Ngày 25-9, lãnh đạo huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết cán bộ huyện đã kiểm tra hiện trường, triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân tại khu vực sạt lở ở thôn 4 (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm), đồng thời di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo đó, tại khu vực này đoạn sạt lở dài khoảng 25 m, ăn sâu vào bờ khoảng 2-10 m. Đoạn đường ven sông và khoảng sân chung, bờ tường của nhiều hộ dân bị đổ sập hoặc cuốn trôi.
Theo ông Hà, một cư dân thôn 4 cho biết: "Đoạn sạt lở đã ăn sâu vào bờ hơn 10 m. Chúng tôi đã phải di chuyển một số tài sản đến nơi khác để đảm bảo an toàn".
Khu vực trên có 7 hộ dân với 35 nhân khẩu, tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 3.600 m2. Hiện bờ sông xuất hiện một số vết nứt, bề rộng 0,5 m, kéo dài hơn chục mét, nguy cơ đất tiếp tục trượt xuống sông.
Khu vực bị sạt lở đất
Gần đó, thôn 5 xã Kim Lan cũng bị sạt lở khoảng 32 m bờ sông, ăn sâu vào bãi 1-3 m, cách nhà dân gần nhất hơn 4 m. Khu Miếu Triền gần khu vực này đã bị sạt khoảng 100 m, sạt lở sâu vào đất 2-17 m, cách nhà dân gần nhất khoảng 20 m.
Ông Trương Văn Học, Phó chủ tịch huyện Gia Lâm, bờ bãi sông Hồng chủ yếu là đất cát pha, liên kết yếu. Từ đầu tháng 8, do ảnh hưởng mưa bão, trên địa bàn xã Kim Lan xuất hiện một số vết nứt dọc bờ sông. Sau cơn bão số 3 (bão số Yaghe), nước sông Hồng dâng cao gần mức báo động ba, khi nước rút kéo theo phần đất, cát đã mất liên kết dẫn đến sạt lở. Hiện nay, 5 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu đã được di dời đến nơi an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, khu vực sạt lở hiện đã được quây kín bằng tôn, gắn biển cảnh báo và lực lượng chức năng được điều động trực 24/24 để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn lo ngại tình trạng sạt lở có thể tiếp tục diễn ra nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.