Vụ tàu hỏa tông ô tô, 3 người thương vong ở Quảng Ngãi: Lỗi của người gác chắn tàu?
Vào khoảng 6h30 ngày 7/3, tại điểm giao nhau giữa đường sắt và đường ngang dân sinh thuộc thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa tàu hỏa và ô tô 7 chỗ ngồi chở 3 người trong 1 gia đình. Hậu quả là 1 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương nặng.
Lúc đó, anh Nguyễn Trí Minh (29 tuổi, ngụ thôn Nam Bình 1, xã Bình Nguyên) điều khiển ô tô 7 chỗ BKS 76A-129.13 lưu thông theo hướng Tây - Đông. Khi đi đến đoạn đường sắt giao với đường dân sinh (tại lý trình Km 901+580 thuộc thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên), ô tô 7 chỗ đã vượt rào chắn và bị tàu hỏa SH3 chạy hướng Bắc - Nam tông vào phía đuôi xe khiến ô tô văng xa cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 10m.
Khu vực hiện trường xảy ra vụ tai nạn.
Vụ tai nạn khiến cháu Nguyễn Thiên Phúc (2 tuổi - con trai anh Nguyễn Trí Minh) tử vong. Hai vợ chồng anh Nguyễn Trí Minh và chị Trần Thị Mỹ Trinh (22 tuổi) bị thương nặng. Hiện cả hai người đã được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Trao đổi với PV Infonet, Trung tá Lê Tú - Đội CSGT Đường sắt, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết: “Vụ tai nạn xảy ra rất đáng thương tâm. Qua quan sát hình ảnh trong video, có thể thấy lỗi ở đây không phải do người điều khiển xe ô tô mà do nhân viên gác chắn đường sắt”.
Trung tá Lê Tú phân tích: “Trong quá trình điều khiển xe ô tô, người lái không thể quan sát được khi đó tàu có chạy đến hay không, mặc dù ở đây có đèn cảnh báo. Khi điều khiển xe ô tô trên đường thường rất ồn ào, khó nghe được tiếng tàu chạy đến. Ở khu vực này cũng không có gác chắn tự động. Để xảy ra vụ tai nạn nêu trên, lỗi do nhân viên gác chắn là chủ yếu, không có lỗi của lái xe”.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn, chiếc xe ô tô bị hất văng, lật ngửa và biến dạng. |
Căn cứ theo các quy định của pháp luật về lĩnh vực giao thông, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, TP.HCM) viện dẫn: “Điều 25 Luật Giao thông đường bộ và Khoản 2 và Khoản 3 Điều 16 Thông tư 33/2018/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành. |
Theo đó, nhiệm vụ đóng, mở kịp thời chắn đường ngang, chắn đường bộ tại khu vực cầu chung đường sắt, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi phương tiện giao thông đường sắt chạy qua; Kiểm tra, bảo quản trang thiết bị chắn đường ngang, cầu chung phù hợp với các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt.
Khi phát hiện hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, gây mất an toàn giao thông đường sắt, có trách nhiệm kịp thời báo cho ga gần nhất, lãnh đạo cấp trên trực tiếp để có biện pháp xử lý; Ghi chép đầy đủ nhật ký đường ngang, cầu chung; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về đường ngang, cầu chung.
Được quyền báo hiệu dừng tàu trong trường hợp khẩn cấp uy hiếp trực tiếp đến an toàn chạy tàu; Dừng phương tiện giao thông đường bộ khi khu vực đường ngang, cầu chung không đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại.
Nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu thì nhân viên gác chắn phải có trách nhiệm đóng, mở kịp thời chắn đường ngang, chắn đường bộ tại khu vực cầu chung đường sắt, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi phương tiện giao thông đường sắt chạy qua.
Hoặc trong trường hợp khẩn cấp có thể dừng phương tiện giao thông đường bộ khi khu vực đường ngang, cầu chung không đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại".
Từ những căn cứ này, luật sư Bình nhận định: "Qua hình ảnh trong đoạn clip, việc để xảy ra tai nạn này, có thể thấy trách nhiệm thuộc về nhân viên gác chắn. Tuy nhiên, xử lý thế nào phải căn cứ vào kết quả điều tra của các cơ quan chức năng”.
Theo luật sư, giả sử trong trường hợp nhân viên gác chắn vì lơ đễnh, không thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn của mình dẫn đến việc gây ra tai nạn thì trong trường hợp này có dấu hiệu của tội "Vô ý làm chết người" do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, khung hình phạt rất nặng, từ 01 năm đến 05 năm tù; phạm tội làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.