Với Sanchez, Man Utd đã chứng minh Sir Alex không phải lúc nào cũng đúng

Dương Quảng, Theo Trí Thức Trẻ 16:51 31/01/2018
Chia sẻ

Trong giai đoạn David Gill làm giám đốc điều hành ở Old Trafford, ông và Sir Alex đã thống nhất một điều khoản trong chính sách chuyển nhượng chung: không bao giờ mua cầu thủ trên 27 tuổi.

Năm 2009, luật lệ ấy bị phá bỏ khi Man Utd ký hợp đồng với Michael Owen theo dạng chuyển nhượng tự do. Tuy nhiên, đó là ngoại lệ được chấp nhận vì Man Utd cần một sự thay thế gấp cho Ronaldo sau khi hai mục tiêu David Villa và Karim Benzema đổ bể. Hơn nữa, Owen là gương mặt có tầm ảnh hưởng lớn ở miền viễn Đông Nhật Bản. Man Utd muốn khai thác giá trị thương mại của Owen.

Gill và Sir Alex từng nhiều lần nói với nhau, cầu thủ đẹp nhất ở tuổi 23 đến 27. Chi tiền cho những cầu thủ đang chớm bước vào độ chín sự nghiệp là ít rủi ro nhất bởi tốc độ hoàn vốn là nhanh nhất.

Nhưng tháng 08/2012, Sir Alex bất ngờ tới văn phòng của Gill. Ông đề xuất ý tưởng mua Robin van Persie, bấy giờ đã 29 tuổi. Mức giá của anh ta khi còn 6 tháng hợp đồng lên tới 24 triệu bảng, và khoản thù lao 200.000 bảng/tuần có thể là tiền lệ xấu ảnh hưởng tiêu cực tới quỹ lương của đội.

Với Sanchez, Man Utd đã chứng minh Sir Alex không phải lúc nào cũng đúng - Ảnh 1.

Tuy nhiên, đó là nguyện vọng của Sir Alex. "Tôi chỉ phá lệ đúng lần này nữa thôi", Sir Alex nài nỉ Gill.

Van Persie không làm Sir Alex thất vọng. Anh là hợp đồng "mỳ ăn liền" thành công nhất của Sir Alex trong 10 năm cuối cùng. Mùa đầu, tiền đạo người Hà Lan ghi tới 26 bàn, giúp Man Utd vô địch Premier League.

Nhưng hai mùa giải sau đó của Van Persie đã cho thấy tầm nhìn xa của Gill. Rõ ràng, tuổi tác là kẻ thù lớn nhất của cầu thủ bóng đá.

4 năm sau khi Sir Alex rời nhiệm sở, Ed Woodward đã đánh giá lại vấn đề và soi xét bài học lịch sử. Man Utd đã chi hơn 500 triệu cho TTCN, nhưng người già nhất họ đưa về cũng chỉ là Schweinsteiger ở tuổi 28 - vốn bấy giờ đang là đội phó Bayern và ĐT Đức. Còn lại, người già nhất chỉ 25.

Với Sanchez, Man Utd đã chứng minh Sir Alex không phải lúc nào cũng đúng - Ảnh 2.

Có điều, bóng đá không phải trò chơi của những quy ước bất động. Ngay ở giữa mùa giải, Man Utd thực hiện cú áp phe thế kỷ, đưa Alexis Sanchez - người đã 29 tuổi, về Old Trafford và biến tiền vệ Chile thành cầu thủ hưởng lương cao nhất lịch sử CLB: 350.000 bảng/tuần.

Đó cũng là lần đầu tiên, Man Utd chấp nhận chi tiền lót tay cho một cầu thủ thay vì đem rải số tiền đó vào các khoản thưởng khác nhau.

Bóng đá hiện đại thay đổi từng ngày và những công việc, yếu tố ảnh hưởng tới nó cũng vận động. Ronaldo sẽ bước qua tuổi 33 vào tháng sau và cho tới bây giờ mới cho thấy dấu hiệu của tuổi tác. Messi sẽ 31 tuổi vào tháng 6 nhưng sẽ chẳng có lý do gì ngăn La Pulga hưởng lương 500.000 euro/tuần cho tới hết mùa giải 2020/2021, khi đó đã 34 tuổi.

Với Sanchez, Man Utd đã chứng minh Sir Alex không phải lúc nào cũng đúng - Ảnh 3.

Ngày xưa, Cantona giải nghệ ở tuổi 30 còn bây giờ, sự phát triển của khoa học công nghệ giúp kéo dài thời gian chơi bóng của cầu thủ. Dani Alves đã 34 tuổi nhưng vẫn lên công về thủ đều đặn ở PSG.

Alexis Sanchez sẽ gần 34 khi kết thúc hợp đồng với Man Utd. Mourinho không phải không biết việc đó, nhưng ông đã đủ quân bài cho chiến lược xây đế chế. Trong quá trình chuẩn bị, nền móng của chiến lược xây dựng ấy, phải là những thành công tức thì và ngắn hạn.

Sanchez tới Man Utd vì lẽ đó, và nó cho thấy không phải lúc nào, Sir Alex cũng đúng đắn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày