Vụ bà lão "chôm" quần áo hàng hiệu về bán trên vỉa hè: Xử lý thế nào khi bà lão mắc bệnh tâm thần phân liệt?

Định Nguyễn, Theo Thời Đại 00:04 11/08/2017
Chia sẻ

Luật sư cho biết cần phải trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thời điểm mà bà lão phạm tội. Đối với trường hợp bị tâm thần thì phía chính quyền và gia đình cần có biện pháp phối hợp răn đe giáo dục để không gây nguy hại cho xã hội.


Bà lão từng nhiều lần trộm cắp có giấy chứng nhận mắc bệnh tâm thần phân liệt

Mới đây, sự việc bà lão có giấy chứng nhận bị tâm thần phân liệt liên tiếp gây ra nhiều vụ trộm cắp quần áo tại các shop hàng hiệu rồi mang ra vỉa hè ở Hà Nội bán gây xôn xao cộng đồng mạng. Tối ngày 9/8, một số người là nhân viên của shop quần áo đã đến nơi bà lão bày bán trên vỉa hè đường Đê La Thành, phường Giảng Võ để đòi lại quần áo mà bà đã lấy trước đó. Công an phường Giảng Võ, quận Ba Đình ngay sau khi tiếp nhận thông tin đã đưa bà cụ về trụ sở công an làm việc.

Vụ bà lão chôm quần áo hàng hiệu về bán trên vỉa hè: Xử lý thế nào khi bà lão mắc bệnh tâm thần phân liệt? - Ảnh 2.

Hình ảnh bà lão liên tiếp lấy trộm đồ của nhiều shop quần áo.

Được biết, người phụ nữ lấy cắp đồ trong các shop quần áo được camera ghi lại có tên Phạm Thị N. (quê ở Thường Tín, Hà Nội). Tuy nhiên, bà N. hiện đang cư trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Ngày 10/8, tìm về phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhiều người dân quanh khu phố không còn xa lạ gì với hình ảnh bà lão này hằng ngày đạp chiếc xe đạp cũ đi loanh quanh khắp khu phố. "Bà N thường xuyên đi qua đây, nhiều lần còn mượn điện thoại của tôi gọi điện. Tôi biết bà ấy ở gần đây nhưng không rõ ở nhà nào", anh T. một người dân sinh sống tại đây cho biết.

Nói về việc bà N. có hành vi trộm cắp vặt, anh T. cho biết, nhiều người dân ở đây cũng thường xuyên nghe về việc này. Tuy nhiên, bà N. bị tâm thần nên không ai còn cách nào khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đình Tân, Tổ trưởng tổ dân phố nơi bà Phạm Thị N. đang cư trú cho biết, bà N. đúng là người đang sinh sống tại đây cùng con cái. Bà N. có giấy chứng nhận bị bệnh thần kinh và hay đi lang thang. "Tại địa phương, bà N. chưa từng trộm cắp gì của ai, nhưng tại những nơi khác thì có phản ánh về rằng bà N. đã rất nhiều lần thực hiện hành vi trộm cắp", ông Tân thông tin.

Vụ bà lão chôm quần áo hàng hiệu về bán trên vỉa hè: Xử lý thế nào khi bà lão mắc bệnh tâm thần phân liệt? - Ảnh 3.

Sau khi bị bắt, bà liên tục khóc và nói mình bị thần kinh.

Chiều 10/8, trung tá Bùi Hữu Hưng, Trưởng Công an phường Giảng Võ cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp bà N. có hành vi trộm cắp vặt quần áo của nhiều shop, Công an phường Giảng Võ đã cử người về tận địa phương nhà bà N. sinh sống ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín.

Vụ bà lão chôm quần áo hàng hiệu về bán trên vỉa hè: Xử lý thế nào khi bà lão mắc bệnh tâm thần phân liệt? - Ảnh 4.

Giấy chứng nhận thần kinh của bà N.

