tiêm vắc-xin.

Khi được hỏi rằng liệu mục tiêu đó có còn phù hợp hay phải tăng hơn nữa, ông Kludge thừa nhận rằng tình hình đã thay đổi do các biến chủng mới dễ lây lan hơn, như Delta.

"Tôi nghĩ nó sẽ đưa chúng ta tới ngưỡng mà ở đó tiêm vắc-xin là điều trước nhất để ngăn dịch bệnh nguy hiểm hơn, gây tỷ lệ tử vong cao hơn", ông nói.

WHO cảnh báo sự nguy hiểm của những biến chủng virus Corona mới - Ảnh 1.

70% dân số được tiêm vắc-xin có thể chưa đủ để đạt được miễn dịch cộng đồng (Ảnh: Reuters)

"Nếu tính đến chuyện COVID-19 sẽ tiếp tục tiến hoá và tồn tại cùng chúng ta như bệnh cúm, chúng ta sẽ phải dự đoán cách dần điều chỉnh chiến lược vắc-xin để phù hợp với sự lây lan của dịch bệnh và thu thập những kiến thức thực sự quý giá về tác động của mũi tiêm bổ sung", ông nói.

Các chuyên gia dịch tễ học gợi ý rằng đạt được miễn dịch cộng đồng chỉ bằng cách sử dụng vắc-xin có thể là việc không thực tế, dù vẫn phải tiêm chủng để ngăn chặn đại dịch.

Ông Kluge nói rằng tỷ lệ tiêm phòng cao cũng là yếu tố cần thiết để giảm tải áp lực lên hệ thống y tế, để bệnh nhân mắc các bệnh khác cũng được điều trị.

Biến chủng Delta được đánh giá là có tốc độ lây lan nhanh hơn 60% so với biến chủng Alpha, trong khi biến chủng Alpha lây nhanh gấp đôi virus ban đầu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày