Ngày 14-2, Công an TP HCM và Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp tổ chức họp báo nhằm cung cấp thông tin vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Lê Quốc Tuấn (Tuấn "khỉ") gây ra tại Củ Chi ngày 29-1.
Tại cuộc họp báo, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP HCM cung cấp thông tin vào ngày 13-2, khi lực lượng chức năng phát hiện Lê Quốc Tuấn đang lẩn trốn tại ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Lực lượng công an đã triển khai khép chặt vòng vây, không để đối tượng trốn thoát, đồng thời kêu gọi đối tượng ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Tuy nhiên, sau đó phát hiện Tuấn liên tục di chuyển, lên đạn súng AK, ngắm bắn về phía lực lượng truy bắt với thái độ hung hãn chống trả đến cùng, lực lượng công an đã buộc phải nổ súng tiêu diệt đối tượng.
Luật sư Cao Thế Luận phân tích thông thường, khi truy bắt các đối tượng phạm tội, đa số các cơ quan chức năng đều tổ chức kêu gọi đối tượng đầu thú, tổ chức đàm phán, thương lượng để đối tượng đầu hàng nhằm mục đích bắt giữ để tiến hành các biện pháp xử lý theo đúng quy định, trình tự và kết tội (nếu có) đối tượng bằng một bản án nghiêm minh, đúng pháp luật.
Đơn cử như vây bắt đối tượng Nguyễn Văn Đồng trong vụ thảm sát kinh hoàng khiến 5 người trong một gia đình tử vong ở Đan Phượng (Hà Nội), hay vụ Võ Xuân Hưng (Đồng Nai) cố thủ trong nhà, đốt lửa, dọa cho nổ bình gas, cầm vật giống lựu đạn và đe dọa ném vào lực lượng thi hành nhiệm vụ, lực lượng chức năng đã cảm hóa và đồng ý để đối tượng được gặp mặt con gái trước khi hạ vụ khí đầu hàng.
Qua đó cho thấy, việc cảm hóa và kêu gọi đối tượng ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, cũng là một ưu tiên hàng đầu mà lực lượng công an áp dụng và sử dụng khéo léo trong quá trình vây bắt các đối tượng phạm tội.
Đối tượng Lê Quốc Tuấn
Như vậy trong trường hợp nào thì các lực lượng chức năng được phép tiêu diệt đối tượng?
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì lực lượng chức năng, cụ thể là các cá nhân; tổ chức và cơ quan được quyền sử dụng súng quân dụng chỉ được phép nổ súng (vào đối tượng) khi:
Người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong trường hợp sau đây:
Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm.
Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp sau đây:
Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó.
Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ.
Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ.
Như vậy, việc tiêu diệt đối tượng có thực hiện biện pháp cảnh báo hay không cần cảnh báo, là phụ thuộc vào tính chất, mức độ hành vi của đối tượng ngay tại thời điểm xảy ra sự việc.
Đối với trường hợp của Lê Quốc Tuấn bị Công an TP HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi giết người, cướp tài sản, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng xảy ra tại huyện Củ Chi vào ngày 29-1 khiến 5 người chết và 3 người bị thương.
Tại thời điểm bị vây bắt, Tuấn đã bắn về phía lực lượng 3 phát, 1 phát bị lép không nổ. Tại hiện trường, lực lượng công an đã thu giữ 1 khẩu súng AK, 9 viên đạn (trong đó có 1 viên đã lên nòng và 8 viên trong hộp tiếp đạn).
"Trong cuộc vây bắt, lực lượng công an đã bị người đang bị truy nã (Tuấn "khỉ") chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ (bắn về phía lực lượng 3 phát). Nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng truy bắt và người dân, lực lượng công an đã buộc phải nổ súng tiêu diệt đối tượng là hoàn toàn đúng; phù hợp quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành năm 2017 và sửa đổi, bổ sung năm 2019" - Luật sư Cao Thế Luận khẳng định.