Cô giáo tại Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế bị một giáo viên nam bẻ tay, nạt nộ dẫn ra ngoài khi đang trong tiết dạy học - Ảnh cắt từ clip
Ngày 27-10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang yêu cầu Trường THPT Hai Bà Trưng báo cáo về vụ việc xảy ra trong clip dài 18 giây ghi cảnh một cô giáo bị bẻ tay, đẩy ra khỏi lớp học trước sự chứng kiến của hàng chục học sinh.
Lãnh đạo sở cho biết sẽ làm rõ và xử lý trách nhiệm những người có liên quan trong đoạn clip trên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Thanh Hùng - trưởng khoa tâm lý và giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Huế - cho biết nhà trường cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự việc trên để thông tin rộng rãi, an lòng phụ huynh, học sinh.
Theo ông Hùng, hiện chưa thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng của sự việc bởi chưa rõ nguyên nhân là bột phát cảm xúc của những người liên quan trong clip hay nguyên nhân sâu xa nào đó.
Tuy nhiên dù thế nào thì cách hành xử của giáo viên nam trong clip là không thể chấp nhận được, đặc biệt trong lớp học, trước hàng chục học sinh - nơi không chấp nhận bạo lực học đường.
"Ban giám hiệu nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao lại đẩy cô giáo ra khỏi lớp, cô giáo đang trong tiết dạy hay là ngoài thời gian dạy trên lớp? Từ đó có những xử lý kịp thời và thông báo rộng rãi cho dư luận để sớm kết thúc vụ việc", ông Hùng nói.
Còn thầy Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM - cho biết ông rất bức xúc khi xem clip này.
"Đầu tiên, hành vi của thầy giáo đó là không thể xuất hiện trong nhà trường, chứ đừng nói gì xuất hiện trước sự chứng kiến của hàng chục học sinh như vậy. Hành vi của giáo viên nam đó rất phản cảm, thô bạo với phụ nữ khi dùng lời nói và sức lực để cưỡng chế cô giáo ra khỏi lớp.
Nếu xét về góc độ hành động của một người nam đối với người nữ thì đây là hành động thái quá, một kiểu bắt nạt của phái mạnh đối với phái yếu, rất đáng lên án. Sự việc diễn ra trong nhà trường chứng tỏ giáo viên nam này không tuân thủ kỷ cương của trường và không có trách nhiệm đối với nghề nghiệp" - thầy Phú nêu quan điểm.
Cũng theo thầy Phú, giáo viên nam hành động như vậy sẽ có những tác động xấu đến học sinh, đến môi trường học đường. Học sinh ban đầu sẽ hoảng sợ trước hành động thô bạo của thầy, sau đó chính các em sẽ mất niềm tin đối với người thầy.
Có những em sẽ bất mãn trước hành động xấu xí đó và coi đó là hành động bạo lực học đường. Nhưng cũng có những học sinh chưa đủ hiểu cũng có thể nhìn nhận như đây là một tấm gương. Vì thế, dù hành động đó chưa phải là đánh đập, tát… nhưng là hành động vô cùng xấu xí, không cho phép xảy ra trong môi trường học đường.
Khi một học sinh đang ở trên bảng và giáo viên nữ đang dạy, một giáo viên nam xông vào lớp nạt nộ và bẻ tay giáo viên nữ dẫn ra ngoài - Ảnh chụp màn hình clip
Trên thực tế, trong cuộc sống và môi trường nào cũng có thể có xung đột xảy ra nhưng trong ngành giáo dục, một ngành được coi là sư phạm, mô phạm thì ngay cả lời ăn tiếng nói của đồng nghiệp với nhau cũng cần có sự chuẩn mực.
Nhà trường có quy định về giữ kỷ cương, kỷ luật, ứng xử theo nguyên tắc đạo đức nhà giáo nên không phải giáo viên, cán bộ công nhân viên muốn hành động, ăn nói sỗ sàng thế nào cũng được.
Giáo viên phải hành xử đúng mực, đúng chuẩn theo quy định. Trước mặt học sinh mà giáo viên nam đó có những hành động như vậy là thiếu văn hóa, không văn minh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng.
Nam giáo viên đó đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy tắc ứng xử nhà giáo. Vì thế, nhà trường và ngành giáo dục theo đó mà kỷ luật. Làm một người thầy mà không kiểm soát được hành động ngay trong môi trường sư phạm như vậy thì cũng không nên đứng lớp nữa.
TS Lê Minh Công - phó trưởng khoa công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cũng cảm thấy đau lòng trước hình ảnh người thầy tự mình làm "méo mó" trước mặt học sinh như vậy.
"Bất cứ hành vi bạo lực nào cũng đáng lên án, lệch chuẩn xã hội. Đáng buồn thay, trong trường hợp này, người nam ra tay đối với người nữ lại là giáo viên và sự việc diễn ra trong môi trường học đường có sự chứng kiến của nhiều học sinh. Điều này gây ra những tổn thương mạnh mẽ cho môi trường học đường và cho chính những học sinh phải chứng kiến hành vi xấu xí đó", ông Công nói.
Cũng theo ông Công, học sinh thường nhìn giáo viên để hành xử, để nói năng, để hành động nên yêu cầu sự chuẩn mực của nghề giáo luôn là bắt buộc. Vì thế, hành vi của giáo viên nam nói trên có thể là một tấm gương xấu xí khiến học trò có thể "noi theo".