Trưa 4-4, phiên xét xử phúc thẩm đối với 4 bị cáo trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) cùng đồng phạm lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bước vào phần tranh tụng.
Sau khi xét hỏi các bị cáo, đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo của các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi - cựu trợ lý của bà Hằng; Lê Thị Thu Hà - cựu nhân viên Công ty CP Đại Nam; Huỳnh Công Tân - cựu Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm về tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" và hình phạt 1 năm 6 tháng tù đối với các bị cáo này.
Bị cáo Đặng Anh Quân
Tương tự, VKSND đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo xem xét lại vụ án và giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Đặng Anh Quân, tiến sĩ luật. Giữ nguyên tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" và mức hình phạt 2 năm 6 tháng tù với bị cáo.
Kiểm sát viên cũng đề nghị không chấp nhận kháng cáo của hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án là bà Đặng Thị Hàn Ni và bà Đinh Thị Lan. Theo đó, hai người này cùng yêu cầu HĐXX xác định họ là bị hại của bị cáo Hằng. Bà Đinh Thị Lan yêu cầu được bồi thường hơn 3 tỉ đồng vì tổn thất vật chất, tinh thần do hành vi phạm tội của bà Hằng gây ra.
Bà Nguyễn Phương Hằng
Đại diện cơ quan công tố đánh giá bị cáo Quân có hành vi tham gia, tương tác trực tiếp với bà Nguyễn Phương Hằng trong 11 buổi livestream, đã cổ vũ tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà này phạm tội. Trong đó, bị cáo Quân có xúc phạm ông Võ Nguyễn Hoài Linh.
Đặc biệt, ngày 21-12-2021, cơ quan CSĐT Công an TP HCM công bố nội dung tố giác ông Hoài Linh không có dấu hiệu phạm tội, không khởi tố vụ án. Quan điểm này cũng được VKSND TP HCM thống nhất. Tuy vậy, ngày 24-12-2021, bị cáo Quân có phát ngôn liên quan vụ việc và Cơ quan chức năng xác định đây là những phát ngôn xuyên tạc, đưa thông tin vu khống.
Cũng theo VKS, bị cáo Quân biết rõ động cơ, mục đích livestream của bà Hằng. Với học vị tiến sĩ luật của mình, bị cáo Quân biết nhưng không phân tích, giải thích về pháp luật liên quan các phát ngôn sai phạm của bà Hằng hay tỏ rõ phản đối để bà này biết, ngược lại còn tương tác, cổ vũ tinh thần.
Tại toà phúc thẩm, bị cáo Quân còn nói rằng việc phát ngôn vi phạm pháp luật của bà Hằng là trách nhiệm của bà này, bị cáo là khách mời nên không can thiệp được.
Kiểm sát viên đánh giá lời khai của bị cáo Quân chưa thể hiện sự ăn năn, hối cải.
Đối với tình tiết nộp bồi thường 5 triệu đồng trách nhiệm dân sự và án phí như bản án sơ thẩm đã tuyên, VKS xét thấy đây là nghĩa vụ chứ không phải là tình tiết mới để áp dụng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. VKS đánh giá hình phạt của bản án sơ thẩm là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi của bị cáo này.
Kiểm sát viên phân tích thêm trong tình hình hiện nay, tội phạm viễn thông xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước là những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Điều này cũng xâm phạm đến hoạt động quản lý của nhà nước về lĩnh vực viễn thông, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích của nhà nước, tổ chức và cá nhân. Do đó, cần xét xử nghiêm minh vụ án để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.