Khi tổng thống Trump đưa Huawei vào danh sách đen thương mại trong tháng 5 vừa qua, con đường bành trướng toàn cầu của nhà sản xuất Trung Quốc coi như đã chấm dứt. Không còn quyền hợp tác với các công ty Mỹ, Huawei cũng mất luôn quyền cài đặt các dịch vụ Google lên smartphone Android, vốn là một yêu cầu tiên quyết đối với smartphone bán tại các thị trường quốc tế. May mắn cho Huawei, lệnh cấm của ông Trump đã biến Huawei trở thành một biểu tượng quốc gia, thúc đẩy người dân Trung Quốc ngừng mua điện thoại các hãng khác và quay sang ủng hộ Hoa Vỹ.
Kết thúc năm 2019, Huawei chiếm tới 38,5% thị trường quốc nội, cao ngang ngửa 2 đối thủ tiếp theo là OPPO và Vivo cộng lại.
Corona làm ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng smartphone tại Trung Quốc.
Nhưng cũng thật đáng buồn cho Huawei, "họa vô đơn chí". Khi năm 2020 vừa bắt đầu được vài ngày, dịch bệnh viêm phổi Corona bắt đầu hoành hành tại Đại Lục. Theo nhận định của tờ Thời báo Toàn cầu, một tờ báo của chính phủ Trung Quốc, dịch bệnh này có thể khiến Trung Quốc mất tới 2% GDP trong quý 1. Quyết định gia tăng thời gian nghỉ Tết Âm Lịch cũng như bắt buộc các nhà máy/cửa hàng phải đóng cửa "sẽ gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp sản xuất và gây tổn hại đến chuỗi cung ứng toàn cầu".
Gần như tất cả các tên tuổi lớn của làng công nghệ đều sẽ bị ảnh hưởng. Trong buổi họp báo cáo tình hình tài chính, CEO Tim Cook của Apple khẳng định nhiều cửa hàng Apple Store tại Trung Quốc phải giảm giờ mở cửa, đồng thời cũng đang thực hiện các biện pháp kiểm tra sức khỏe đều đặn cho nhân viên. "Apple của Trung Quốc" là Xiaomi vừa phải đóng cửa các cửa hàng vật lý, vừa phải ra thông báo thời gian giao hàng online sẽ gia tăng.
Đặc biệt, mặc dù đã chứng kiến thị phần "bốc hơi" khỏi Trung Quốc, Samsung vẫn có thể bị ảnh hưởng khi một phần chuỗi cung ứng phụ kiện của hãng này vẫn đang đặt tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Không có một hãng smartphone nào bị "trói" vào thị trường Trung Quốc như Huawei.
Nhưng Huawei chắc chắn sẽ là tên tuổi lớn nhất chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh mới vì một lý do đơn giản: 60% doanh số của hãng này đến từ Trung Quốc. Với Apple, con số này chỉ là 14%. Thậm chí, với "Apple của Trung Quốc" là Xiaomi, con số này cũng chỉ ở mức 31%. Ngoại trừ Huawei, không một thương hiệu smartphone Trung Quốc nào khác trong top 5 toàn cầu bị cấm sử dụng Android quốc tế. Trừ Huawei, tất cả các thương hiệu smartphone Trung Quốc khác như OPPO, Vivo và Xiaomi đều đang tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu.
"Các thương hiệu smartphone phải thực sự suy nghĩ về dịch bệnh này một cách nghiêm túc và đưa ra các biện pháp ứng phó trong nhiều trường hợp. Kể từ khi dịch bệnh nổ ra tại Vũ Hán vào tháng 12, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc đã khiến các công nhân nhà máy phải ở nhà, gây ảnh hưởng lên khâu sản xuất. Khâu bán lẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng khi người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn", Nicole Peng, phó chủ tịch phụ trách mảng di động tại Canalys cho biết.
Cũng theo số liệu của Canalys, thị trường Trung Quốc trong quý 4/2019 đã xuống mức thấp nhất kể từ quý 1/2013. Đằng sau sự sụt giảm này là một cơ hội lớn cho Huawei: người tiêu dùng có vẻ đang tạm dừng mua smartphone 4G để chờ đợi smartphone 5G giá rẻ ra mắt. Vừa là một thế lực trong ngành viễn thông, vừa sản xuất chipset 5G của riêng mình, trong năm 2019 Huawei đã chiếm tới 78% thị phần smartphone 5G tại Trung Quốc. Năm 2020 đáng lẽ đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho thương hiệu smartphone số 1 Trung Quốc – dù chỉ là tại quê nhà.
Đáng tiếc thay, vì virus Corona, kỷ nguyên ấy không biết đến khi nào mới có thể bắt đầu.