Vụ Đại học Hà Nội tăng học phí: "Thiếu sót" của nhà trường nhưng hàng nghìn sinh viên phải gánh hậu quả?

Thanh Hương, Theo Phụ nữ mới 22:43 17/05/2024
Chia sẻ

Vụ việc Đại học Hà Nội tăng học phí vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Những ngày gần đây, vụ việc trường Đại học Hà Nội tăng học phí nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Trên nhiều hội nhóm mạng xã hội lớn, xuất hiện hàng loạt các bài đăng bức xúc, thất vọng của sinh viên nhà trường về mức học phí mới.

Theo đó, năm học 2024 - 2025, học phí trường Đại học Hà Nội dao động từ 720.000 đồng - 1,74 triệu đồng/tín chỉ. Tùy chương trình, sinh viên cần hoàn thành 145 - 152 tín chỉ để được công nhận tốt nghiệp. Năm ngoái, học phí của trường Đại học Hà Nội dao động từ 650.000 đồng - 1,39 triệu đồng/tín chí. Như vậy, mức thu này tăng khoảng 10%. Theo quy định về mức thu học phí các chương trình đào tạo theo các trình độ và hình thức đào tạo, áp dụng cho năm học 2024 - 2025 của trường Đại học Hà Nội công bố mới đây, đối tượng áp dụng là "đối với sinh viên các khoá tuyển sinh từ năm học 2022 - 2023" và "đối với các khoá tuyển sinh từ năm học 2021 - 2022 về trước: Mức thu học phí tiếp tục thực hiện theo các văn bản quy định học phí hiện hành của trường".

Điều đáng nói là trước đó, trong một chương trình Tư vấn tuyển sinh năm 2022, 2 Phó Hiệu trưởng của trường Đại học Hà Nội từng nhấn mạnh rằng, nhà trường sẽ không tăng học phí trong quá trình các em học. "Ví dụ khi các em vào học khoá năm 2022, được thông báo là học phí 4 năm học bằng đây tiền chẳng hạn thì có nghĩa tổng tiền sẽ không thay đổi trong cả 4 năm học của các em. Nếu nhà trường có tăng học phí thì tăng cho các bạn khoá sau, không phải là khoá của các em đang học. Tăng theo lộ trình"cô Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội (Phụ trách nội chính) nói.

Chính điều này khiến nhiều sinh viên Đại học Hà Nội cảm giác "bị lừa". Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn báo VnExpress, cô Nguyễn Thị Cúc Phương cho biết có sự nhầm lẫn giữa nội dung tư vấn tuyển sinh và văn bản chính thức của nhà trường.

Theo đó, Đề án tuyển sinh năm 2022 và Quy định về học phí áp dụng từ năm học 2022-2023, ghi rõ mức thu có thể được điều chỉnh theo lộ trình của chính phủ và tùy thuộc tình hình thực tế, tối đa 15%/năm học.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh đã được triển khai từ đầu năm, trước khi hai văn bản trên được ban hành. Do đó, Ban tư vấn tuyển sinh đưa các thông tin mang tính dự kiến. "Thiếu sót của thầy cô trong chương trình tư vấn trực tuyến ngày 4/4/2022 là không dùng từ 'dự kiến' khi chưa có văn bản chính thức", cô Nguyễn Thị Cúc Phương nói với VnExpress.

Vụ Đại học Hà Nội tăng học phí: Thiếu sót của nhà trường nhưng hàng nghìn sinh viên phải gánh hậu quả? - Ảnh 1.

Trường Đại học Hà Nội

"Thiếu sót" của nhà trường nhưng hàng nghìn sinh viên phải gánh hậu quả?

Trước lời giải thích của cô Nguyễn Thị Cúc Phương, nhiều sinh viên trường Đại học Hà Nội bày tỏ sự không đồng tình. Một sinh viên cho biết: "Vấn đề là nhà trường đang không minh bạch. Em và nhiều bạn sinh viên khoá 2022 đã tin vào lời hứa của thầy cô khi tư vấn tuyển sinh, lời hứa về việc không tăng học phí trong suốt 4 năm học để thi vào trường.

Mức học phí khi đó nằm trong khả năng tài chính của gia đình em, còn mức học phí hiện tại thì gia đình không kham nổi. Em thấy thầy cô gợi ý là đến phòng Công tác sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp để được tư vấn về học bổng, việc làm thêm hay thủ tục vay tiền tại các ngân hàng chính sách.

Nhưng thưa cô, nếu ngay từ đầu, không có lời 'cam kết' đó thì em và nhiều bạn có lẽ sẽ chọn trường khác phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của gia đình mình, thay vì rơi vào tình cảnh 'ngã ngửa', phải nghĩ đến thủ tục vay tiền như hiện tại".

Sinh viên này cũng cho rằng, "thiếu sót" của nhà trường khi không dùng từ "dự kiến" nhưng giờ hàng nghìn sinh viên phải gánh chịu hậu quả. Bên cạnh đó, truyền thông mà khiến cho cả nghìn sinh viên nhầm lẫn thì nhà trường nên chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, một sinh viên khác cho biết, em đồng tình với việc trường hiện tự chủ tài chính, học phí có thể được điều chỉnh theo lộ trình của chính phủ và tùy thuộc tình hình thực tế, tối đa 15%/năm học. Tuy nhiên, việc tăng học phí chỉ nên áp dụng với khoá sau, chứ không phải những khoá đã - đang học, khi đã có sự cam kết ngay từ đầu.

"Đã cam kết thì phải thực hiện, không thể đổ lỗi, bao biện cho việc sử dụng câu chữ như vậy. Các thầy cô gieo lòng tin và chúng em đã tin, không thể đột ngột thay đổi rồi bắt sinh viên phải lao theo", em này bày tỏ.

Lý giải về việc tăng học phí, Đại diện trường Đại học Hà Nội cho hay, trường thực hiện tự chủ toàn phần kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, không được nhận kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước.

Toàn bộ các khoản chi cho hoạt động: lương của toàn bộ đội ngũ nhân sự, một phần học bổng cho sinh viên, điện, nước, vệ sinh, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập, các hoạt động ngoại khóa… trường đều phải tự lo. Do đó, nhà trường có lộ trình tăng học phí để đảm bảo cân đối thu - chi và phát triển.

Mặc dù các mức thu chi còn rất hạn hẹp, nhưng trong những năm gần đây, trường không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo: 100% phòng học có điều hòa, máy chiếu; hệ thống phòng máy tính đa năng và phòng học tiếng tăng gấp đôi; thư viện hiện đại, mạng wifi được đầu tư mới cho các toàn nhà từ năm 2024, sân vận động và nhà ăn sinh viên đổi mới…

Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì các điều kiện như hiện nay, nhà trường cần xây dựng mới một số công trình vì sẽ tăng quy mô đào tạo. Do đó, sẽ cần có kinh phí để bổ sung phát triển hoạt động sự nghiệp và đầu tư cho các công trình mới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày