Tài chính sau khi kết hôn vẫn là chủ đề nhận được quan tâm của nhiều cặp đôi. Một số người cho rằng, việc thu nhập của vợ và chồng “về chung một mối” là dấu hiệu mang lại sự an toàn cho hôn nhân.
Nhưng những người khác lại bày tỏ “tiền ai nấy tiêu” mới đem lại sự tự do cả về mặt tài chính và tinh thần trong mối quan hệ. Đơn cử với trường hợp của các gia đình dưới đây, họ đều chung nhận định: Một nguyên tắc khiến cặp vợ chồng không cãi cọ sau nhiều năm về chung một nhà là… không nắm hết tiền của nhau.
Tài chính không phải là một chủ đề dễ dàng cởi mở trao đổi, đặc biệt trong quá trình chuẩn bị kết hôn. Còn theo Quỳnh Nga (32 tuổi, Hà Nội), mỗi cá nhân đều có những quan điểm khác biệt về chuyện tiền nong. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bạn né tránh vấn đề này bởi vì đây là chuyện quan trọng, có thể ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống sau này.
Quỳnh Nga nhận định, trong giai đoạn tìm hiểu và xác định tiến tới hôn, vợ chồng cô đều có những lần trao đổi thẳng thắn về tài chính. Trong số đó, chuyện “Chồng hay vợ, ai là người nên giữ tiền?” là quan trọng nhất. Sau thời gian bàn bạc, cặp đôi thống nhất cả hai đều cùng nắm tiền chi tiêu. Nguyên tắc này cũng đi theo cuộc hôn nhân của họ suốt 7 năm.
Ảnh minh họa
Với gia đình Quỳnh Nga, không chỉ ở bất kỳ khâu quản lý tài chính nào thì điều quan trọng nhất vẫn là đôi bên có sự tin tưởng lẫn nhau. Chẳng hạn sau khi quyết định “tiền ai nấy tiêu”, cả hai vợ chồng tạo sự tin tưởng bằng cách chia sẻ bảng lương và thưởng cho đối phương. Tiếp đến là cả hai phân chia nhiệm vụ cho mỗi người, tùy theo mức thu nhập của đối phương.
Quỳnh Nga chia sẻ: “Hiện tại, trong tổng thu nhập hàng tháng của gia đình thì chồng mình chiếm 75%, vợ chiếm 25% nên anh sẽ chi trả nhiều hơn. Về chi phí sinh hoạt hàng tháng, vợ chồng mình phân chia nhau chi trả. Những thiết bị và khoản chi đắt tiền thì chồng trả, còn khoản chi lặt vặt như mua thực phẩm, đóng điện nước,... mình trả.
Còn thừa bao nhiêu tiền, vợ chồng mình cùng góp vào đầu tư gì đó, chẳng hạn mua vàng, mua đất và gửi tiết kiệm. Các khoản đầu tư của gia đình đều do mình quản lý.
Nhưng mình cũng rất minh bạch với chồng, mua hay bán gì đều báo lại hoặc có hóa đơn. Lấy chồng 7 năm rồi nhưng chúng mình chưa từng cãi nhau về tiền bạc, từ hai bàn tay trắng cho đến có nhà cửa và xe như bây giờ”.
Đồng tình với cách chi tiêu “tiền ai nấy giữ” là vợ chồng Đan Hà (29 tuổi, Hà Nội). Cô nàng chia sẻ: “Trong nhà mình thì cũng là tiền lương ai nấy giữ, có khoản chi tiêu lớn mới ngồi xuống bàn bạc và góp vốn chung. Mỗi người có một trách nhiệm thu chi riêng. Mình thấy cách làm này thoải mái hơn là giao hết tiền cho một người”.
Tương tự Quỳnh Hoa, vợ chồng Đan Hà cũng thống nhất để cả hai tự cầm tiền lương của nhau từ thời điểm mới cưới. Đan Hà chưa từng đề nghị chồng giao hết toàn bộ số tiền kiếm được, một phần vì… ngại, phần khác là thấy cách làm này không cần thiết cho tài chính của gia đình. Điều này cũng dẫn đến việc Đan Hà chỉ biết khoảng mức lương của chồng, chứ không tường tận con số cụ thể. Tuy nhiên, cô nàng cho hay cũng không cần biết chính xác mức lương của đối phương vì mỗi lần thu nhập gia tăng thì chồng đều chủ động báo lại.
Ảnh minh họa
Đan Hà chia sẻ: “Vợ chồng mình có một tài khoản chung. Đầu tháng, mỗi người góp tiền vào tài khoản này theo tỷ lệ chồng 60%, vợ 40%. Đây là khoản tiền dành cho chi phí sinh hoạt, đi chơi và sau này nếu có con.
Những khoản mua sắm to ngoài khả năng thì chồng trả, hoặc đôi khi mình có tiền thì bù vào. Các tài sản lớn như sổ tiết kiệm, vàng, nhà đều đứng tên cả hai và do mình nắm giữ. Hiện nhà mình đang hài lòng với cách quản lý tài chính này và chưa có dự định thay đổi. Về phần mình thì càng tránh cầm tiền một mình thì càng tốt, đỡ phải mất công tính toán quá nhiều”.
Đan Hà cho hay, xung quanh cô đã xuất hiện nhiều lời khuyên vợ chồng nên gom tiền về chung một mối thay vì tách bạch tiền bạc. Thực tế, vợ chồng Đan Hà cũng từng để cô nàng cầm hết tiền và chi tiêu. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng từ bỏ vì những bất cập xảy đến.
“Thời điểm mới cưới, có một thời gian chúng mình đột nhiên quy định: Tất cả tiền lương của vợ và chồng đều được gửi vào 1 tài khoản ngân hàng. Mình là chủ thẻ nên cầm tiền chi cho tất cả mọi thứ, từ tiền mua đồ ăn, sắm kệ bếp, cho đến đưa chồng mua hàng,...
Sau mấy tháng, mình lại quay về ‘tiền ai nấy giữ’ vì cách cầm tiền kia phức tạp, gánh nặng dồn hết lên vai chủ thẻ. Suy nghĩ của mình là vợ chồng thì đều lớn cả rồi, phải biết cách học và quản lý tài chính, cũng như tự giác tạo sự tin tưởng cho đối phương. Có một tài khoản chung để gom một phần chi phí sinh hoạt hàng tháng là đẹp rồi, còn lại bao nhiêu thì tiền ai nấy giữ và tự chi tiêu”.
Đan Hà nhận định, chuyện vợ chồng thảo luận tiền nong không chỉ dừng ở bước trước khi cưới mà còn nên tiếp tục khi đã về chung một nhà. Vợ chồng cô thường duy trì tần suất nói chuyện về tài chính khá thường xuyên, từ những khoản chi nhỏ như mua thực phẩm,... cho đến quyết định lớn như đầu tư vàng, mua nhà, sắm xe.
“Mình thống nhất với chồng hầu hết trong mọi khoản chi phí. Nếu cả hai đồng ý thì mua, còn một trong hai đã phản đối thì thôi. Nên thời gian đầu mới cưới cũng có lúc cãi nhau nhưng không bao giờ cãi vì tiền cả. Nói chung, đã nói chuyện về tài chính trong gia đình thì cần tin tưởng lẫn nhau thôi”, Đan Hà chia sẻ.
Ảnh minh họa
Còn về phía Quỳnh Hoa, cô cho rằng trong tài chính gia đình, việc người vợ cố gắng cầm hết tiền của chồng là không cần thiết. Mà thay vào đó, mỗi người đều cần có tiền riêng để tự làm tốt nhiệm vụ của mình. Có nhiều thước đo cho một người chồng tốt và việc “có đưa tiền cho vợ hay không?” không nên đặt vào bàn cân này.
Quỳnh Hoa bày tỏ: “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Với mình, chồng chăm lo vợ con và quản lý tiền bạc, biết vun vén tốt thì không cần đưa hết tiền lương cho mình.
Nhiều người cho rằng, sao không cầm hết tiền lương của chồng, nhỡ may sau này có gì xảy ra thì mình thiệt. Tuy nhiên, quan điểm của mình là không phải tiền bản thân làm ra thì mình sẽ không động vào tùy tiện. Vả lại, nếu chồng cầm tiền riêng thì vào những dịp lễ mình cũng sẽ được tạo bất ngờ bằng hoa, quà, đi ăn uống,...”