Sáng 19-3, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB). Đây là ngày xét xử thứ 10.
Phiên tòa bước sang ngày thứ 10
VKSND TP HCM thực hành quyền công tố bắt đầu phần luận tội đối với 86 bị cáo trong vụ án. Theo đó, hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các bị cáo đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức, làm mất niềm tin của nhân dân.
Bị cáo Lan đồng ý sử dụng nhiều tài sản; uỷ quyền cho con gái thu hồi hơn 1.500 tỉ đồng tiền nợ mà một số cá nhân, tổ chức chưa thanh toán để khắc phục hậu quả vụ án.
Quá trình điều tra vụ án cũng đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Từ ngày bắt đầu diễn ra phiên xử (ngày 5-3), bị cáo Trương Mỹ Lan liên tục phủ nhận hành vi phạm tội mà cáo trạng cáo buộc. Trong khi đó, nhóm lãnh đạo, cán bộ SCB là những người am hiểu pháp luật, giỏi chuyên môn thừa nhận tiếp tay cho bị cáo Trương Mỹ Lan "rút ruột" ngân hàng. Tổng thiệt hại được xác định là 498.000 tỉ đồng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan
VKSND TP HCM nêu quan điểm bị cáo Lan phạm tội nhiều lần, phạm tội có tổ chức, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho nhà nước. Đây là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Ngoài ra, đại diện VKSND còn cho rằng bị cáo Lan không hề ăn năn, còn đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền và các bị cáo khác ở SCB. Do đó cần nghiêm trị tương xứng đối với hành vi phạm tội.
Vị đại diện nhận định đến trước thời điểm tái cơ cấu SCB (ngày 1-1-2012), bị cáo Trương Mỹ Lan đã sở hữu trên 80% cổ phần của SCB (thông qua Công ty CP Tài chính Việt Vĩnh Phú và các cổ đông khác đứng tên thay). Đến năm 2018, tỉ lệ cổ phần SCB mà bị cáo Lan nắm là hơn 91%.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn
Với quyền lực cổ đông, bị cáo Lan dễ dàng điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB ngay từ khi hợp nhất đến khi khởi tố vụ án.
Trong hơn 10 năm kể từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, bị cáo "đạo diễn" việc lập khống, cho vay, giải ngân 2.527 khoản vay để "rút ruột" hơn 1 triệu tỉ đồng của SCB - gấp 100 lần vốn điều lệ của ngân hàng (SCB từng là ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất với vốn điều lệ là 10.500 tỉ đồng, sau này là 15.200 tỉ đồng). Qua đó, bị cáo Lan chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng.
Để hợp thức hoá việc rút tiền ở SCB, khi ngân hàng này giải ngân vào tài khoản của các công ty "ma" theo phương án vay, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Hồ Bửu Phương phối hợp với Nguyễn Phương Anh, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân (thuộc Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) lập phương án thực hiện việc "giải quỹ" bằng cách lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống. Đồng thời, sử dụng nhiều cá nhân mở tài khoản tại Ngân hàng SCB để ký rút tiền, nộp tiền, chuyển tiền lòng vòng, cuối cùng đến tay bị cáo Trương Mỹ Lan.
Đối với trường hợp Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản của các cá nhân (được thuê đứng tên khoản vay hoặc đứng tên thụ hưởng tiền vay) thì các cá nhân này sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền. Bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng giám đốc SCB; đã chết) hoặc Trần Thị Mỹ Dung (Phó Tổng giám đốc SCB) chuẩn bị. Sau đó, chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe của Lan) đến Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền.
Các bị cáo tại tòa
Từ ngày 26-2-2019 đến ngày 12-9-2022, theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, Bùi Văn Dũng đã vận chuyển số tiền 108.878 tỉ đồng và hơn 14 triệu USD từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (193-203 Trần Hưng Đạo) hoặc về Hầm B1, Tòa nhà Sherwood (127 Pasteur) hoặc giao, đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Số tiền trên, bị cáo Lan sử dụng để trả nợ tiền mua các bất động sản; mua cổ phần các dự án và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác.
Phần luận tội đang tiếp tục…