Theo vị lãnh đạo này, thời gian tới sẽ phải thực hiện phân cấp, phân quyền cho rõ bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam không thể quản lý hết được 63 tỉnh, thành phố. Vì vậy, các Sở GTVT cũng phải vào cuộc.
Nhiều bất cập các trung tâm đăng kiểm.
Trước thông tin một giám đốc trung tâm đăng kiểm tại TPHCM không biết chữ và mới học hết lớp 3, vị lãnh đạo này cho rằng, đơn vị đăng kiểm là một ngành nghề kinh doanh. Muốn hoạt động phải đảm bảo điều kiện nghề kinh doanh đó.
Theo đó, người ký giấy kiểm định cho phương tiện phải là lãnh đạo có nghiệp vụ đăng kiểm viên và là người có trình độ.
"Không phải ông trình độ lớp 3 ký vào giấy đăng kiểm", vị lãnh đạo nói và cho biết thêm, theo cơ chế thị trường, có người không biết chữ nào vẫn là chủ đầu tư trung tâm đăng kiểm. Chủ đầu tư là người có tiền đầu tư nhưng khi hoạt động lĩnh vực này phải đáp ứng theo Nghị định 139 quy định về kinh doanh kiểm định xe cơ giới. Điều này bất cập vì chủ đầu tư là người có tiền, còn đăng kiểm là người làm thuê mang tính chất kỹ thuật nên không quyết định được.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trung tâm đăng kiểm có giám đốc học lớp 3 tại TPHCM đang xác minh hồ sơ thành lập đăng kiểm.
"Phải tuân thủ theo đúng quy định, lãnh đạo đăng kiểm là ai phải quy định rõ. Lâu nay quy định rồi nhưng mỗi người hiểu một kiểu tạo ra dư luận như thế", vị này cho hay và nêu ví dụ, một doanh nghiệp hoạt động nhiều lĩnh vực trong đó có đăng kiểm. Doanh nghiệp này phải phân công rõ người ký và người ký phải đảm bảo đủ trình độ theo quy định.
Khi được hỏi Bộ GTVT có nghiên cứu sửa yêu cầu chủ đầu tư đăng kiểm cũng phải có trình độ hay không? Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng: "Không thể quy định trình độ giám đốc vì vi phạm Luật Doanh nghiệp, nhưng giám đốc phải là người có trình độ mới được ký giấy đăng kiểm".
Trước đó, thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết công an đã ra lệnh khám xét nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, khởi tố và bắt giữ các bị can về các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, các trung tâm này đã bỏ qua nhiều sai phạm. Ví dụ, xe vào kiểm định lốp mòn quá thì thay lốp, thay thành thùng và một số phụ tùng khác, chỉ cần nộp tiền vào làm là xong, khi ra là đảm bảo tiêu chuẩn; hoặc sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải.
Theo ước tính sơ bộ, có khoảng hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng làm luật như trên. Bên cạnh đó, các trung tâm kiểm định này đã cấp 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt, ông Xô thông tin về việc một giám đốc trung tâm kiểm định khi công an bắt viết lời khai thì mới lộ ra việc không biết viết, không biết đọc. Người này khai 50 năm trước chỉ học đến lớp 3, nhưng đến nay trở thành Giám đốc Trung tâm Kiểm định 50-17D ở huyện Nhà Bè, TPHCM.