"Với những người có lòng đi tình nguyện, sự an toàn của các bạn phải được đặt lên hàng đầu"

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 05/07/2016
Chia sẻ

"Với những tình nguyện viên, những người đã nguyện cống hiến cho cộng đồng thì chắc chắn sẽ là những người đáng quý và đáng trân trọng hơn hết thảy. Sự an toàn của các bạn ấy luôn phải được đặt lên hàng đầu" - Hạ Hồng Việt, người sáng lập dự án "Ngưng ngược đãi" chia sẻ.

Mùa hè - mùa của màu áo xanh tình nguyện trên khắp những nẻo đường, con phố với nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, mang hy vọng và niềm tự hào của tuổi trẻ. Thế nhưng, sau vụ tai nạn khiến 3 nữ sinh Đại học Ngoại Thương Hà Nội thiệt mạng, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố nhanh chóng rà soát những hoạt động tình nguyện "Mùa hè xanh" ở một số vùng sâu vùng xa.

Riêng Đoàn trường ĐH Ngoại Thương đã phải cho tạm dừng hoạt động tình nguyện đối với tất cả 19 đội sinh viên tình nguyện của trường ở các tỉnh, thành. Cái chết của 3 nữ sinh tình nguyện đã khiến những sinh viên trong màu áo xanh đau buồn khôn nguôi, và ý thức hơn về hoạt động tình nguyện, cống hiến của chính bản thân mình.

Trên trang cá nhân của Hạ Hồng Việt - chàng sinh viên năm cuối trường Đại học Công Nghệ (ĐH Quốc Gia HN), anh cũng chia sẻ những suy nghĩ về các phong trào tình nguyện hiện nay, cũng như đưa ra quan điểm về "tình nguyện" và "cống hiến", nhận được sự hưởng ứng của nhiều người.

Với những người có lòng đi tình nguyện, sự an toàn của các bạn phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 1.

Hạ Hồng Việt, chàng sinh viên trẻ tuổi sáng lập dự án "Ngưng ngược đãi", tổ chức chiến dịch xã hội Đừng Quên Bố và là thành viên BTC chiến dịch "Dũng cảm để thay đổi".

Hạ Hồng Việt được biết đến sau khi dự án "Ngưng ngược đãi" của anh có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Việt còn là thành viên BTC chiến dịch "Dũng cảm để thay đổi", "Dám làm đẹp", tổ chức chiến dịch xã hội "Đừng quên bố"... và nhiều chiến dịch truyền thông khác. Trong các hoạt động đó, anh là người phụ trách một nhóm các tình nguyện viên và đã có nhiều bài học trăn trở sau mỗi chiến dịch.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Hồng Việt xung quanh câu chuyện về vấn đề tham gia làm tình nguyện viên của các bạn trẻ như thế nào để an toàn và thực sự hiệu quả.

Hiện nay, bên cạnh chiến dịch Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi... còn rất nhiều hoạt động khác cần sự giúp sức của nhiều tình nguyên viên. Là một người trẻ, bạn nghĩ chúng ta cần hiểu một cách đúng đắn hai chữ "tình nguyện" như thế nào trước khi quyết định tham gia vào một hoạt động có ích cho xã hội?

Mình cho rằng, tình nguyện nghĩa là cống hiến cho xã hội một cách không vụ lợi, cho đi không đòi hỏi nhận lại, nhưng luôn cần phải có suy nghĩ. Cống hiến thì hiển nhiên rồi, nhưng thực sự suy nghĩ về việc mình sẽ cống hiến như thế nào lại là một chuyện khác. Mình cho rằng khi bản thân luôn vắt tay lên trán suy nghĩ xem mình cống hiến cho xã hội như thế nào là có ích nhất, hiệu quả nhất thì sẽ tránh được những việc làm tình nguyện vì hình thức, làm tình nguyện theo phong trào.

Vậy Hồng Việt đã từng "vắt tay lên trán suy nghĩ xem mình cống hiến cho xã hội như thế nào" chưa?

Có chứ, trong quan điểm của mình, không phải chỉ ở những nơi hẻo lánh, hoang vu và thiếu thốn mới cần cống hiến, không phải đi thành đội nhóm và giơ cao khẩu hiệu mới là cống hiến. Huy động trẻ con ngay trong khu phố nhà bạn đi quét rác, làm vệ sinh xung quanh nơi ở cũng là tình nguyện. Lập một nhóm thanh niên đi nhổ tóc sâu cho những người già tổ hưu cũng là tình nguyện. Đi đẩy xe rác phụ bác lao công, lập đội đi sơn lại những bức tường chung loang lổ những ký tự KCBT và số điện thoại, đi bóc hết mấy tờ giấy dán chằng chịt trên cột điện để làm đẹp khu phố... 

Làm tình nguyện là làm phi vụ lợi, cống hiến cho xã hội theo khả năng của mình, và không nên đóng khung bó hẹp rằng chỉ có thể làm tình nguyện khi được khoác chiếc áo xanh. Khoác lên mình một chiếc áo xanh tình nguyện là một hình ảnh đẹp, nhưng đừng để nó thành một thứ hình thức. 

Theo bạn các bạn trẻ trước khi tham gia tình nguyện cần phải được trang bị điều gì, họ có cần những buổi tập huấn?

Những buổi "tập huấn" chỉ cho chúng ta công cụ, những kỹ năng mà có thể giúp chúng ta cống hiến tốt hơn mà thôi. Còn cống hiến cái gì và cống hiến như thế nào, thì còn phải dựa vào khả năng, sức khoẻ, niềm đam mê của chính chúng ta nữa. Việc tự tìm hiểu bản thân rất quan trọng. Bởi vì làm tình nguyện mang lại hiệu quả 1, làm tình nguyện mà được làm đúng sở thích hay những gì mình đam mê thì hiệu quả 10, những thứ mà không một buổi "tập huấn" nào có thể mang lại cho bạn được.

Một khi bạn còn chưa thể nào tự đảm bảo an toàn cho mình, thì tốt nhất đừng nghĩ đến việc cống hiến. Khi không dám chắc sẽ tự đảm bảo an toàn được ở nơi mình sắp đi, hãy ở trong khu phố nhà bạn và cống hiến.

Với những người có lòng đi tình nguyện, sự an toàn của các bạn phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 2.

Người trẻ sẽ lớn lên như thế nào sau mỗi chuyến tình nguyện đó?

Với mỗi hoạt động vì xã hội, dù ít dù nhiều cũng sẽ nhận lại những phản ứng tích cực từ cộng đồng. Đó là niềm động viên, khích lệ, và cũng là một sự thừa nhận, để các bạn trẻ biết rằng cuộc sống của mình đang rất có ý nghĩa. Nếu bạn nào tham gia tình nguyện theo đội nhóm thì còn có thể nhận thấy các bạn cũng như bản thân mình có thêm những kinh nghiệm sống mới, học hỏi những điều mới, chia sẻ những trải nghiệm mới,… 

Người trẻ sẽ lớn lên theo cách đó. Không cứ phải là những chuyến đi xa tới những vùng đất mới, đôi khi chỉ tham gia tình nguyện trong khu phố cũng có thể trải nghiệm được những góc rất khác của cuộc sống đời thường để có thể lớn lên.

Từng là một thủ lĩnh tình nguyện viên, bạn nghĩ tố chất và kỹ năng nào cần thiết nhất cho một người đứng đầu nhóm tình nguyện?

Mình cho rằng kỹ năng một người thủ lĩnh tình nguyện viên cần có đó là quản lý rủi ro, sao cho khả năng rủi ro xảy đến luôn ở mức thấp nhất. Bởi vì có thể nói công việc tình nguyện là thứ công việc đa dạng và phức tạp nhất. Khắp nơi trên Tổ quốc đều có bóng dáng đóng góp của những tình nguyện viên không ngại khó không ngại khổ, với đủ thứ việc chân tay đến trí óc. Cũng vì công việc đa dạng và phức tạp ở môi trường rộng lớn như vậy thế nên luôn luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Mà làm việc với tình nguyện viên tức là làm với con người, rủi ro xảy đến với con người luôn để lại hậu quả trầm trọng và khó tưởng tượng nhất. Đặc biệt là với những tình nguyện viên, người đã nguyện cống hiến cho cộng đồng thì chắc chắn sẽ là những người đáng quý và đáng trân trọng hơn hết thảy. Sự an toàn của các bạn ấy luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Với những người có lòng đi tình nguyện, sự an toàn của các bạn phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 3.

Làm việc với bất cứ thứ gì, khó nhất luôn là làm việc với con người. Bởi rủi ro xảy ra nếu có, luôn là trầm trọng nhất và khó tưởng tượng. Nhất là những con người có lòng đi tình nguyện, có ham muốn cống hiến cho cộng đồng, thì càng cần phải coi trọng sự an toàn của các bạn ấy.

Bạn nghĩ thế nào về các phong trào thanh niên tình nguyện hiện tại ở các tỉnh thành cả nước?

Thông qua đánh giá các hoạt động của chiến dịch Mùa hè xanh trên phương tiện thông tin đại chúng, cũng như mục đích tổ chức của chiến dịch, mình thấy những chiến dịch tình nguyện như vậy là có ý nghĩa và cần được lan toả mạnh hơn nữa tinh thần của Mùa hè xanh tới mỗi bạn sinh viên.

Chiến dịch Mùa hè xanh, cũng như rất nhiều chiến dịch xã hội khác, đều là những thứ các bạn trẻ nên tham gia và tìm hiểu, để làm đầy vốn sống và thu nhặt thêm những trải nghiệm cho bản thân. Nhưng như mình đã nói, quan trọng nhất là sự an toàn đối với mỗi bạn tình nguyện viên phải được đảm bảo, đó là cái cơ bản đầu tiên của bất cứ chiến dịch tình nguyện nào.

Đến nay, câu chuyện nào khiến bạn ấn tượng nhất về các sinh viên tình nguyện?

Cùng thời điểm này năm ngoái, khi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 được tổ chức dưới cái nóng gay gắt kéo dài hàng tuần lễ ở khắp cả 3 miền, thì cộng đồng mạng đã tranh cãi xôn xao về những hình ảnh các em sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi đang nối dài cánh tay, đứng ra giữa đường làm "dải phân cách sống" để phân làn giao thông. 

Lúc đó, mình chỉ nghĩ nếu có một sinh viên nào đó ngất giữa đường vì say nắng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự nhiệt tình của các em ấy? Những em sinh viên ra đứng dưới nắng có được khám sức khoẻ trước đó không? Hay là nếu chẳng may tai nạn giao thông xảy ra với các em thì mọi chuyện sẽ thế nào, đứng ra giữa đường đâu phải chuyện đơn giản?

Với những người có lòng đi tình nguyện, sự an toàn của các bạn phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 4.

Hình ảnh sinh viên đứng dưới nắng 40 độ C làm "dải phân cách sống" tại thành phố Vinh, Nghệ An trong mùa thi 2015.

Công tác đảm bảo an toàn về sức khoẻ cũng như tính mạng của các em ra sao? Các em sinh viên tình nguyện hồn nhiên có thể không quan tâm tới những điều ấy nhưng những người có chức trách, quản lý đội tình nguyện, họ đã làm gì để giảm thiểu rủi ro đối với các em? Băn khoăn với một loạt câu hỏi như thế nên sự kiện đó khiến mình thấy rất ấn tượng, và công tác tổ chức những chiến dịch Sinh viên tình nguyện có vẻ vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.

Làm tình nguyện, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, địa hình hiểm trở, không tránh khỏi những sự cố đáng tiếc xảy ra. Trong đó có cả khách quan và chủ quan, sinh viên trước khi tham gia chiến dịch tình nguyện có được phổ biến trước về những rủi ro mình sẽ gặp phải không?

Ở bất cứ đâu cũng có thể có những sự cố đáng tiếc xảy ra. Người ta có thể gặp tai nạn trên đường phố, hay là chết đuối trong bể bơi giữa Thủ đô Hà Nội đông nghịt người cơ mà. Nhưng với những nơi không quen thuộc thì tỉ lệ rủi ro xảy ra đương nhiên sẽ lớn hơn. Mình không biết cách mà các đội nhóm tình nguyện hiện đang làm như thế nào, nhưng như một người chị của mình ở bên Nhật có kể lại cách làm tình nguyện ở bên đó. Bên đó khi xảy ra động đất sẽ cần nhiều tình nguyện viên giúp đỡ. Nhưng điều quan trọng là mỗi tình nguyện viên đều phải có bảo hiểm. Tình nguyện viên khi tham gia điều đầu tiên phải học là các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho mình và cho nơi làm việc, phải tham gia kiểm tra rồi ký cam kết hiểu rõ cũng như chịu trách nhiệm về cam kết. 

Với những người có lòng đi tình nguyện, sự an toàn của các bạn phải được đặt lên hàng đầu - Ảnh 5.

Mình cho rằng khi tình nguyện ở những vùng địa hình hiểm trở, chúng ta cũng nên làm như vậy. Làm tình nguyện là tốt nhưng nếu không có ý thức thì sẽ trở thành phiền toái. Tình nguyện viên không phải là một cuộc đi chơi tập thể, đó là làm việc một cách nghiêm túc và luôn hiểu rõ, chuẩn bị kỹ càng cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Cảm ơn Hạ Hồng Việt về buổi trò chuyện này.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày