Mới đây, NASA cho biết có một mảnh thiên thạch đã tiếp cận Trái đất. Tất nhiên không có một vụ va chạm nào xảy ra - chắc bạn cũng biết rồi. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ con người không hề phát hiện ra nó, cho đến 3 ngày sau khi nó bay ngang qua.
Cụ thể, thiên thạch ấy mang số hiệu 2017 001, có đường kính khoảng 77m. Nó đi ngang qua chúng ta vào ngày 20/7, ở khoảng cách 123.031km - bằng khoảng 1/3 quãng đường tới Mặt trăng, với tốc độ 10.000m/s.
Ảnh minh họa
Nhưng mãi đến ngày 23/7, chúng ta mới nhận ra nó, nhờ vào dữ liệu từ Đài thiên văn ATLAS-MLO từ Hawaii. Và tất nhiên, đây là một tin cực kỳ không ổn.
"Thiên thạch 2017 001 là minh chứng quan trọng cho thấy chúng ta cần phải cải thiện khả năng phát hiện các thiên thạch cỡ nhỏ," - Grigorij Richters, giám đốc tổ chức Asteroid Day (tổ chức được lập ra nhằm mục đích cảnh báo về các loại thiên thạch).
"Các thiên thạch nhỏ tuy không khiến Trái đất bị hủy diệt, nhưng tác động gây ra cũng rất to lớn, có thể khiến nhiều loài vật bị tổn thương, thậm chí là diệt vong."
Để dễ so sánh, thiên thạch Chelyabinsk phát nổ tại Nga vào năm 2013 có kích cỡ khoảng 20m. Nó khiến hàng trăm người bị thương - chủ yếu do bị các cửa kính vỡ bắn phải.
Hay năm 1908, thiên thạch Tunguska (kích thước khoảng 50 - 100m) đã phát nổ tại Siberia. Nó khiến 80 triệu cây xanh tại một vùng đất rộng 2000 kilo vuông bị phá hủy, nhưng may mắn không có ai bị thương.
Thiên thạch Chelyabinsk phát nổ tại Nga, khiến hàng trăm người bị thương
Chúng ta hiện theo dõi được khoảng 75% các mảnh thiên thạch có kích cỡ trên 1km xung quanh Trái đất. Nhưng đáng sợ ở chỗ, chỉ 0,5% thiên thạch kích cỡ trên 120m được theo dõi, trong khi chúng có thể gây ra thiệt hại không hề nhỏ.
Thiên thạch 2017 001 đã không đâm vào Trái đất, nhưng rõ ràng chúng ta phải cải thiện khả năng phát hiện thiên thạch trong tương lai. Hiện tại, việc phát hiện chủ yếu dựa vào vệ tinh WISE của NASA - thứ đã phát hiện được hàng ngàn thiên thạch kể từ năm 2009, và chừng đó là không đủ.