AR-15 bán tự động do Mỹ sản xuất, đây là vũ khí sử dụng trong vụ thảm sát ở thành phố Christchurch và đã sử dụng trong nhiều vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ. Ảnh: trtworld.com
Hiện cảnh sát New Zealand chưa có số liệu cụ thể về số lượng vũ khí đã được người dân giao nộp từ ngày 15/3 nhưng cũng đã phát đi khuyến cáo rằng trong bối cảnh an ninh đang được thắt chặt và tình hình hiện tại, người dân nên gọi cho cảnh sát trước khi giao nộp vũ khí.
Trước đó, hôm 18/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã công bố các kế hoạch thắt chặt luật sử dụng súng sau các vụ xả súng khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Bà cũng khuyến khích người sở hữu súng tự giác giao nộp những vũ khí không cần thiết sau khi các thông tin điều tra ban đầu cho thấy vũ khí mà nghi phạm chính của vụ xả súng tại Christchurch, Brenton Harrison Tarrant, sử dụng đều là vật sở hữu hợp pháp. Bà Ardern cho biết kế hoạch chi tiết sửa đổi luật sở hữu súng sẽ được chính phủ công bố trong tuần tới nhưng cũng để ngỏ các biện pháp như mua lại súng và cấm một số loại súng trường bán tự động.
Đối tượng Tarrant lớn lên ở thị trấn nhỏ Grafton tại Australia, song đã đi nhiều nơi trong những năm qua. Thời gian gần đây, Tarrant sinh sống ở Dunedin, cách Christchurch 350 km. Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton cho biết Tarrant chỉ dành 45 ngày ở Australia trong vòng 3 năm qua và đối tượng này không nằm trong danh sách theo dõi khủng bố.