"Về quê ở Thường Tín thì bà N. có hồ sơ động kinh, bà này cũng đã nhiều lần ăn trộm quần áo xong mang đi bán chứ không phải một hai lần. Chúng tôi cũng đã ra thông báo những chủ shop từng bị bà N. lấy trộm quần áo đến nhận lại hàng hóa", trung tá Hưng cho biết.

Theo trung tá Hưng, do bà N. có giấy chứng nhận bị thần kinh, có hồ sơ quản lý nên cơ quan công an khó xử lý. Ngay trong chiều 10/8, cơ quan công an đã bàn giao cho người nhà bắt buộc đưa bà cụ này đi chữa bệnh.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Huệ, Chủ tịch UBND xã Chương Dương xác nhận, bà N. từng là người cư trú tại địa phương và là cán bộ đã nghỉ hưu, tuy nhiên bà bị tâm thần nhiều năm nay. Bản thân vợ chồng bà N. cũng không còn ở địa phương mà lên trung tâm Hà Nội sinh sống cùng các con. Chồng và con bà N. đều là người khỏe mạnh bình thường.

Cần phải trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thời điểm phạm tội

Về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho biết, trong vụ việc này đã xác định được nhiều bị hại qua clip, muốn xử lý theo điều 138 Bộ luật hình sự thì những người bị bà cụ này trộm cắp tài sản trong cửa hàng cần trình báo số lượng tài sản bị mất, kèm theo các clip cùng hóa đơn chứng từ vì hàng hóa bà cụ này trộm đã tiêu thụ hết rồi và gần như không còn nữa để làm căn cứ xử lý về hành vi trộm cắp tài sản.

Vụ bà lão chôm quần áo hàng hiệu về bán trên vỉa hè: Xử lý thế nào khi bà lão mắc bệnh tâm thần phân liệt? - Ảnh 5.

Luật sư Thơm cho rằng hành vi trộm cắp của bà N. rất tinh ranh và thuần thục.

"Sau khi định giá tài sản do cơ quan chuyên môn định giá, nếu giá trị tài sản trên 2 triệu đồng có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, nếu trường hợp bà cụ này có giấy xác định tâm thần, đã từng đi điều trị tâm thần ở một cơ sở y tế nào đó của bệnh viện thì đó là căn cứ để sau này khi xử lý bà về hành vi trộm cắp thì cơ quan tố tụng sẽ tiến hành đưa đi trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Vụ bà lão chôm quần áo hàng hiệu về bán trên vỉa hè: Xử lý thế nào khi bà lão mắc bệnh tâm thần phân liệt? - Ảnh 6.

Hình ảnh bà N. bày bán quần áo trên đường Đê La Thành.

Đó cũng là căn cứ để xác định khả năng nhận thức điều khiển hành vi của bà trong thời điểm trộm cắp thế nào? Đã mất khả năng nhận thức chưa hay bị hạn chế? Nếu trong trường hợp hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn bị đưa ra xét xử về hành vi trộm cắp tài sản và sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt", luật sư Thơm nói.

Luật sư Thơm nêu quan điểm: "Quan điểm của tôi thấy rằng, qua clip bà cụ rất tinh ranh, lợi dụng thủ đoạn sơ hở của nhân viên, một tay vơ hàng đút vào bao, một mặt thì nói chuyện với nhân viên để đánh lạc hướng rất chuyên nghiệp. Vì thế cần phải trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thời điểm phạm tội".

Luật sư Thơm cho rằng, đối với trường hợp bị tâm thần thì phía chính quyền và gia đình cần có biện pháp phối hợp răn đe giáo dục để không gây nguy hại cho xã hội. "Nhiều trường hợp đi trộm cắp dân bức xúc đánh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng bản thân nên người thân cần phải có trách nhiệm quản lý, trông nom, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc", luật sư Thơm nói thêm.

Điều 138 Bộ luật hình sự 1999.

Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến bảy 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày