Võ thuật Arnis, hành trình từ các chiến binh Philippines đến bom tấn Hollywood

THANH ĐÌNH, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 06/11/2019

Vô số loại võ thuật đã được đưa vào những bộ phim bom tấn của Hollywood, song Arnis, võ gậy truyền thống của Philippines thì đặc biệt nhiều. Tại sao nó được phổ biến và yêu thích đến vậy?

Trong cảnh chiến đấu cuối cùng ở bom tấn Furious 7, Dom (Vin Diesel) và Shaw (Jason Statham) đã chạm trán trong một garage. Thay vì dùng súng, cả hai sử dụng cờ lê và thanh kim loại để tạo nên màn kịch chiến rực lửa.

Nếu nghĩ rằng cả hai chiến đấu một cách ngẫu hứng, bạn đã nhầm. Thực tế, Dom và Shaw sử dụng kỹ thuật gọi là Arnis (hay Eskrima), tức võ gậy, môn võ thuật truyền thống chiến đấu bằng cả hai tay của Philippines. Thường thì vũ khí chủ yếu được sử dụng là gậy mây, nhưng trong nhiều trường hợp, có thể tùy biến với đủ loại vũ khí khác nhau.

Ví dụ như trong phim Kick-Ass, nhân vật chính Dave Lizewski tự gọi mình là "Kick-Ass" dùng gậy để đấu với Hit-Girl, người sử dụng dao balisong đặc trưng của Philippines. Hoặc ở phim Quantum of Solace, James Bond đã đối đầu với một sát thủ cầm dao và sở hữu kỹ thuật Arnis. Trong The Equalizer, Denzel Washington - vốn là học trò của huyền thoại võ thuật người Philippines, Dan Inosanto - đã áp dụng các đòn thế Arnis để tiêu diệt đám côn đồ người Nga.

Võ thuật Arnis, hành trình từ các chiến binh Philippines đến bom tấn Hollywood - Ảnh 1.

Cảnh chiến đấu giữa Dom (Vin Diesel) và Shaw (Jason Statham) trong Furious 7.

Có thể thấy Arnis ngày càng phổ biến và được ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là Hollywood. Vậy nó được hình thành như thế nào?

Từ rất lâu, những người bản địa Philippines đã phát triển kỹ thuật chiến đấu này với kiếm và dao. Hãy thử hình dung, đất nước này là tập hợp của hơn 7.000 hòn đảo với khoảng 100 phương ngữ khác nhau. Vì vậy các cuộc chiến xảy ra rất thường xuyên.

Nhưng sự cách biệt về mặt địa lý với các nền văn minh khiến họ không có đầy đủ phương tiện cũng như kỹ thuật căn bản. Các chiến binh phải tận dụng mọi thứ họ có, từ cành cây, con dao đến một hòn đá. Họ cũng cóp nhặt thêm các kỹ năng và vũ khí từ người Ả Rập, Trung Quốc và Nhật Bản. Với họ, chiến thắng không được quyết định bởi sức mạnh, mà là trí thông minh.

Tuy nhiên, sự kiện nổi tiếng nhất liên quan tới Arnis là năm 1521, khi những người Philippines cùng nhau chống lại thế lực hùng mạnh bên ngoài mà họ coi là kẻ thù.

Võ thuật Arnis, hành trình từ các chiến binh Philippines đến bom tấn Hollywood - Ảnh 2.

Denzel Washington (The Equalizer) là môn đồ của Arnis Philippines.

Đó là đoàn thám hiểm của Ferdinand Magellan, người đầu tiên trên thế giới đi vòng quanh Trái đất bằng đường biển. Trong chuyến đi cuối cùng tới Moluccas, mà Magellan gọi là Quần đảo Gia vị (thời kỳ đó, gia vị là mặt hàng được tìm kiếm bởi sự quý hiếm và đắt đỏ), ông đụng độ với người Philippines được lãnh đạo bởi Raja Lapu-Lapu, sau đó bị chém chết bởi thành kiếm Kampilan.

49 năm sau, người Tây Ban Nha quay lại. Và với súng hỏa mai, đại bác cùng hàng loạt vũ khí hiện đại khác đã giành chiến thắng. Trước khi áp đặt sự thống trị, họ đặt tên quần đảo này là Las Philippines để vinh danh Hoàng tử Philip (sau này trở thành Vua Philip II của Tây Ban Nha). Vẫn bị ám ảnh bởi võ thuật bản địa, Arnis cùng những vũ khí gây sát thương bị cấm ngặt.

Võ thuật Arnis, hành trình từ các chiến binh Philippines đến bom tấn Hollywood - Ảnh 3.

Võ gậy là môn thể thao quốc gia của Philippines.

Nhưng người Philippines vẫn biết cách để bảo tồn truyền thống. Họ sử dụng Arnis trong các nghi lễ hoặc biểu diễn, đồng thời thay thế dao bằng gậy mây. Rồi một thời gian sau, họ bỗng nhận thấy gậy mang những đặc điểm ưu việt hơn để bắt đầu tối ưu nó. Không những rất hữu hiệu khi phòng thủ, gậy mây còn có thể tạo ra những đòn tấn công chớp nhoáng và đắc dụng khi triển khai các đòn bẩy, khóa, ném.

Ngoài ra, người Philippines còn tinh chỉnh và hoàn thiện hơn Arnis khi đưa thêm vào các kỹ thuật của người Tây Ban Nha, sau đó là người Mỹ. Đến ngày nay, nó được nâng cấp thành môn thể thao mang tính quốc gia, giống như wushu của Trung Quốc, Taekwondo của Hàn Quốc, Muay Thai của Thái Lan hay Vovinam của chúng ta. Arnis thậm chí còn được đề cử là Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO, đồng thời xuất hiện tại Sea Games từ năm 2005 và tiếp tục được tranh tài ở Sea Games lần này.

Vì vậy, chúng ta không phải chờ những bộ phim hành động của Hollywood để chiêm ngưỡng những pha chiến đấu mãn nhãn, mà đơn giản hơn, chỉ cần dõi theo Sea Games 30 sắp tới.